TS. NGUYỄN THỊ HIỆP - NGƯỜI VIỆT TRẺ, TÀI NĂNG

Tối 19/10, tại thành phố Nay Pyi Taw, Myanmar, TS. Nguyễn Thị Hiệp - Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Hoa Kỳ lần III, 2017 và trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt giải này.

Gặp TS Hiệp sau khi chị trở về từ Myanmar, đôi mắt còn vẻ quầng thâm vì mất ngủ nhưng ánh mắt thì lấp lánh không giấu được niềm vui vì đã “làm tròn sứ mệnh” - để Việt Nam được vinh danh ở ngôi vị cao nhất của một giải thưởng về khoa học và công nghệ cấp khu vực, trước sự có mặt của các bộ trưởng và các quan chức cấp cao ASEAN.

TS. Nguyễn Thị Hiệp (mặc áo dài) trong đêm trao giải. Ảnh: NVCC

Mình đang mang sứ mệnh

    TS Nguyễn Thị Hiệp là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong hai nhà khoa học trẻ ASEAN lọt vào vòng cuối cùng của cuộc thi sau khi vượt qua rất nhiều thí sinh khác trong khu vực. Bay đến Myanmar cùng chồng, nữ giảng viên 36 tuổi này biết mình phải cố gắng hết sức nhưng vẫn “bị khớp” khi thấy đối thủ Malaysia có sự chuẩn bị rất chu đáo. “Qua đến nơi, tôi thấy đối thủ Malaysia đươc Bộ Khoa học Công nghệ Malaysia tiếp đón hoành tráng, chuẩn bị phóng viên, cờ xí các thứ để chờ cô ấy thắng là đưa tin ngay. Lúc đó tôi mới thay đổi suy nghĩ và nhận ra rằng cuộc thi không phải của riêng mình, mình đang mang sứ mệnh của đất nước nên rất lo lắng. Tối đó, tôi thức trắng đêm để coi lại slide chuẩn bị mai trình trước hội đồng. Hôm sau khi nghe thông báo kết quả tôi mừng quá vì đã làm tròn sứ mệnh và… vậy là lại mất ngủ thêm một đêm nữa” - Tiến sĩ Hiệp dí dỏm kể.

    Với giải Nhất, TS Nguyễn Thị Hiệp được trao 20.000USD cho nghiên cứu xuất sắc của mình về sử dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị. “Dân di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng đông đã gây nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các thành phố lớn. Các vật liệu sinh học và thiết bị y tế thông minh có thể giúp chăm sóc mọi người tại nhà. Nghiên cứu của tôi tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả hơn” - nữ giảng viên cho biết.

TS. Nguyễn Thị Hiệp và sinh viên tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM. Ảnh: Phương Nghi

Gia đình là động lực để làm việc hiệu quả

    TS Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, TS Hiệp trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại Trường ĐH Quốc Tế.

    Chỉ 36 tuổi nhưng nữ giảng viên người TP.HCM này có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Tính đến nay, TS Hiệp có 26 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 6 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 40 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế.

    Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, nữ tiến sĩ trẻ đã giành được Giải thưởng L'Oreal và được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L'Oreal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, có tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.

    Để có thời gian dành cho sự nghiệp học thuật, TS Hiệp đã phải thu xếp chu toàn giữa việc trường và việc nhà. Chị cho biết: “Mỗi sáng thức dậy, tôi giúp hai đứa con gái của mình tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân rồi cùng chồng đưa chúng đến trường. Sau đó hai vợ chồng ăn sáng, trò chuyện cùng nhau về kế hoạch trong ngày. Đến trường tôi tập trung vào công việc và đến chiều thì lại về lo việc nhà. Ngoài công việc, tôi rất muốn gần bên gia đình của mình, dành thời gian chơi với các con” - chị chia sẻ.

    “Một người phụ nữ thực sự muốn theo đuổi khoa học cần chuẩn bị thật kỹ về tinh thần và rèn luyện tính kiên nhẫn. Khi đã có tinh thần làm việc thì cần nỗ lực nghiên cứu để thu thập thành tích, nhất là khi chưa lập gia đình, bởi vì như giải thưởng này, nó đánh giá cả quá trình bạn làm việc chứ không phải xét trên một đề tài cụ thể nào cả” - TS Hiệp nói thêm.

