MẬT MÃ ĐẶC KHU

Đây là câu chuyện về một người cộng sản, một nhà cách mạng tài ba, vừa giỏi quân sự, chỉ đạo, tổ chức hoạt động tình báo trong lòng địch, vừa uyên thâm, nhạy bén về chính trị, vừa am tường khoa học,lịch sử, văn hoá, lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc.

Ông là Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân) sinh ngày 15-7-1920 tại làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình nghèo, giàu lòng yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. 16 tuổi đã được kết nạp vào Đảng. 19 tuổi đã là Huyện ủy viên huyện Triệu Phong. Năm 1940, lúc vừa tròn 20 tuổi, ông được cách mạng tin tưởng giao trọng trách Phó Bí thư Huyện ủy Triệu Phong. Cũng vào năm đó, đồng chí Phan Kiệm bị địch bắt giam ở nhà tù Lao Bảo rồi chuyển sang lưu đày ở nhà lao Buôn Mê Thuột cho đến năm 1945. Sau khi ra tù, từ tháng 3-1945 đến cuối năm 1948, đồng chí lần lượt đảm đương các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk; Chính trị viên Mặt trận Quy Nhơn - An Khê; Chính ủy Trung đoàn Nam Tiến; Chính ủy Trường Lục quân Nam Bộ. Từ 1949 đến năm 1954, ông là Khu ủy viên, Quân khu ủy viên, Trưởng Phòng Dân quân Khu 7, Phó tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau Hiệp định Geneva 1954 đến năm 1957, ông được phân công ở lại miền Nam, tiếp tục nhiệm vụ Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Bí thư liên quận 1-4; Ủy viên Thường vụ Khu ủy và sau đó là Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây là thời kỳ địch khủng bố rất ác liệt, lại nhận trọng trách ngày càng lớn, hoạt động lúc ẩn, lúc hiện cạnh hang ổ kẻ thù. Đồng chí Phan Kiệm đã bộc lộ rõ khí chất thông minh, tài thao lược và bản lĩnh của nhà lãnh đạo, chỉ huy chiến lược. Đồng chí đã có nhiều sáng kiến, tham mưu sáng suốt, nhạy bén, cùng những quyết định táo bạo, xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, tổ chức phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, biệt động, lập nhiều chiến công vang dội.

Cuối năm 1957, lần thứ hai đồng chí Phan Kiệm bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo. Năm 1961, đồng chí vượt ngục trở về với cách mạng. Từ năm 1961 đến năm 1975, đồng chí được phân công làm Phó trưởng Tiểu ban Tuyên truyền kiêm Tổ trưởng Nghiên cứu tổng hợp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu tổng hợp kiêm Trưởng Tiểu ban Đô thị Ban Công vận Trung ương Cục miền Nam. Do hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, lại bị địch tra tấn dã man trong những năm tháng tù đày nên đồng chí lâm bệnh nặng, phải ra Bắc điều trị dài ngày. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí về công tác tại Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 1983. Đồng chí Phan Kiệm qua đời tháng 10-1998, thọ 78 tuổi.

Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng và truy tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công Hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ vẻ vang, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày trung kiên bất khuất,…

Mỗi dấu mốc lịch sử trong đời hoạt động cách mạng là những trang sử liệu đầy ắp nguồn sống, chiến công cùng những hi sinh của đồng chí Phan Kiệm và đồng đội.

Bằng nhiệt huyết và lòng tôn kính đối với người có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, Thượng tá, Nhà báo Phan Tùng Sơn đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ nhân chứng, thu thập tài liệu, tái hiện cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Kiệm qua cuốn sách Mật mã Đặc khu.

Thể hiện bằng thể loại truyện ký với bút pháp đồng hiện, cuốn sách mang đến cho bạn đọc những trang viết chân thực, sinh động, hấp dẫn, nhiều trường đoạn cao trào, gay cấn, khắc họa bản lĩnh, dũng khí, tài thao lược, trí thông minh, quyết đoán của nhân vật; giúp bạn đọc thấy rõ vị trí, vai trò, tầm vóc của nhân vật cùng những góc nhìn cận cảnh về cuộc đấu tranh gian khổ, gay gắt giữa ta với địch trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng của cách mạng.

