Nữ lãnh đạo trong thời đại công nghiệp 4.0 và bình đẳng giới tại nơi làm việc

Hội thảo "Nữ lãnh đạo trong thời đại công nghiệp 4.0 và bình đẳng giới tại nơi làm việc" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức chiều 01/3, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, hiện nay, dù phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng nhiều nhưng các nữ lãnh đạo thời 4.0 vẫn cần vượt qua để ra tạo bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Theo bà Trần Thị Hương, vị thế, số lượng lãnh đạo và quản lý là nữ chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của phụ nữ; sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ. Nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành còn chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Nữ lãnh đạo phải vừa đồng thời phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn của mình, lại vừa gánh vác nhiều trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái nên để có thể hoàn thành được mọi nhiệm vụ, thì mỗi nữ lãnh đạo phải nỗ lực phấn đấu hơn so với nam giới.

Với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng từ các vị chuyên gia là những người có rất nhiều kinh nghiệm và tâm huyết trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, công nghệ... Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam hy vọng Hội thảo là cơ hội tốt để các nữ lãnh đạo cùng học hỏi, chia sẻ cách thức tạo điều kiện, cơ hội để ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và đặc biệt thành công hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ cho rằng, khi trí tuệ nhân tạo, công nghệ ngày càng phát triển thay thế hàng loạt các kỹ năng, các nữ quản lý cần phải thay đổi tư duy, trước hết phải lãnh đạo được bản thân mình, sau đó trợ giúp người khác lãnh đạo bản thân họ, cùng nhau tạo ra giá trị mới.

Theo Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Mỹ nghệ Cao Vinh Hà Thị Vinh, để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, lao động nữ phải hiểu mình là ai, mình ở đâu, mục tiêu hướng tới là gì, để có thể làm chủ tài chính, làm tốt vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Làm tốt được những kỹ năng đó, các nữ lãnh đạo thời 4.0 không chỉ trở thành người có quyền năng kinh tế, quyền năng lãnh đạo mà còn làm tốt công tác bình đẳng giới tại môi trường làm việc.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu chung quan điểm, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với phụ nữ. Một bộ phận lao động nữ trong một số ngành nghề lao động giản đơn sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm; tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng tăng; Phần lớn lao động nữ nước ta (khoảng 70%) ở khu vực nông thôn, nơi khoa học, công nghệ ít phát triển nên sản phẩm nông nghiệp sẽ khó cạnh tranh với nông sản nhập khẩu và nguy cơ bị bỏ lại phía sau là hiện hữu.

Cùng với đó, những định kiến về văn hóa - xã hội và vai trò truyền thống đã ràng buộc phụ nữ làm lãnh đạo cũng là những rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ nói chung và nữ lãnh đạo nói riêng. Vẫn còn nhiều định kiến tồn tại như quan niệm “nam trưởng, nữ phó” hoặc cho rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, chăm sóc con cái, khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.

Định kiến giới không chỉ từ xã hội, gia đình hay từ phía nam giới đối với phụ nữ mà đôi khi còn chính là định kiến, sự mặc cảm, tự ti của bản thân chị em phụ nữ về năng lực lãnh đạo, quản lý của chính mình. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi chị em phụ nữ phải vượt qua những rào cản từ chính bản thân mình.

ĐCSVN Online; Minh Châu -  22:49 01/3/2019

 


Phần mềm giao nhận logistic