Hình mẫu nhà khoa học nữ của sinh viên

    Trò chuyện với TS Hiệp khi chị đang ngồi dự lễ tốt nghiệp của sinh viên trường mình. Thỉnh thoảng chị nhìn xuống các dãy ghế sau để tìm kiếm học trò rồi chặc lưỡi “Mấy đứa sinh viên sắp tốt nghiệp rồi, nhớ tụi nó ghê”. Rồi có lúc sực nhớ, chị liền mở điện thoại gọi cho sinh viên hỏi sao thứ Bảy vừa rồi không đi họp đề tài, xong lại tỉ mẩn dặn dò sinh viên ôn tập tốt cho kỳ thi sắp đến.

    Nguyễn Thị Phương Nghi, sinh viên khoá K13, Bộ môn Kỹ thuật Y sinh nói: “Cô Hiệp chính là thần tượng của em và là hình mẫu nhà khoa học nữ mà em muốn hướng đến. Em là một trong những lứa sinh viên đầu tiên do cô hướng dẫn và cũng chứng kiến quá trình hình thành và xây dựng Phòng Thí nghiệm Y học tái tạo của cô. Lần đầu tiên em và các bạn đến xin cô tham gia các dự án khoa học, cô trò ngồi nói chuyện trong một căn phòng trống trơn còn chưa được lót gạch, chưa có bàn ghế gì cả. Vậy mà đến nay, hướng Y học tái tạo của Bộ môn đã có 3 phòng thí nghiệm với các máy móc thí nghiệm hiện đại có thể phục vụ các đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng viên và phục vụ nhu cầu của các phòng thí nghiệm khác. Nhóm nghiên cứu của cô bây giờ cũng có hơn 40 bạn sinh viên đại học và cao học với nhiều đề tài nghiên cứu đa dạng”.

    Nhận xét về đồng nghiệp nhỏ của mình, GS Võ Văn Tới, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc Tế nói: “Hiệp là trường hợp điển hình của người trẻ Việt Nam. Họ có tài năng và tâm huyết, họ chỉ cần có điều kiện tối thiểu sẽ phát huy được tiềm năng đó. Các năm trước, những người đoạt giải thưởng này là giáo sư và giám đốc viện nghiên cứu, ngay cả đối thủ năm nay của Hiệp cũng là một giáo sư. Chắc chắn họ được hỗ trợ về mọi mặt và có nhiều phương tiện, trong khi đó Hiệp chỉ là một giảng viên bình thường, chỉ được hỗ trợ vừa đủ nhưng đã làm nên chuyện lớn. Điều này rất đáng tự hào và cần được suy ngẫm thấu đáo”.

    “Tôi may mắn được làm việc ở Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, được tạo điều kiện rất tốt so với nhiều đồng nghiệp khác trong nước. Giờ tôi chỉ biết cố gắng làm việc, tạo ra công trình, tiếp tục có bước tiến mới và hỗ trợ sinh viên nhiều hơn nữa. May mắn thay, các phòng thí nghiệm của Bộ môn đều được mở cửa 24 giờ trên 7 ngày để lúc nào cần, sinh viên cũng có thể làm việc” - nhà khoa học trẻ vừa làm rạng danh Việt Nam bộc bạch.

GS Võ Văn Tới: “Quan trọng là phải giữ chân được người tài”

Thành công của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp cũng như những bạn trẻ khác làm tôi rất tin tưởng và phấn khởi về tuổi trẻ của Việt Nam. Trước TS Hiệp, một nữ giảng viên khác của Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, TS Trần Hà Liên Phương, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam nhận được Giải thưởng Khoa học L'Oreal - UNESCO, một giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá khác. Nhưng giờ TS Liên Phương đang làm việc tại Úc. Điều này làm tôi cứ trăn trở mãi.

Tạo điều kiện để phát huy người tài thôi chưa đủ. Quan trọng là làm sao giữ chân họ được thì việc thu hút và đào tạo nhân tài mới có ý nghĩa và mới góp phần thực sự vào việc kiến tạo đất nước mình.

 

Khánh Lâm ghi; ĐẠI HỌC QUỐC GIA TPHCM 31/01/2018

 

Phần mềm giao nhận logistic