Vượt qua biến cố
Từ khi bị tai nạn, Oanh phải tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Để vực dậy tinh thần và thể chất, Oanh không còn nhốt mình trong phòng mà bắt đầu tập. Ban đầu là tập thở dưỡng sinh, đi bộ dưỡng sinh để ổn định hơi thở. Những bài tập tiếp theo là khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, như cầm nắm vật để không rớt, tập uống nước, tập ăn để không đổ, tập cầm bàn chải đánh răng, cầm viết, mang giày, cài nút áo, tập nói... Oanh kể: “Mình nhớ nhất là lúc phải dành cả buổi sáng chỉ để tập mở nút cài nón bảo hiểm, hay cố gắng đọc hết một trang sách mất một tiếng đồng hồ vì các hàng chữ cứ nhảy lộn xộn”.
Tháng 7-2014, Oanh bắt đầu tập âm ngữ trị liệu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Không ít lần Oanh nản chí với những bài tập khó, nhưng khi nhìn lại thấy mình may mắn hơn nhiều người, còn được sống, được thở, tay chân lành lặn, nên lại kiên trì. Nhờ vậy, Oanh thấu hiểu vai trò của phục hồi chức năng trong trị liệu. Bây giờ, Oanh vẫn duy trì bằng tập vài động tác yoga cơ bản, chạy bộ, ngồi thiền. Oanh chia sẻ: “Bài học lớn nhất mình học được từ sau biến cố tai nạn giao thông là chấp nhận và yêu thương bản thân mình. Đây là cội nguồn của bình an và yêu thương. Mình biết ơn những người luôn chờ đợi và cho mình cơ hội tự làm các hoạt động, giúp mình cảm thấy mình không khác biệt, không phải mặc cảm về bản thân và được tôn trọng”.
Mang âm ngữ trị liệu về giúp trẻ em ở quê hương
Theo học về âm ngữ trị liệu, Oanh được học những kiến thức chuyên môn và những mô hình làm việc chuyên nghiệp, sự chia sẻ với đồng nghiệp và đặc biệt là cách tiếp cận, lấy bệnh nhân - gia đình làm trung tâm. Những điều này, Oanh may mắn được học từ các cô giáo là các giáo sư, nhà thực hành lâm sàng kỳ cựu đến từ Úc và những giảng viên kinh nghiệm của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Đang là một dược sĩ làm cho công ty nước ngoài có mức lương cao, sau biến cố tai nạn giao thông, khi phục hồi sức khỏe trở lại, dù có thể tiếp tục công việc cũ nhưng Oanh quyết định nghỉ việc để làm một điều gì đó có ích cho cuộc sống, cho tuổi trẻ của mình. Với tâm nguyện mang âm ngữ trị liệu về giúp trẻ em ở quê hương, sau 13 năm sinh sống tại TPHCM, tháng 7-2017, khi tốt nghiệp khóa học âm ngữ trị liệu, Oanh quyết định trở về quê hương Quảng Nam lập một phòng trị liệu âm ngữ. Ý định này xuất phát từ kỳ thực tập ở Huế, khi Oanh chứng kiến các bệnh nhi ở các tỉnh lân cận phải mỗi tuần vào Huế 3 - 4 lần để học âm ngữ trị liệu. Biết Quảng Nam chưa có dịch vụ âm ngữ trị liệu, trẻ em Quảng Nam cũng phải ra Đà Nẵng chữa trị, vậy là Oanh mở trung tâm ở số 314/29 Hùng Vương (TP Tam Kỳ), để tạo cơ hội tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến cho các bé bị hở vòm miệng hay phải đeo máy trợ thính, rối loạn phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, rối loạn âm lời nói, nói ngọng, nói lắp gây khó khăn trong học tập. Hiện nay trung tâm đang có 20 trẻ đang trong quá trình trị liệu.
Nhờ trải nghiệm của bản thân, Oanh luôn kiên nhẫn chờ đợi trẻ, để trẻ có cơ hội bộc lộ và giao tiếp, tự phục vụ nhiều hơn. Oanh nhớ mãi hình ảnh một cô bé 5 tuổi rưỡi bị điếc nặng, đeo máy trợ thính. Lúc mới nhận về, bé sợ giao tiếp, hay cúi mặt. Oanh giúp bé từ từ, giờ bé đã tự tin hơn và hỏi rất nhiều. Những thắc mắc của bé hay làm “cô giáo” bí, nhưng rất vui. Hiện tại, bé được cấy ốc tai điện tử và theo chương trình huấn luyện nghe nói của công ty thính lực. Nền tảng tiền ngôn ngữ và giao tiếp Oanh xây dựng giúp bé tiếp nhận chương trình này tốt hơn. Khi trung tâm nhận một bé gái 3 tuổi, rối loạn phát triển ngôn ngữ và có nhiều hành vi như ăn vạ, sợ người lạ, Oanh đã thành công trong quá trình hướng dẫn ba mẹ của bé cách giao tiếp với con, quản lý hành vi. Bây giờ bé có thể nhảy, hát, kể chuyện đơn giản, tự bắt chuyện với mọi người; biết tuân theo chỉ dẫn, lịch trình.
Oanh nói: “Những ngày đầu tiên có chút khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ, hợp tác của Bệnh viện Nhi Quảng Nam, sự giới thiệu của các đồng nghiệp ở Đà Nẵng mà nhiều trẻ em ở Quảng Nam được tiếp cận âm ngữ trị liệu tại trung tâm của mình. Mình cũng có nhiều buổi gặp mặt với các giáo viên mầm non, vừa giới thiệu về âm ngữ trị liệu, vừa hợp tác trong quá trình trị liệu. Một điều đặc biệt là nhờ sự chia sẻ từ các gia đình có con tham gia trị liệu mà cộng đồng ở đây biết nhiều hơn về âm ngữ trị liệu, cũng như những khó khăn của trẻ để thấu hiểu hơn. Chặng đường phía trước còn dài, nhiều thử thách, hiện Oanh đang tìm thêm người đồng hành với hoạt động hỗ trợ trẻ chậm phát triển và hoàn thiện hồ sơ thành lập trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em tại quê hương của mình”.
VÕ THẮM; SGGP Thứ Bảy, 19/1/2019 05:21