Nhà xuất bản hi vọng sẽ nhận được ý kiến góp ý xây dựng của bạn đọc để những lần tái bản sau, cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP  THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Kiệm (15-7-1920 - 15-7-2020): Người nắm giữ “mật mã” Đặc khu

Người nắm giữ “mật mã” Đặc khu chính là đồng chí Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân…), nguyên quán xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, nguyên quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. 
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15-7-1920 - 15-7-2020), Thành ủy TPHCM phối hợp gia đình đồng chí Phan Kiệm, đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tưởng nhớ người cán bộ lão thành quá cố, có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Đồng chí Phan Kiệm cùng các con sau ngày đất nước thống nhất

Xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch

Tháng 4-2017, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành cuốn truyện ký Mật mã đặc khu, tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng thăng trầm và đầy oanh liệt của đồng chí Phan Kiệm. Để thực hiện cuốn sách này, tôi đã mất 4 năm, đến các vùng đất, địa danh nơi đồng chí Phan Kiệm từng sinh sống, hoạt động cách mạng để tìm gặp nhân chứng, sưu tầm tư liệu, tham khảo nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến nhân vật. Đi sâu tìm hiểu, giúp tôi khám phá những góc khuất trong hành trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Phan Kiệm.

Ở đó, giữa lằn ranh sự sống và cái chết, giữa cám dỗ vật chất xa hoa và lòng kiên định với lý tưởng cách mạng, giữa đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù và ý chí quyết chiến quyết thắng … đã mài sắc, rèn giũa nên bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ cộng sản Phan Kiệm. Ông là một ngôi sao sáng giữa bầu trời Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh gian khổ, ác liệt, góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước…

Một trong những người có kỷ niệm sâu sắc với đồng chí Phan Kiệm là tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (bí danh Sáu Trí). Đời hoạt động tình báo của tướng Sáu Trí là đề tài hấp dẫn của truyền thông, báo chí, văn học - nghệ thuật suốt nhiều thập niên qua. Nhưng, ít người biết, người phát hiện, dìu dắt, quyết định đưa Sáu Trí từ chiến khu về thành “lót ổ” trong lòng địch chính là đồng chí Phan Kiệm. Đầu năm 1953, Phan Kiệm với bí danh Năm Thành, trên cương vị quyền Tư lệnh, kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đã đề xuất với Bí thư Khu ủy Mười Cúc (bí danh của đồng chí Nguyễn Văn Linh) phương án cài người vào hàng ngũ địch.

Đồng chí Mười Cúc giao cho Năm Thành toàn quyền quyết định. Việc lựa chọn, đưa Sáu Trí về hoạt động nội tuyến tại Nha Công an Nam Phần, sau này là Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn của Năm Thành lúc bấy giờ đã tạo bước ngoặt đặc biệt quan trọng cho cuộc đời hoạt động tình báo của tướng Sáu Trí, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của lực lượng tình báo Việt Nam trong kháng chiến.

Nói đến dấu ấn đặc biệt của đồng chí Phan Kiệm trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ trên cương vị Ủy viên Thường vụ rồi Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, chính là xây dựng mạng lưới cơ sở cách mạng, củng cố, mở rộng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ngay trong lòng địch. Giai đoạn 1954-1955, đồng chí trực tiếp xuống cơ sở, làm bí thư liên quận 1-4 để xây dựng, phát triển mạng lưới chi bộ đảng, tạo hạt nhân đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong quần chúng, liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các quận. Với tài lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, kết hợp đấu tranh công khai, bán công khai và bí mật xây dựng, phát triển lực lượng, Năm Thành đã đưa phong trào ở các cơ sở, khu vực yếu kém phát triển thành lá cờ đầu...

Cuối năm 1956, đồng chí Mười Cúc được điều lên công tác ở Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Trần Quốc Thảo làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Năm Thành làm Phó bí thư. Do đồng chí Trần Quốc Thảo phải đi Phnom Penh nhận chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, nên Thường vụ Khu ủy chỉ còn lại một mình Năm Thành. Lúc bấy giờ, tình hình ở Sài Gòn - Chợ Lớn hết sức khó khăn. Nhiều cán bộ của ta bị địch bắt. Hàng loạt cơ sở bị bại lộ. Với ý đồ bóp chết phong trào từ trong trứng nước, địch tăng cường hoạt động thám báo, chỉ điểm, sử dụng những phần tử chiêu hồi, phản động triệt phá mạng lưới cơ sở cách mạng của ta. Để giữ bí mật, Năm Thành đổi tên thành Năm Vân, trực tiếp chỉ đạo sắp xếp lại cán bộ ở các quận, bổ sung các nhân tố mới, sử dụng những cơ sở tin cậy để bố trí cán bộ hoạt động, đồng thời chỉ đạo xây dựng, phát triển các cơ sở mới. 

