Nữ sinh viên làm “ôsin” để làm từ thiện

Đã gần một năm nay, ngày nào Trịnh Thị Hân - cô sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc lên hai, cũng dành vài ba tiếng đồng hồ đi làm giúp việc gia đình (ôsin). Điều đặc biệt là toàn bộ số tiền kiếm được Hân dành để làm từ thiện, giúp đỡ những những người nghèo khó trong xã hội.

                                          Hân (người đứng hàng đầu bên trái) trong một chuyến đi làm từ thiện. 

Nắm cơm giữa đêm khuya

Trịnh Thị Hân chia sẻ, em đi làm giúp việc cách đây gần một năm. Cho đến bây giờ, em vẫn nhớ như in ngày mình bắt đầu công việc này. Đó là một ngày hè năm 2014, Hân đến dọn nhà cho một gia đình ở Triều Khúc (Hà Nội). Do ngày đầu đi làm thiếu kinh nghiệm nên Hân mất tới hơn 3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành công việc. Số tiềm kiếm được tuy không nhiều, chỉ 150.000 đồng, nhưng em cảm thấy rất vui vì có thêm tiền để giúp đỡ mọi người.

Sau khi “vào nghề” được một thời gian, Hân đã trở thành một “ôsin” lão luyện. Em gần như chẳng bao giờ hết việc, khi thì đi quét dọn cho các tòa nhà chung cư, khi thì đi trông con cho các gia đình. Số tiền mỗi tháng Hân kiếm được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, khi biết mục đích của Hân kiếm tiền để làm từ thiện, nhiều chủ nhà cũng giúp đỡ thêm. Ngoài ra, Hân còn xin lại thức ăn thừa, xin những vỏ chai, lọ để dành cho những người khốn khó.

Sau khi có một số vốn kha khá, Hân bắt tay vào làm từ thiện. Hình thức làm từ thiện của Hân cũng vô cùng đa dạng. Hân dành toàn bộ số tiền kiếm được trong thời gian làm giúp việc và kêu gọi mọi người quyên góp thêm quần, áo ấm, sách vở thực hiện chuyến đi từ thiện tại cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Hân chia sẻ, để thực hiện việc này, em đã liên hệ với Tỉnh đoàn Hà Giang và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình.  

Ngày 10.10.2014, hơn 10 bao tải đựng quần áo, sách vở với giá trị gần 20 triệu đồng đã theo Hân lên với bà con dân bản. Hân bùi ngùi nhớ lại, trong chuyến đi từ thiện lần đó, em đã không thể nào quên được hình ảnh những em nhỏ vùng cao trong những tấm áo manh quần vá víu ngồi co ro trong cái lạnh. Các em phải đốt củi để sưởi ấm mà chất đốt cũng chỉ đơn giản là vỏ cây ngô khói cay sè cả mắt. Trong cái cảnh khó khăn ấy, vượt lên trên hết là những nụ cười tươi rói và hồn nhiên của các em nhỏ. Chính những nụ cười ấy làm lòng Hân se thắt lại, em đã nhủ lòng mình phải làm việc gì đó để giúp đỡ các em nhỏ nơi đây.

Ngay tại Hà Nội, Hân cũng có nhiều việc làm từ thiện rất ý nghĩa. Vào ngày 22.4 vừa qua, em đã kết hợp với các bạn của Câu lạc bộ Guitar kiêm tình nguyện viên GVC tổ chức chương trình văn nghệ và quyên góp cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận.

Đặc biệt, Hân là người khởi xướng và thực hiện ý tưởng “nắm cơm cho người vô gia cư”. Hân chia sẻ, em bắt đầu việc này mới hơn một tháng nay. Thường ngày, Hân thức đêm nấu một nồi cơm to (khoảng 8 - 9 cân gạo) rồi nắm thành khoảng 50 - 60 nắm cơm với muối vừng. Sau đó, Hân cùng nhóm từ thiện của mình mang những nắm cơm ý nghĩa này đi tìm những người vô gia cư để phát cho họ. Nhóm từ thiện làm việc từ 24h đêm đến khoảng 2 - 3h sáng. Họ thường đến các khu vực có đông người vô gia cư như ga Hà Nội, gầm cầu Long Biên, Chương Dương,… Hân chia sẻ, sở dĩ họ chọn mang cơm cho những người vô gia cư vào thời gian này vì đây là lúc có thể tìm được những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự. Nắm cơm tuy không nhiều nhưng họ sẽ có một bữa ăn sáng tươm tất hơn. Hân tâm sự thêm, nhóm của em luôn nhắc nhau rằng, cho bao nhiêu không bằng cách cho như thế nào. Vì thế, khi các bạn trao cơm nắm cho những người vô gia cư bao giờ cũng kèm theo sự thăm hỏi, quan tâm chia sẻ và động viên. Nắm cơm của của bạn sinh viên tuy không nhiều nhưng thật sự nóng tình người, giúp những người vô gia cư ấm áp hơn trong những đêm khuya mịt mùng.

