Giới thiệu một số hoạt động trọng tâm sẽ diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2015

1. Xuất bản và giới thiệu sách “Nguyễn Thị Lựu – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

          Để góp một việc làm thiết thực ghi nhớ công ơn nữ cách mạng lão thành; Hội Nữ trí thức Thành phố thực hiện bổ sung và tái bản lần 2 cuốn sách “Nguyễn Thị Lựu- Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm giúp cho mọi người hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp của bà rạng rỡ đôi đàng về cách mạng, về tình yêu, thủy chung, về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Tên bà được đặt cho trường trung học cơ sở ở phường 4 và một con đường trong thành phố Cao Lãnh. Bà tham gia Cách mạng từ năm 1927, khi mới mười tám tuổi và đã từng  được giao nhiều chức vụ trọng trách:

  • Trưởng ban Phụ Vận Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn (1949);
  • Phụ trách Tiểu ban đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève (1954);
  • Uỷ viên Ban Mặt trận Trung ương (1959); Vụ trưởng Vụ quốc tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1960);
  • Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1961);
  • Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI.
  • Sau ngày giải phóng 30/4/1975, bà đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nghỉ hưu tháng 7/1979, thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ,…

          Cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ, trung kiên của bà là ẩn số cho những người thế hệ sau, khi tìm hiểu về những người phụ nữ dấn thân đầu thế kỷ XX. Tài sản quý báu nhất bà để lại cho cuộc đời là bức tranh “Uyên ương thêu dở”, chiếc áo gối bà thêu cho ngày thành hôn nhưng khi nghe tin người yêu hy sinh, bà đã không thêu nữa và cất lại dưới đáy va-ly; cho đến lúc bà mất, những người bạn thân thiết của bà mới tìm thấy. Cuộc đời cách mạng đầy chông gai, làm nên nhiều kỳ tích nhưng khi mất đi, bà không có gia đình, không con cháu. Hàng năm, Tịnh xá Ngọc Phương là nơi đặt di ảnh và làm giỗ tưởng niệm bà.

3. Chương trình “Đêm huyền thoại” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945 – 2/9/2015)

          Chương trình là tình cảm tri ân của Hội Nữ trí thức Thành phố nhằm tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ - tinh thần yêu nước của phụ nữ Việt Nam; phụ nữ Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước. Thông qua nghệ thuật biểu diễn, Chương trình sẽ tái hiện khái quát vai trò to lớn của phụ nữ từ thuở hồng hoang khi Mẹ Âu Cơ cùng LLQ khai thiên lập địa (hình thành và phát triển nền văn minh lúa nước, mà trong đó vai trò của người phụ nữ giữ vị trí trọng yếu) đến Bà Trưng mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, cùng các thế hệ phụ nữ Việt Nam nối tiếp nhau đóng góp công sức to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Các thế hệ phụ nữ VN là biểu tượng sinh động của tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”: họ vừa là người chiến sĩ cách mạng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, vừa là người lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, một lòng son sắt thủy chung, vừa là người nghệ sĩ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và trên hết họ là những người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng các thế hệ anh hùng.

          Chương trình cũng tôn vinh và đặc tả hình tượng 5 nhân vật nữ tiêu biểu theo trình tự thời gian của lịch sử, đó là:

1/ Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh (1864 – 1921), Chủ bút tờ báo Nữ giới chung, là tờ báo phụ nữ đầu tiên của nước ta được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1918.

2/ Nữ du kích Củ Chi - Anh hùng LLVTND - Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành (1900 - 1979).

3/ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941).

4/ Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam.

5/ Liệt sĩ - Anh hùng LLVT Lê Thị Riêng (1925 – 1968),  Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng - Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; là một cây viết xã luận sắc xảo của báo Phụ nữ Giải phóng – tờ báo của cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

          Mục đích của Chương trình là nhằm truyền một thông điệp đến các giới phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh hãy noi gương và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu học tập, hăng say lao động, nghiên cứu khoa học nhằm chung sức chung lòng xây dựng đất nước, bảo vệ gìn giữ vùng đất, vùng trời và biển đảo Việt Nam thân yêu.

          Thông qua Chương trình Hội Nữ trí thức cũng muốn cùng chung trách nhiệm với Hội LH Phụ nữ Thành phố triển khai thực hiện Đề án 43 của Chính phủ về Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo các tiêu chí: Có lòng yêu nước; Có sức khỏe; Có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo; Có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu.

3. Tặng học bổng cho 20 nữ sinh viên vượt khó, học giỏi dịp khai giảng năm học mới 2015 – 2016

          Quỹ học bổng vì nữ sinh viên vượt khó, học giỏi chính thức được Hội Nữ trí thức Tp. Hồ Chí Minh khởi động từ năm học 2015 – 2016, và tổ chức lễ trao tặng vào dịp khai giảng năm học tháng 9 hàng năm.

          Quỹ học bổng ra đời nhằm hỗ trợ cho các nữ sinh viên nghèo trang trải một phần học phí trong suốt những năm học đại học (mỗi năm học hỗ trợ ít nhất 2.000.000 đồng/1 NSV). Vì vậy giá trị của học bổng tuy không lớn nhưng chứa đựng ý nghĩa tinh thần sâu sắc là động viên, tạo niềm tin cho các nữ sinh viên yên tâm học tập, tích lũy tri thức, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để hoàn thành tốt chương trình bậc đại học, giúp các em có một hành trang quan trọng vững bước vào đời.

          Đó cũng chính là tâm nguyện, là thông điệp của Hội Nữ trí thức Thành phố muốn chia sẻ với cộng đồng. Năm nay Hội NTT Thành phố sẽ tổ chức tặng học bổng cho 24 nữ sinh viên vào tối ngày 05/9/2015 trong chương trình sự kiện “Đêm huyền thoại” Chương trình nhằm tôn vinh trí tuệ và tinh thần yêu nước của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Qua đó giáo dục truyền thống cho các nữ sinh viên trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ VN trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

4. Hội thảo khoa học “Vai trò của nữ trí thức trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng”.

          Cuộc Hội thảo nhằm đánh giá khả năng, ưu thế của nữ trí thức trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng biên soạn tài liệu tuyên truyền và đúc kết những giải pháp khả thi trong công tác tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng phụ nữ. Vấn đề trung tâm của hội thảo là quan tâm xây dựng hình thức truyền thông hiệu quả cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, phụ nữ vùng xa trung tâm thành phố nhằm giúp cho phụ nữ nâng cao kiến thức, hiểu biết về luật pháp; tạo cơ hội, điều kiện cho chị em làm tốt hơn vai trò giáo dục con chấp hành pháp luật, không sa vào con đường tệ nạn xã hội vì thiếu hiểu biết; trang bị những kỹ năng cho phụ nữ biết cách tự bảo vệ bản thân khi bị bạo lực, bị buôn bán, bị xâm hại nhân phẩm,…

          Hội thảo sẽ diễn ra vào tháng 10/2015, dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và 01 năm Ngày thành lập Hội Nữ trí thức TP (10/10/2014 -  10/10/2015).


Phần mềm giao nhận logistic