Nữ tiến sĩ Việt công bố nghiên cứu dù mắc kẹt tại Ý do Covid-19

Dù gặp khó khăn do đại dịch bùng phát, nữ tiến sĩ Việt vẫn hoàn thành công trình nghiên cứu và được tạp chí vật lý danh giá đăng tải. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố nghiên cứu chuyên ngành dù mắc kẹt ở Italy giữa tình hình dịch bệnh leo thang. Công trình của chị được Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế (ICTP) giới thiệu.

 

Nữ tiến sĩ Việt công bố nghiên cứu dù mắc kẹt tại Ý do Covid-19 - 1

Đề tài nghiên cứu “Thermoelectric Transport in a Three-Channel Charge Kondo Circuit” (Sự dịch chuyển nhiệt điện trong mạch 3 kênh của hiệu ứng Kondo) được đăng trên tạp chí Physics Review Letters danh tiếng ngày 8/7 vừa qua, là kết quả cộng tác cùng với nhà khoa học Mikhail Kiselev. 

Từ lý thuyết đến thực tiễn 

Nghiên cứu của nữ tiến sĩ Kim Thanh cùng đồng nghiệp được thực hiện trong suốt 10 năm qua, nhằm làm sáng tỏ lý thuyết của hiện tượng dịch chuyển nhiệt điện trong hiệu ứng Kondo qua mô phỏng lượng tử. Kondo là một trong những hiệu ứng quan trọng nhất của các hệ điện tích tương tác mạnh, tạo thành tập hợp các chất mang tính điện và tính từ khác thường, có thể ứng dụng vào nhiều công nghệ hữu ích.

Nhiều thí nghiệm mang tính đột phá dựa trên hiệu ứng Kondo đã được thực hiện gần đây, chẳng hạn như nghiên cứu ở Trung tâm Khoa học nano và Công nghệ nano Pháp chứng minh được khả năng dịch chuyển điện tích cấp lượng tử qua các thiết bị nano. 

Nữ tiến sĩ Việt công bố nghiên cứu dù mắc kẹt tại Ý do Covid-19 - 2

Công trình nghiên cứu suốt thập kỷ của tiến sĩ Thanh giúp tạo phần cứng cho máy tính lượng tử. Ảnh: USDoS.

Với sự phát triển của công nghệ nano trong nhiều năm trở lại đây, hiệu ứng Kondo được kỳ vọng sẽ phát huy tính ứng dụng của mình, nhất là với cấp độ lượng tử, giúp đẩy mạnh công nghệ lượng tử và tạo ra phần cứng cho máy tính lượng tử. Vì tính ứng dụng trong thực tiễn cao, tiến sĩ Thanh cùng đồng nghiệp đã ôm ấp nghiên cứu này suốt thập niên qua.

10 năm và 1 đại dịch 

Nữ tiến sĩ đến ICTP (Italy) vào tháng 2/2020, khi Covid-19 đang bùng phát ở châu Á và chưa ảnh hưởng quá nghiêm trọng ở châu Âu. Chị có kế hoạch hoàn thiện nghiên cứu và gửi đi xuất bản, nhưng không ngờ virus corona lây lan nhanh trên quy mô toàn cầu, khiến nhiều dự định của chị bị trì hoãn.

 

Nữ tiến sĩ Việt công bố nghiên cứu dù mắc kẹt tại Ý do Covid-19 - 3

 

Bài nghiên cứu được đăng tải trên ấn phẩm PRT số 125, tháng 7/2020.

“Nghiên cứu đã được gửi đến Physical Review Letters từ cuối năm 2019. Đây là một trong những tạp chí vật lý uy tín mà có bài đăng ở đó là giấc mơ của nhiều nhà khoa học. Dù chỉ chờ xét duyệt và bổ sung để hoàn thiện nhưng tôi không dám bay về Việt Nam, vì chẳng may nhiễm bệnh trên đường di chuyển. Thế là tôi quyết định ở lại Ý,” chị cho biết.

Tuy vậy, khoảng thời gian tại Italy cũng không dễ dàng gì khi nơi đây nhanh chóng bùng phát và trở thành một ổ dịch, mọi hoạt động phải tạm ngừng nhằm thực hiện giãn cách xã hội. “Dù sống trong nỗi sợ và bị giới hạn nhiều điều, nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thiện bài nghiên cứu theo yêu cầu của hội đồng. Thật là trải nghiệm kinh hoàng nhưng đáng nhớ.” 

 

Nữ tiến sĩ Việt công bố nghiên cứu dù mắc kẹt tại Ý do Covid-19 - 4

Mô hình mạch 3 kênh qua hiệu ứng Kondo. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Sau khi công trình nghiên cứu được đăng tải, nữ tiến sĩ đã có thể thở phào nhẹ nhõm và vì quê hương đã khống chế thành công dịch bệnh. Nhà vật lý Kim Thanh hiện đã về nhà ở Việt Nam, tiếp tục công việc nghiên cứu với đồng nghiệp qua video call. “Covid-19 sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong thế hệ của chúng tôi. Tôi mong mọi chuyện sẽ sớm kết thúc, mọi việc được ổn định trở lại,” chị chia sẻ.

Thanh Nguyen là thành viên của Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế (ICTP) trong lĩnh vực Vật lý về vật chất ngưng tụ. Chị đến trung tâm lần đầu vào năm 2007 sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp. Suốt khoảng thời gian đó, chị cùng đồng nghiệp Mikhail Kiselev thực hiện đề tài nhiệt điện ở hiệu ứng Kondo.

Năm 2010, chị nhận bằng tiến sĩ thứ hai tại Đại học Cincinnati và quyết định trở về Việt Nam, tham gia Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Dù không còn nghiên cứu tại cơ sở nhưng chị vẫn là thành viên không thường trực với ICTP từ năm 2016. Nữ tiến sĩ cũng tham gia nhiều hội thảo, hoạt động giáo dục ở Ấn Độ, Thái Lan hay Hàn Quốc.

Tạp chí Khám phá điện tử; Quang Niên (Theo ICTP) - Thứ Hai, ngày 20/7/2020 08:51 AM (GMT+7)

 

Phần mềm giao nhận logistic