Nữ Bí thư Đoàn sáng tạo bộ cờ vua đặc biệt cho kỳ thủ mù

Với mong muốn tạo ra bộ cờ vua có giá phù hợp với người khiếm thị, chị Trần Thị Trà cùng các bạn đoàn viên phường Đa Kao (Q.1, TPHCM) đã “biến” bộ cờ vua thông thường thành bộ cờ vua đặc biệt.

Bộ cờ vua giá rẻ 'cây nhà lá vườn'

Lúc còn là Bí thư đoàn phường Đa Kao, chị Trần Thị Trà đã cùng các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó có việc chăm sóc người khiếm thị. Chị nhận thấy rằng, người khiếm thị cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí như những người bình thường khác, kể cả những hoạt động, trò chơi dành cho người sáng mắt, trong đó có bộ môn cờ vua.

Đây là bộ môn được cộng đồng người khiếm thị quan tâm, và thực tế có không ít kỳ thủ khiếm thị “hạ gục” đối thủ sáng mắt trong nước lẫn quốc tế.

Các em khiếm thị đang thử nghiệm bộ cờ vua của chị Trần Thị Trà và các bạn đoàn viên, thanh niên phường Đa Kao

Tại TP.HCM, Thư viện Sách nói Hướng Dương từ lâu đã trở thành nơi dạy và tổ chức các cuộc thi đấu cờ vua dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, số lượng bộ cờ vua tại thư viện này lại rất ít so với nhu cầu, cùng với đó là giá khá đắt, khoảng 850 ngàn đồng/bộ.

Nhận thấy điều này, chị Trà trăn trở tìm cách để cải thiện giá cả của bộ cờ vua giúp người khiếm thị có thêm niềm vui để vươn lên sống tốt. Nghĩ là làm, chị cùng các bạn đoàn viên, thanh niên bắt tay vào “cải tiến” bộ cờ vua thông thường thành bộ cờ vua dành cho người khiếm thị.  

Từ ý tưởng đến thực tế là biết bao trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm và cả thất bại. Đầu tiên, các thành viên trong nhóm lựa chọn bộ cờ vua có size lớn nhất, sau đó dùng những vật liệu như giấy nhám, tấm fomica cùng nhiều loại keo 502, silicon, keo sữa… , nhưng kết quả không đạt yêu cầu. Không nản chí, cuối cùng các thành viên đã tìm ra vật liệu phù hợp nhất là tấm alu (1,75 ly) và keo 888 - loại keo có độ kết dính cao và vô cùng chắc chắn.

Chị Trà cho biết, để hoàn thành một bộ cờ vua đặc biệt này, đầu tiên người thực hiện phải cắt thanh alu thành các mảnh ô vuông vừa bằng 1 ô cờ rồi dán lên tất cả ô cờ màu đen, giúp ô cờ đen cao hơn ô trắng để người khiếm thị dễ phân biệt. Tiếp đến vẽ hai đường chéo ở tất cả các ô cờ để xác định tâm rồi khoan tạo lỗ cắm khi đi các quân cờ.

Đối với quân cờ, dùng kim châm một đầu có hạt tròn, hơ nóng đầu kim cắm lên đầu các quân đen để phân biệt cờ đen, cờ trắng. Khi người khiếm thị chơi cờ chỉ cần sờ lên đầu quân cờ, quân cờ nào có hạt tròn là quân đen. Cuối cùng là khoan lỗ dưới đế các quân cờ, cắm đầu dài đinh vào, đổ keo để cố định các chốt cắm. Khi chơi cờ người khiếm thị sẽ đi cờ bằng cách cắm quân cờ xuống lỗ trên bàn cờ giúp quân cờ không bị lật.

Mang môn thể thao trí tuệ đến gần hơn với người khiếm thị

Sau nhiều ngày miệt mài thực hiện, 11 bộ cờ vua đầu tiên dành cho người khiếm thị đã hoàn thành. Nhóm đã trao cho Thư viện sách nói Hướng Dương trong niềm vui và tự hào của các bạn đoàn viên thanh niên.

Nhận thấy đây là sáng kiến hay và thiết thực, bà Nguyễn Thị Thu Hường (Phó Chủ tịch UBND Q.1) đã tài trợ cho nhóm nhằm triển khai cho các đoàn phường, nhân rộng ý tưởng tặng bộ cờ vua này cho những người khuyết tật có đam mê bộ môn cờ vua.

Đến nay, hơn 50 bộ cờ vua đã được tặng cho Trường khuyết tật Đồng Nai, Trường khuyết tật Tây Ninh, Trường khuyết tật An Giang, Mái ấm Bừng Sáng…

Chị Trần Thị Trà (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) cùng các bạn đoàn viên, thanh niên phường Đa Kao với những bộ cờ vua dành cho người khiếm thị

“Với sáng kiến này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp người khiếm thị, đặc biệt là các em thanh thiếu nhi khiếm thị đam mê cờ vua được chơi cờ, rèn luyện, tự tin tham gia các giải thi đấu cờ vua lớn", chị Trà chia sẻ. Bộ môn cờ vua được xem là bộ môn thể thao trí tuệ, rèn luyện trí thông minh, bản lĩnh, khả năng chấp nhận thất bại, vượt lên khó khăn, rất thích hợp cho người khiếm thị.

Hoạt động này cũng giúp các bạn đoàn viên thanh niên hiểu được giá trị của sức lao động, biết yêu thương, chia sẻ với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Chị Trà kỳ vọng cộng đồng “quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung, giúp đỡ người khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng”.

 
Kiều Trinh; Thứ Hai, Tạp chí KHÁM PHÁ Online - ngày 04/5/2020 14:23 PM (GMT+7)

Phần mềm giao nhận logistic