Ước mơ mở quán cơm “5 nghìn” giúp đỡ người khốn khó

Ngồi chia sẻ với cô sinh viên năm cuối, trẻ trung, đầy tự tin, trên môi lúc nào cũng thường trực nụ cười này, chúng tôi không thể ngờ em có một tuổi thơ dữ dội đến thế.

Nói về mình, giọng Hân có phần trùng xuống. Hân cho biết, em sinh năm 1990 tại Việt Yên, Bắc Giang. Khi mới 2 tuổi, cả bố và mẹ em đã mất trong tai nạn lở núi đất. Bố mẹ Hân qua đời để lại 4 người con thơ dại, anh cả khi đó mới 7 tuổi, cô em út được 6 tháng. Sau đó, 3 người con đầu (trong đó có Hân) về ở với bà nội, còn cô em út được gửi sang ở với người bác ruột. Nhớ về người bà kính yêu của mình, nước mắt Hân như chực trào. Hân nói, cả đời bà vất vả, sinh người con thứ 4 (bố của Hân) được vài tháng thì ông nội mất, một mình bà nuôi 4 người con; đến khi về già lại phải 1 mình nuôi 3 người cháu mồ côi. Nhưng dù khó khăn đến đâu, bà vẫn cố gắng cho 3 anh chị em Hân ăn học bằng bạn, bằng bè.

Hân (người đi thứ 2) trong một chuyến công tác từ thiện cùng các bạn lớp đại học.  

Khi Hân lên 16 tuổi, bà của Hân qua đời. Vậy là cô thiếu nữ ở độ tuổi trăng tròn ấy lại bơ vơ một mình. Một thời gian, Hân chuyển về ở với bà ngoại để hoàn thành hết khóa học cấp 3. Tốt nghiệp cấp 3, Hân được họ hàng bảo lãnh sang sinh sống và làm việc ở Nga. Hân cho biết, em đã ở xứ người được 4 năm. Ở bên này, cuộc sống vật chất khá đầy đủ, em đứng bán hàng quần áo ở chợ trung tâm nên cũng không vất vả lắm. Nhưng nỗi nhớ Việt Nam cứ cồn cào trong em, nhìn những bông tuyết rơi trắng xóa giữa trời Âu qua những tấm kính mà Hân da diết nhớ quê nhà, nhớ những đêm sáng trăng đi chơi với chúng bạn, nhớ những tấm bánh đa bà mua cho làm quà khi thơ bé, nhớ canh cua, nhớ cà pháo mà nước mắt cứ chực rơi xuống. Thế rồi, căn bệnh “nhớ nhà” khiến Hân không thể chịu đựng được nữa, em xin về lại Việt Nam vào năm 2011 và thi đậu vào Trường đại học FPT.

Hân chia sẻ thêm, từ thiện là một mơ ước của em ngay từ khi còn nhỏ. Khi đó, nhìn đôi tay gầy guộc của bà lặn lội kiếm ăn từng đồng nuôi các cháu mồ côi, Hân chỉ mong ước lớn lên có tiền xây dựng một căn nhà thật lớn, để những người vô gia cư, những người bất hạnh có nơi ở. Em còn mong muốn những con người này sẽ tìm được một công việc ổn định để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ước mơ ấy vẫn cứ thôi thúc em khi đã trưởng thành.

Nói về dự định trong tương lai, Hân chia sẻ, những việc làm từ thiện của em trong thời gian vừa qua tuy nhỏ bé nhưng em cảm thấy ấm áp vì đã thỏa mãn một phần ước mơ từ nhỏ và giúp được phần nào cho những người bất hạnh. Hân mong rằng, thời gian tới sẽ nhận được sự chung tay của nhiều người để làm được nhiều việc “có tấm, có món” hơn. Mong ước lớn nhất của em lúc này là mở được quán cơm “5 nghìn” giúp đỡ những người khốn khó trong xã hội.

Theo LĐĐSO

 


Phần mềm giao nhận logistic