Chữa thương 1 phút
Năm 2018, TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, tại TPHCM) vinh dự được Quỹ L’Oréal - UNESCO trao tặng giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” với công trình Keo thông minh trong điều trị lành thương. TS Nguyễn Thị Hiệp là nhà khoa học nữ thứ 2 của Việt Nam vinh dự được nhận giải trong suốt 20 năm qua kể từ khi có giải thưởng này.
Ý tưởng “dán” vết thương, làm lành vết thương nhanh chóng được nữ khoa học gia ủ mầm từ thuở nhỏ. “Có lần, tôi bị thương, ba chở tôi bằng xe đạp tới bệnh viện để khâu vết thương. Ba đạp xe 2 tiếng đồng hồ về nhà dưới trời mưa tầm tã, tôi ngồi núp sau tấm áo mưa, người vừa đau bởi vết thương, vừa mệt mỏi, muốn ngộp thở bởi ngồi quá lâu trong áo mưa chật chội. Tôi chỉ ước… giá như có cái gì đó có thể dán ngay vết thương lại, khỏi phải khổ sở đi xa để khám chữa thế này”, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ. Mơ ước đó luôn song hành trong hành trình học tập của chị Nguyễn Thị Hiệp. Sau này, khi chứng kiến một nông dân không qua khỏi sau cú va chạm với máy cày, do bị thương, mất máu quá nhiều, TS Hiệp càng quyết tâm làm được keo cầm máu ngay lập tức. Hình ảnh người nông dân bị mất máu nhiều mà không được cầm máu kịp thời đã thôi thúc chị phải làm được “điều gì đó có ích cho người dân, nhất là những người ở xa bệnh viện”, có cơ hội giữ được tính mạng trước khi chuyển tới bệnh viện chữa trị vết thương.
Sau hơn 10 năm miệt mài, năm 2017, loại keo thông minh do TS Nguyễn Thị Hiệp tạo ra có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và rút ngắn thời gian tái tạo mô. Đây là giải pháp tự tạm chữa vết thương, sơ cứu, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt và giải pháp này đặc biệt hữu ích cho những người sống xa bệnh viện. TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ, keo sinh học được hình thành từ axit hyaluronic - một protein tự nhiên và chitosan - một chất được tìm thấy trong lớp vỏ của động vật có vỏ (tôm, cua…). Keo cũng có thể có thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) cho các mục đích ứng dụng cụ thể. Từ các thành phần bột, người dùng dễ dàng kết hợp, tạo thành keo ngay lập tức khi hòa tan với nước và dùng “dán” ngay vết thương tại nhà hay bất cứ nơi đâu. Trong trường hợp nạn nhân chảy nhiều máu, keo còn có chức năng cầm máu tức thời. “Keo rất tiện dụng, diệt khuẩn, tránh nhiễm trùng và làm lành các loại vết thương một cách nhanh chóng mà không cần các kỹ thuật khâu vá vết thương phức tạp. Các gia đình, hay những người sống xa bệnh viện như nông dân, ngư dân, người công tác ở vùng núi, hải đảo… hoặc bất cứ ai bị thương cũng có thể sử dụng”, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.
Thành tựu nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hiệp cũng mở ra dấu ấn mới trong phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp điều trị mới bằng vật liệu sinh học.
Từ phòng thí nghiệm tới thực tế
Theo TS Nguyễn Thị Hiệp, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu chính là kinh phí. Tuy nhiên, chị đã không đợi các thiết bị hiện đại, đội ngũ hoàn chỉnh, mọi thứ hoàn hảo mới bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Năm 2012, TS Nguyễn Thị Hiệp trở về Việt Nam sau 6 năm học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Mặc dù điều kiện làm trong nước còn nhiều khó khăn, chị vẫn cố gắng vừa nghiên cứu, vừa làm dự án, vừa gây dựng nhóm nghiên cứu, trang thiết bị và tìm kiếm kinh phí. Thời gian đầu, TS Nguyễn Thị Hiệp và cộng sự còn phải mượn thiết bị nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu khác, hoặc đi vay tiền để mua máy móc nghiên cứu. Cùng với các nguồn tài trợ, chị cũng bỏ tiền lương, thù lao đăng bài báo quốc tế và tiền giải thưởng để “nuôi” thí nghiệm, đầu tư cho nhóm nghiên cứu đi một hành trình dài.
Hiện nay, TS Nguyễn Thị Hiệp đang bước vào giai đoạn nghiên cứu tiếp theo trong việc phát triển keo thông minh trị lành thương. Sau khi thử nghiệm trên động vật, loại keo này đã được chứng minh khả năng hỗ trợ quá trình lành vết thương, lành tính, tái tạo tế bào tốt. Ngoài ra, tính chất của keo thay đổi theo tỷ lệ thành phần vật liệu, nhờ đó ứng dụng của keo có thể được mở rộng. “Giai đoạn tiếp theo, tôi tiếp tục phát triển loại keo này để tiêm khớp gối, hoặc tải tế bào gốc, tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư”, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ về hướng nghiên cứu sắp tới.
Theo tiến sĩ, nguồn chitosan từ vỏ tôm, vỏ cua vốn rất dồi dào ở Việt Nam, thậm chí nhiều nước phát triển phải nhập để tinh chế ra chitosan, bán lại cho các nhà khoa học. Vì thế, tạo ra sản phẩm keo, từ nguồn chitosan trực tiếp ngay trong nước thì giá thành keo sẽ rất cạnh tranh. Chị mong muốn thương mại hóa sản phẩm của mình và cung cấp phương pháp điều trị y tế hiện đại, hiệu quả và trong tầm tay của người nghèo. Kết quả nghiên cứu rất khả quan, song hành trình từ công trình nghiên cứu đến sản phẩm thương mại hóa không phải là ngắn.
Không muốn hành trình đơn độc, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ, bản thân chị rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước và kết hợp với các đơn vị để đưa ra thị trường sản phẩm keo thông minh trị lành thương hoàn toàn của người Việt Nam; đồng thời, góp phần thúc đẩy công nghệ, dịch vụ y tế tiến bộ nhanh, giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân.
GS-TS Võ Văn Tới, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM, nhận xét, keo thông minh TS Nguyễn Thị Hiệp sử dụng chất liệu của nước ta nên rất phù hợp về kinh tế và khả năng chữa trị cho người Việt Nam cũng như các nước đang phát triển. TS Huỳnh Chấn Khôn, Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM, nhận xét, TS Nguyễn Thị Hiệp đã có nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của con người Việt Nam, đặc biệt là người lỡ bị thương mà đang ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với phòng khám, bác sĩ.
Mạnh Hòa; SGGP Thứ Ba, 26/3/2019 09:17