Nhờ hơi nước nóng, Cổng Ngọ Môn được trả lại màu sắc như 186 năm trước

Cổng Ngọ Môn được áp dụng phương pháp hiện đại làm sạch nhưng vẫn đảm bảo thân thiện môi trường, không làm tổn hại đến chức năng của vật liệu kiến trúc…

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Công ty TNHH MTV Karcher Việt Nam (KARCHER) thuộc tập đoàn Karcher Đức vừa tổ chức lễ bàn giao dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn (Đại Nội Huế).

Cổng Ngọ Môn trước lúc làm sạch. Ảnh: Nhật Tuấn.

Theo ông Võ Lê Nhật – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, di tích Ngọ Môn - Lầu Ngũ Phụng, cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế, được xây dựng năm Minh Mạng 14 (năm 1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Ngọ Môn có kiến trúc nhẹ nhàng, duyên dáng và xưa nay vẫn được xem là một đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

“Tọa lạc tại quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm và nhiều mưa là một trong những nguyên nhân khiến cổng Ngọ Môn trở thành nơi hoàn hảo để phát triển các loại tảo, rêu, nấm, vi khuẩn và địa y trên bề mặt, đồng thời, tạo điều kiện bén rễ các loại cây qua các mối nối và vết nứt tại cổng thành. Với mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử quý báu này, KARCHER và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cùng hợp tác thực hiện dự án Làm sạch Cổng Ngọ Môn”, ông Nhật chia sẻ.

Dùng phương pháp sử dụng máy hơi nước nóng để làm sạch công trình. Ảnh: Nhật Tuấn.

Theo đó, dự án được thực hiện từ ngày 15/3 đến 26/3 với sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và KARCHER. Đây là dự án nằm trong chuỗi chương trình Tài trợ văn hóa trên toàn cầu của tập đoàn KARCHER từ năm 1980, giúp bảo tồn các công trình văn hóa, di tích lịch sử do đội ngũ chuyên gia làm sạch của Karcher đảm trách.

Sau 2 tuần triển khai thực hiện dự án, với tinh thần làm việc chuyên nghiệp và tập trung cao độ, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ  KARCHER vừa trực tiếp làm sạch công trình vừa hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nhóm nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Trước và sau làm sạch có sự khác nhau rõ ràng. Ảnh: Nhật Tuấn.

Bằng phương pháp sử dụng máy hơi nước nóng (steam cleaning) Karcher và 1 đầu phun đặc biệt để tạo ra áp lực hơi nước 0.5-1 bar lên bề mặt đá, gạch…, hệ thống gia nhiệt có thể tạo ra hơi nước với nhiệt độ tối đa khoảng 100°C đã loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn, ô nhiễm sinh học bám trên tường thành cũng như tiêu diệt chất bẩn ở dưới bề mặt, cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá…. Nhờ đó, cổng Ngọ Môn đã được trả lại diện mạo ban đầu vốn có, các bề mặt tường trở nên sáng bóng, màu sắc và vẻ đẹp nguyên gốc của công trình đã được lộ rõ.

Diện mạo của cổng Ngọ Môn sau khi được làm sạch. Ảnh: Nhật Tuấn.

Đồng thời, giúp thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại trở nên chậm hơn. Đây là phương pháp hiện đại làm sạch công trình có bề dày lịch sử lâu đời nhưng vẫn đảm bảo thân thiện môi trường, đồng thời, không làm tổn hại đến chức năng của vật liệu kiến trúc. Từ đó, góp phần bảo tồn và gìn giữ các kiến trúc di sản được lâu bền hơn.

Không còn rêu, vi khuẩn… bám lên di tích. Ảnh: Nhật Tuấn.

Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn không chỉ góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, mà còn rất hữu ích trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị nghệ thuật nguyên gốc vốn đã rất lâu đời của một trong những di tích kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại khu di sản Huế.

Cận cảnh một phần của cổng Ngọ Môn được làm sạch. Ảnh: Nhật Tuấn.

 
Tạp chí Khám phá Online - Nhật Tuấn; Thứ Sáu, ngày 03/5/2019 12:05 PM (GMT+7)

Phần mềm giao nhận logistic