Sáng kiến gắn với cộng đồng

Sáng kiến cộng đồng là cuộc thi nhằm tìm ra và tôn vinh những sáng kiến góp phần tạo dựng môi trường sống, sinh hoạt, học tập tốt cho người dân TPHCM. 

Ba thí sinh đoạt giải nhì cuộc thi Sáng kiến cộng đồng 2018. Ảnh: Lê Duy

Ba thí sinh đoạt giải nhì cuộc thi Sáng kiến cộng đồng 2018. Ảnh: Lê Duy

Cuộc thi được Sở KH-CN TPHCM khởi xướng từ năm 2016 và đến năm 2017 có 10 sáng kiến cộng đồng tiêu biểu đã nhận giải thưởng. Năm 2018, cuộc thi thu hút 44 sáng kiến khởi nguồn từ nhu cầu thực tế của cuộc sống và 14 sáng kiến đã được tôn vinh.

Thiết thực với đời sống

Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về sáng kiến “Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán” của thầy Lê Thiên Phúc, giáo viên bộ môn Sinh và Công nghệ tại Trường THPT Phú Nhuận. Sáng kiến này giúp học sinh vận dụng tiết dạy STEM vào môn Công nghệ 10 và môn Sinh học 11 thay thế cho việc ngồi học bài với lý thuyết khô khan. Các sáng kiến cộng đồng đoạt giải khác cũng là những sáng kiến xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống và dễ dàng ứng dụng. Giải nhì có các sáng kiến: “Thiết kế sách Lịch sử cấp 3” của Đoàn Nguyễn Phương Danh, học sinh chuyên Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, đã hệ thống các mốc thời gian quan trọng trong môn Lịch sử, giúp việc học môn này dễ dàng và hứng thú hơn. Sáng kiến “Áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre” của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TPHCM đã tạo ra sản phẩm hữu hiệu dành cho mọi người khi phải di chuyển dưới nắng gắt. “Máy bóc 3.000 vỏ trứng mỗi giờ” của Trương Công Hoàng, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, có thể áp dụng tại các nhà hàng và cơ sở sản xuất trứng.

Trong các sáng kiến được vinh danh của cuộc thi Sáng kiến cộng đồng 2018 còn có 3 giải ba với các sáng kiến có thể ứng dụng ngay trong đời sống. Sáng kiến “Sinh viên TPHCM chế tạo máy cho tôm ăn tự động” với tính năng đặc biệt là máy này thực hiện các lệnh hoạt động qua ứng dụng được cài sẵn qua smartphone. “Robot tỉa cây” do sinh viên TPHCM chế tạo, sẽ men theo bồn và cắt tỉa cây thẳng hàng với công suất 1 giờ/2km cũng là sáng kiến khá thú vị hay sáng kiến “Tự chế xe chữa cháy mini trong hẻm nhỏ Sài Gòn” của một người dân ở quận 1, TPHCM, có thể hỗ trợ bà con dập lửa khi gặp sự cố cũng đáng được vinh danh.

Sáng kiến cộng đồng 2018 còn trao 7 giải khuyến khích và đây xem như sự động viên cho các tác giả đã tích cực tham gia, như “Xe đạp quẹt thẻ từ, tự bật đèn”, “Ứng dụng tìm nhà trọ, cây xăng, ATM trên điện thoại di động”, “Phần mềm giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể”…

Giảm lượng - tăng chất

Giải thưởng Sáng kiến cộng đồng năm 2018 hướng đến những sáng kiến có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho cộng đồng dân cư và có khả năng lan tỏa rộng rãi trong đời sống là đánh giá chung của ban tổ chức cuộc thi. Bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Khám Phá, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Nhiều năm qua, Sở KH-CN TPHCM luôn kiên trì, khuyến khích và muốn tôn vinh những cá nhân, tổ chức có sáng kiến đổi mới sáng tạo ngay qua các công việc, hoạt động hàng ngày. Vì thế, tôn chỉ của cuộc thi là tìm kiếm và tôn vinh những sáng kiến đến từ cộng đồng, hướng tới cộng đồng và phục vụ cộng đồng”.

Cuộc thi được phát động từ tháng 6-2018, dành cho mọi cá nhân, tổ chức có sáng kiến, sản phẩm, mô hình, giải pháp sáng tạo phục vụ sản xuất, đời sống kinh tế, xã hội cho cộng đồng dân cư tại TPHCM. Đối tượng dự thi dành cho mọi công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp, có các sản phẩm, mô hình, giải pháp kỹ thuật… là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội, được áp dụng tại thành phố từ ngày 1-1-2018 đến 20-12-2018. Ở cuộc thi Sáng kiến cộng đồng 2017, ban tổ chức nhận được 83 bài dự thi qua 6 tháng triển khai, ghi nhận sự đóng góp và tham dự của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội. Giải thưởng Sáng kiến cộng đồng 2018 đã thu hút 44 tác phẩm hợp lệ, được khơi nguồn và phát triển từ chính những vấn đề, nhu cầu thực tế của cuộc sống. Tuy số lượng sáng kiến 2018 ít hơn năm trước nhưng chất lượng sáng kiến dự thi tăng đáng kể, đặc biệt là các sáng kiến ứng dụng trong việc dạy học, ứng dụng trong cộng đồng.

Sau 3 năm triển khai, cuộc thi đã tìm ra nhiều dự án do cộng đồng thực hiện hay được thực hiện vì cộng đồng. Cuộc thi cũng đã phần nào giải quyết được câu chuyện những nghiên cứu đổi mới sáng tạo chưa ứng dụng vào thực tế đời sống. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chia sẻ: “Đây là cuộc thi duy nhất dành riêng cho nhóm đối tượng cộng đồng, những người trực tiếp gặp vấn đề trong cuộc sống và tìm ra giải pháp thực tiễn hơn. Sở KH-CN mong muốn thông qua cuộc thi này sẽ lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến nhiều người hơn nữa”. 

Bá Tân; SGGP Thứ Hai, 7/1/2019 11:08


Phần mềm giao nhận logistic