Nghiên cứu của chúng tôi xác định mức độ tích lũy một số kim loại nặng (Cd, Cu, Pb, Zn) trên 3 loại rau ăn lá (xà lách, cải xanh, mồng tơi) do ảnh hưởng của nguồn nước tưới (nước sông Cầu Bây và nước giếng) và đánh giá nguy cơ rủi ro về sức khỏe đối với con người khi tiêu thụ sản phẩm rau đó.

Cầu Bây là con sông đào, có tổng chiều dài khoảng 13km. Sông chảy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (qua địa bàn 4 xã, thị trấn gồm: Trâu Quỳ, Đông Dư, Đa Tốn và điểm cuối tại Kiêu Kỵ). Mỗi ngày, sông Cầu Bây tiếp nhận khoảng 3.141mnước thải khu dân cư qua 26 điểm xả chính. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 2.826m3, nước thải chăn nuôi khoảng 15m3, nước thải sản xuất khoảng 300m3. Nước sông Cầu Bây trong mùa khô của 2 năm: 2019 và 2020 bị ô nhiễm amoni và photphat (hữu cơ). Nguồn nước sông Cầu Bây hiện có hàm lượng Cd (0,032>0,01 mg/l) vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn nước dùng cho tưới tiêu.

Khai thác nước sông Cầu Bây tưới rau
 Khai thác nước sông Cầu Bây tưới rau

Khu vực nghiên cứu là diện tích đất trồng cây hàng năm, nằm ven bờ sông Cầu Bây thuộc địa phận làng Lê Xá, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Kết quả phân tích cho thấy đất thí nghiệm là đất phù sa trung tính, điển hình của đất phù sa Đồng bằng sông Hồng, thích hợp cho các loại cây trồng cạn, với tỷ lệ cấp hạt: sét 12,0% ; limon 46,5% và cấp hạt cát chiếm 41,5%. Tầng canh tác, đất có dung trọng bình quân là 1,3g/cm3. Độ ẩm tối đa đồng ruộng 31% (TLĐK).

Đất thí nghiệm được phân tích các tính chất hóa học cơ bản:  pHKCl có giá trị là 6,8; Hàm lượng các bon hữu cơ OC đạt 1,48 %, tương đương với hàm lượng mùn trong đất là 2,55%, đất tương đối giàu mùn; Hàm lượng P2O5dt  là 47,4 (mg/100g đất); K2Odt là  10,8 (mg/100g đất); Hàm lượn đạm tổng số Ntp đạt 12,3 (mg/100g đất). Như vậy, đất khu vực nghiên cứu có đạm và lân ở mức giàu  còn kali ở ngưỡng trung bình. Giá trị CEC của đất khu vực này ở mức trung bình đạt 17,6 meq/100 g đất. Hàm lượng kim loại Cd, Cu, Pb và Zn trong đất nghiên cứu trước khi tiến hành thí nghiệm đều ở ngưỡng an toàn cho sản xuất nông nghiệp, lần lượt là 0,64; 18,70; 8,21 và 186,49 mg/kg đất khô.

Tiến hành thí nghiệm tưới cho 3 loại rau ăn lá: cải xanh, xà lách và mồng tơi. Vụ rau năm 2019, tổng lượng nước tưới cho cả 3 loại rau là 1.445 m3/ha, trong khi đó vào năm 2020 chỉ cần 1.012 m3/ha ở mỗi công thức do thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2020, lượng mưa đo được khu vực Hà Nội là 262,2mm, cao hơn so với lượng mưa cùng kỳ của năm 2019 (149,4mm).

Kết quả theo dõi cho thấy khi tưới liên tục bằng nước sông Cầu Bây, số lá và năng suất rau tươi trung bình của cả 3 loại rau đều tăng cao hơn so với được tưới bởi nước giếng (nước ngầm) ở mức sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê.

Kết quả phân tích cho thấy nồng độ kim loại nặng có sự khác nhau giữa loại rau và nguồn nước tưới.