Giữa lúc phong trào cách mạng đang như nước sôi lửa bỏng thì Năm Vân bị bắt. Đó là buổi sáng 9-10-1957, trong lúc xuống cơ sở chỉ đạo phong trào, ông dính bẫy chỉ điểm của địch. Năm Vân lọt vào ổ phục kích của nhóm Công an Định Tường. Ông bình tĩnh sử dụng võ thuật đánh lại 6 tên sĩ quan công an, mở đường máu thoát về phía chợ An Đông. Tuy nhiên, do địch kêu gọi chi viện, trước sức tấn công của đám lính bảo an kết hợp với công an, ông đuối sức và bị bắt…

Lãnh đạo phong trào phản huấn trong tù

Bắt được Năm Vân, Ngô Đình Nhu cấp tốc báo cho Ngô Đình Diệm. Chúng coi đây là chiến công đặc biệt to lớn. Ngô Đình Nhu mở tiệc ăn mừng và bố trí lực lượng gồm những tên đầu sỏ thuộc tổ chức Công an Ngô Quyền (Sài Gòn) và Đặc cảnh Miền Đông hỏi cung Năm Vân. Hơn ai hết, chúng nhận thức rõ tầm quan trọng của người nắm giữ “mật mã” Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Chỉ cần làm cho Năm Vân mở miệng khai báo, chúng sẽ phăng ra toàn bộ mạng lưới cơ sở cách mạng của ta. Trải qua các cuộc thẩm vấn, đấu trí gắt gao, Năm Vân luôn giữ vững bản lĩnh và sự bình tĩnh, khôn khéo, không mắc mưu địch. Dụ dỗ, cài bẫy không được, chúng chuyển qua các hình thức tra tấn cực hình tàn khốc. 

Từ Sài Gòn, Năm Vân bị chuyển xuống nhà lao Định Tường, giao phó cho Tỉnh trưởng Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Trân, một tên cáo già sừng sỏ tâm lý chiến đấu tranh, khai thác. Tại đây, Năm Vân cùng với các đồng chí lãnh đạo cốt cán ở các địa phương bị địch bắt, đã lãnh đạo, tổ chức phong trào phản huấn, chống tố cộng, tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trong tù. Nhiều cuộc đấu trí cân não giữa Năm Vân và Nguyễn Trân diễn ra gay go, quyết liệt trong nhà lao. Đỉnh điểm là cú “nốc ao” của Nguyễn Trân khi hắn quyết định tổ chức cuộc tranh luận công khai giữa các ký giả cộng sản và đại diện “Chính phủ quốc gia” diễn ra tại Định Tường đầu năm 1959. Với sự chỉ đạo, huấn luyện kịp thời, nhạy bén của Năm Vân và các đồng chí lãnh đạo chi bộ đảng trong nhà tù, các ký giả cộng sản đã đập cho Nguyễn Trân cứng họng. Trước cú ngã ngựa cay đắng này, Nguyễn Trân bị anh em nhà họ Ngô cách chức sau đó. 

Không giải được “mật mã” Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Ngô Đình Nhu chỉ đạo thuộc cấp chuyển Năm Vân lên biệt giam tại nhà tù Phú Lợi, đến tháng 7-1959, chúng đưa ông ra biệt giam ở Côn Đảo. Trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Năm Vân tiếp tục giữ vai trò là “ngòi nổ” của các mô hình, phương pháp đấu tranh, cùng với các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng trong tù lãnh đạo phong trào đấu tranh phản huấn, đòi quyền lợi cho tù nhân. Tháng 1-1961, từ một cơ sở cách mạng nòng cốt bị lộ, thực hiện chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn phối hợp với Hải quân Việt Nam Cộng hòa điều một chiếc tàu ra Côn Đảo đưa Năm Vân về Sài Gòn khai thác, quyết mở cho bằng được “mật mã” Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự áp giải của một trung đội hiến binh và những sĩ quan cảnh sát hiếu chiến, Năm Vân mưu trí giả bị bệnh tiêu chảy, kiết lị, thường xuyên phải đi vệ sinh, chờ cơ hội nhảy tàu. Khi tàu vào đến cửa biển Cần Giờ, lợi dụng lúc trời mờ sáng, lính canh ngủ say, đồng chí giả bộ đi vệ sinh, nhảy tàu bơi vào bờ trốn thoát.

Hành trình trở về với cách mạng của Năm Vân trải qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, phải đối mặt với cả những nghi ngờ của chính đồng đội mình. Mặc dù vậy, ông luôn một mực trung thành, tận tụy, đặt trọn niềm tin vào lý tưởng cách mạng của Đảng. Do bị bệnh tật, sức khỏe yếu, sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Phan Kiệm tình nguyện làm công việc của một công chức bình thường ở cơ quan Thành ủy đến khi nghỉ hưu. 

Ông qua đời ngày 7-10-1998 tại TPHCM. Tên ông được đặt cho một con đường tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đại tá PHAN TÙNG SƠN; SGGP Chủ Nhật, 12/7/2020 09:15

 


Phần mềm giao nhận logistic