Nhà khoa học người Pháp Emmanuelle Charpentier và nhà khoa học người Mỹ Jennifer A. Doudna đã phát hiện công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9, công cụ giúp các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao.

Bà Emmanuelle Charpentier, sinh năm 1968 tại Juvisy-sur-Orge – Pháp, hiện là giám đốc đơn vị khoa học tác nhân gây bệnh ở Viện nghiên cứu Max Planck tại thủ đô Berlin - Đức. Trong khi đó, bà Jennifer A. Doudna, sinh năm 1964 tại Washington-Mỹ, hiện là giáo sự tại Viện Đại học California-Berkeley và điều tra viên tại Viện Y khoa Howard Hughes.

Công nghệ cắt CRISPR-Cas9 có tác động mang tính cách mạng đối với khoa học đời sống, đóng góp vào các liệu pháp điều trị ung thư mới và có thể hiện thực hóa giấc mơ chữa khỏi các bệnh về di truyền. Các nhà nghiên cứu cần phải sửa đổi các gien trong tế bào nếu họ muốn tìm hiểu về cơ chế hoạt động bên trong của sinh vật sống. Điều này từng là công việc tiêu tốn nhiều thời gian, gây khó khăn và đôi khi là bất khả thi. Việc sử dụng công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9 giờ đây có thể giúp thay đổi “mật mã” của sự sống trong vài tuần.

Chủ tịch Hội đồng Nobel Hóa học Claes Gustafsson cho biết tại công bố giải thưởng, công cụ này không chỉ tạo ra một cuộc cách mạng trong khoa học cơ bản mà còn tạo ra những cây trồng cải tiến và dẫn đến những phương pháp điều trị mới trong y khoa mang tính đột phá.

Giải Nobel Hóa học 2020 đã có chủ - Ảnh 1.

Hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna giành giải Nobel Hóa học 2020. Ảnh: Nobel Prize.

Giải Nobel Hóa học 2019 đã được trao cho 3 nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino vì có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển pin lithium-ion, loại pin nhẹ đầu tiên tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng loạt thiết bị điện tử.

Mùa giải Nobel 2020 đã bắt đầu với lễ công bố giải Nobel Y học hôm 5-10. Giải thưởng danh giá này được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton, Charles M. Rice vinh danh những đóng góp về việc tìm ra virus viêm gan C. Giải Nobel Vật lý hôm 6-10 đã được trao cho 3 nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez vì những phát hiện của họ về một trong những hiện tượng thú vị nhất vũ trụ là hố đen.

Giải thưởng danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,1 triệu USD). Tiếp nối mùa giải Nobel 2020, giải Nobel văn học và Nobel Hòa bình sẽ được công bố trong ngày 8 và 9-10. Cuối cùng là giải Nobel Kinh tế sẽ được trao vào ngày 12-10.

NLĐO - Xuân Mai (Theo AP, nobelprize.org); 07-10-2020 - 05:02 PM|