Với kết quả phân tích về hàm lượng kim loại nặng  trong nước ở các thời điểm tưới cho thấy nước sông Cầu Bây hiện bị ô nhiễm Cd. Do vậy, khi được khai thác để tưới thì cả ba loại rau trong thí nghiệm đều có hàm lượng Cd vượt ngưỡng an toàn (0,25-0,28 mg/kg rau khô) so theo tiêu chuẩn (0,2 mg/kg rau khô). Cải xanh có xu hướng tích lũy Cd cao hơn so với mồng tơi và xà lách. Với Cu và Zn, mặc dù cả hai kim loại nặng này ở ba loại rau được tưới từ nước sông đều cao hơn được tưới nước giếng (xu thế ở xà lách cao hơn cải xanh và mồng tơi) nhưng so với tiêu chuẩn cho phép về rau an toàn  vẫn còn thấp hơn. Riêng với kim loại Pb, mặc dù hàm lượng chất này trong cả hai nguồn nước đều ở mức thấp hơn (0,015-0,03 mg/l) giới hạn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn nước dùng cho tưới tiêu (0,05 mg/l - cột B1 – QCVN 08-MT:2015/BTNMT) nhưng kết quả phân tích thu được hàm lượng Pb trong cả cải xanh, mồng tơi và xà lách (0,56- 0,79 mg/kg rau khô) ở cả hai trường hợp nước tưới khác nhau lại đều vượt ngưỡng an toàn (0,3 mg/kg rau khô). Điều này có thể khẳng định nhóm rau trồng ở khu vực nghiên cứu này bị ô nhiễm chì nguyên nhân không do nguồn nước tưới.

Theo mức tiêu thụ rau trung bình ngày, lượng kim loại nặng Cd, Cu, Pb, Zn ước tính (DIM) thông qua chuỗi thực phẩm cùng với hàm lượng các kim loại nặng này trong rau được sử dụng để tính chỉ số rủi ro sức khỏe (HRI) và chỉ số nguy cơ mục tiêu (THQ). Nếu HRI và THQ lớn hơn 1, có nghĩa là đối tượng đang nằm trong ngưỡng rủi ro, ngược lại nếu nhỏ hơn 1 đối tượng nằm trong vùng an toàn.

  Chỉ số nguy cơ mục tiêu THQ cho tất cả các trường hợp  đều nhỏ hơn 1, điều này cho thấy người dân tiêu thụ rau cải xanh, mồng tơi hay xà lách được trồng tại khu vực này được tưới từ các nguồn nước khác nhau đều chưa có nguy cơ rủi ro về kim loại nặng Cd, Cu, Pb và Zn. Tuy nhiên, không chỉ qua thức ăn hàng ngày mà các kim loại nặng này (Cd, Cu, Pb, Zn) còn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp, hấp thụ qua da. Vì vậy, kết quả này góp phần cho việc nghiên cứu đầy đủ chi tiết hơn về rủi ro sức khỏe liên quan đến kim loại nặng.

Sử dụng nước sông Cầu Bây trong thời gian vụ đông của năm 2019 và 2020 để tưới làm cho hàm lượng Cd trong rau ăn lá (mồng tơi, cải xanh, xà lách) vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân tiêu thụ rau này chưa có nguy cơ rủi ro về kim loại nặng (Cd, Pb, Cu, Zn).

 

Tài liệu tham khảo

1. Adedokun A. H., Njoku K. L., Akinola M. O., Adesuyi A. A. & Jolaoso A. O. (2016). Potential human health risk assessment of heavy metals intake via consumption of some leafy vegetables obtained from four market in Lagos Metropolis, Nigeria. Journal of Applied Sciences and Environmental Management. 20(3): 530-539.

2. Arora M., Kiran B., Rani S., Rani A., Kaur B. & Mittal N. (2008). Heavy metal accumulation in vegetables irrigated with water from different sources. Food Chemistry. 111(4): 811-815.

3. Atamaleki A., Yazdanbakhsh A., Fakhri Y., Salem A., Ghorbanian M. & Mousavi Khaneghah A. (2021). A Systematic Review and Meta-analysis to Investigate the Correlation Vegetable Irrigation with Wastewater and Concentration of Potentially Toxic Elements (PTES): a Case Study of Spinach (Spinacia oleracea) and Radish (Raphanus raphanistrum subsp. sativus). Biological Trace Element Research. 199(2): 792-799.

4. Bộ Nông  nghiệp và PTNT (2007). Mức giới hạn tối đa cho phép của một số vi sinh vật và hoá chất gây hại trong sản phẩm rau tươi. Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN

5. Bộ Tài nguyên và  Môi trường (2015). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. QCVN 08-MT:2015/BTNMT

6. Bộ Y Tế (2011). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng  trong thực phẩm .  QCVN 8-2:2011/BYT 

Nguồn: Website HỌC VIỆN NỘNG NGHIỆP VIỆT NAM - Th.S. Nguyễn Thị Giang- Khoa QLĐĐ - 14/3/2021 (GMT+7)