THÊM “KÊNH” ĐỂ NỮ LUẬT SƯ, LUẬT GIA TẬN HIẾN

 

Sáng 16/12, Hội Nữ trí thức TPHCM tổ chức tọa đàm “Vai trò nữ luật sư, luật gia trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”. Đây là đơn vị đầu tiên của TPHCM tổ chức tuyên truyền về Luật này trong đối tượng luật sư, luật gia.

Bộ luật tiến bộ, đậm tính cải cách tư pháp.

Ngày 1/1/2021 tới đây, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ chính thức có hiệu lực, theo các chuyên gia, đây chính là một bước tiến lớn trong cải cách tư pháp. Bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án TAND TPHCM cho biết những năm qua, TAND hai cấp TPHCM phải thụ lý và giải quyết các loại án lớn nhất cả nước về số lượng, đa dạng, phức tạp về tính chất, mức độ. Đồng thời, có một số vụ án hoàn toàn mới chưa có quy định của pháp luật và chưa có tiền lệ, trước tình hình biên chế chưa đáp ứng đủ yêu cầu và phải tinh giản 10% theo quy định dẫn đến áp lực rất lớn đối với TAND hai cấp TPHCM. Cho nên việc ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó sẽ giúp giảm bớt số vụ việc, vụ án dân sự, thương mại, hành chính và hôn nhân, gia đình ra tố tụng.

Từ cuối năm 2019, TPHCM được chỉ định là một trong 16 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm lập trung tâm hòa giải tại tòa án. Cuối năm 2018, TPHCM đã thành lập 10 Trung tâm hòa giải - bao gồm Trung tâm hòa giải tại TAND TPHCM và tại 9 TAND quận, huyện (1,2,9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh và Củ Chi).

Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TPHCM, qua thời gian thí điểm tại TPHCM cho thấy việc áp dụng Luật đã thật sự làm giảm bớt rất nhiều thủ tục, thời gian, lẫn kinh phí (án phí cho các đương sự). Tính đến nay, sau gần hai năm triển khai, tổng số vụ việc được 10 trung tâm hòa giải giải quyết là 9.072 vụ trên tổng số 15.375 đơn khởi kiện mà các tòa nhận được. 

Bà Thu Hà cho biết, tâm lý chung khi nộp đơn khởi kiện, mọi người  thường nôn nóng và trông chờ tòa án giải quyết ngay, cho nên có đến 3.373 vụ việc người khởi kiện, người yêu cầu hoặc đương sự từ chối hòa giải, đối thoại. Trong khi ý nghĩa của đối thoại, hòa giải tại tòa án có lợi rất nhiều cho các bên đương sự, bởi quyết định hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như quy định của bộ Luật Tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… Hòa giải, đối thoại lại mang tính bí mật, không công khai như các phiên tòa Dân sự, hành chính, thương mại hay hôn nhân, gia đình thông thường nên cũng là một ưu điểm nữa của Luật. Kết quả hòa giải, đối thoại dù thành hay không thành đều giúp đương sự có thêm nhận thức pháp luật, vụ việc hòa giải không thành khi chuyển lại tòa án thụ lý tiếp tục hòa giải có nhiều thuận lợi hơn.

Đẩy mạnh tuyên truyền giúp dân am hiều về luật

Tại buổi Tọa đàm, các luật sư luật gia đều bày tỏ sự tâm đắc với Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án. Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm – Phó chủ tịch Thường trực hội Nữ trí thức TPHCM cho rằng: “Tiến bộ của Luật chính là nhiều luật sư, luật gia, nhà chuyên môn tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án và tính ưu việt của Luật là các đương sự có quyền yêu cầu thay đổi, chỉ định hòa giải viên. Điều này sẽ làm giảm thiểu rất nhiều hiện tượng tiêu cực trong tố tụng như đã từng xảy ra”.

Được biết, tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên theo quy định của luật khá chặt chẽ, lại vẫn khá thông thoáng, không chỉ là người của tòa án như thẩm phán, thư ký tòa, kiểm sát viên… mà còn là các luật sư, luật gia, chuyên gia (đã hoạt động và có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên) trên các lĩnh vực, am hiểu pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư… thông qua bồi dưỡng nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại.

Suy nghĩ này được rất nhiều người tán đồng. Luật sư Nguyễn Thị Đào cho biết: “Tâm lý của dân luôn ngại “người của tòa” nên việc các luật sư, nhà chuyên môn làm hòa giải viên chắc chắc sẽ có nhiều bên đương sự chọn lựa”.

Còn Luật sư Phan Thị Liễu - Đoàn luật sư TPHCM phân tích: “Theo tôi, đây chính là cơ hội cho các nữ luật sư, luật gia tiếp tục cống hiến; góp tiếng nói bảo vệ phụ nữ, trẻ em, thực thi bình đẳng giới”. Bởi một trong những nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại tòa án buộc phải tuân thủ là bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Bà Ung Thị Xuân Hương khẳng định ngành tư pháp đang rất cần và vô cùng mong mỏi sự tham gia của các luật sư, luật gia là thành viên của tổ trợ giúp pháp lý ở các cấp của Hội LH Phụ nữ TPHCM, Hội Nữ trí thức TPHCM, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM,... Trước đề nghị này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM nói: “Ngay sau cuộc họp này, tôi sẽ thông tin ngay đến các luật sư trong Chi hội để các anh chị cùng suy nghĩ việc tham gia làm hòa giải viên. Bởi mục đích của các hội viên chúng tôi là dùng kiến thức pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, có cơ hội, ắt hẳn sẽ có người tận hiến!”.

Ngay thời điểm Tọa đàm đang diễn ra thì khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại tòa án đầu tiên đang được tổ chức tại Tòa án Nhân dân TPHCM. Hiện nay tại 10 trung tâm hòa giải của TPHCM có 88 hòa giải viên, đối thoại viên và 30 thư ký. Bình quân số lượng vụ việc một hòa giải viên, đối thoại viên phải giải quyết thời gian qua là 107 vụ việc/ tháng, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của từng hoài giải viên, đối thoại viên đạt 52%. Tuy nhiên bà Phạm Thị Thu Hà cũng chia sẻ: “Trước mắt nguồn hòa giải viên tại TPHCM tạm thời có thể đáp ứng, nhưng rất cần nguồn bổ sung, khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực. Vì vậy, sự tham gia của các nữ trí thức, luật sư, luật gia là vô cùng cần thiết, không chỉ làm hòa giải viên mà chính các chị sẽ cùng tuyên truyền đến người dân về bộ Luật tiến bộ này”.

Bà Phạm Thị Thu Hà: "Sự tham gia của các nữ trí thức, luật sư, luật gia là vô cùng cần thiết, không chỉ làm hòa giải viên mà chính các chị sẽ cùng tuyên truyền đến người dân về bộ Luật tiến bộ này”.

Bà Ung Thị Xuân Hương khẳng định ngành tư pháp đang rất cần và vô cùng mong mỏi sự tham gia vào cuộc của các luật sư, luật gia, nữ trí thức với vai trò là hòa giải viên tại các trung tâm hòa giải.

Luật sư Phan Thị Liễu

Luật gia Lê Thị Hằng

ThS. Nguyễn Thị Khánh Tâm

NGHI ANH thực hiện


Phần mềm giao nhận logistic