Nan giải bài toán dân số

Cách đây vừa tròn 28 năm - Thời điểm mà Matej Gaspar ra đời ở Croatia (11/7/1987), dân số thế giới là 5 tỷ người, đến năm 2015 đã vượt mốc là 7 tỷ. Bảy tỷ người là 7 tỷ cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức khác nhau ở từng quốc gia trên thế giới. Giải quyết các vấn đề dân số không chỉ tồn ở các quốc gia kém phát triển, đang phát triển mà còn hiện hữu ngay với các quốc gia tiên tiến.

Dựa vào quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, ta tạm thời chia 7 tỷ người vào bốn nhóm nước gồm: Nhóm các nước nghèo; Nhóm các nước đang phát triển; Nhóm các nước có nền kinh tế khá hơn và Nhóm các nước giàu.

Khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế

Trước hết nói về Nhóm các nước nghèo, là các nước đang gặp khó khăn về kinh tế. Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, GDP bình quân đầu người chỉ ở dưới 600 USD một năm, tương đương khoảng một triệu đồng một tháng. Trước đây các cơ sở  chăm sóc ở Nepal đã rất hạn chế, sau khi hứng chịu thảm họa động đất lịch sử khiến 8.000 người thiệt mạng, thì nền kinh tế lại càng kiệt quệ hơn, và chính ở nước này phụ nữ và trẻ em trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chỉ có khoảng gần 40% phụ nữ sinh nở có sự trợ giúp của bác sĩ chuyên môn, rất nhiều phụ nữ đã không giữ được mạng sống của mình trong khi sinh con hoặc do gặp những biến chứng bất thường sau sinh. Chị Beena cho biết: ”Con của tôi mất ngay trong bụng mẹ, mãi sau thầy thuốc làng mới kéo đứa bé ra, sau lần đó cơ thể của tôi suy kiệt đi nhiều, tôi cũng biết là phải đi khám chữa nhưng chẳng biết điều trị ở đâu, tôi không có tiền, cũng chẳng biết có chữa được không nữa?”.

Phụ nữ Nepal những ngày “đèn đỏ” hoặc sau khi sinh con bị cho là ô uế, phải sống cách ly, nhiều trường hợp vì mất sức sau cơn "vượt cạn", cộng thêm với việc không có sự chăm sóc của gia đình, y tế đã gây ra nhiều cái chết thương tâm của cả mẹ lẫn con. 

Bà Gillian Slinger, Chuyên gia về bệnh rò đồng thời là điều phối viên chiến dịch chấm dứt bệnh rò sau khi sinh của Qũy dân số Liên hiệp quốc cho biết: “Tình hình khá nghiêm trọng ở những vùng nghèo của thế giới, bệnh rò do sinh đẻ phổ biến ở tất cả các nước trong hơn một thế kỷ trước, nhưng tại các nước phát triển căn bệnh này đã chấm dứt hoàn toàn vì phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời, hiện đại, được theo dõi sát sao trong quá trình sinh nở, để nếu có những khó khăn trong sinh nở thì sẽ được mổ ngay lập tức”.

Ở Nepal tình hình càng trở nên khó khăn hơn sau hai trận động đất, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UNICEF cuộc sống của 18.000 bà mẹ, trẻ sơ sinh gặp nguy hiểm sau trận động đất ở Nepal, mỗi giờ 12 trẻ em được sinh ra mà không được chăm sóc sức khỏe cơ bản, điều này là rất nguy hiểm, vì những ngày đầu tiên trong cuộc đời rất quan trọng với bé. Và mọi việc đang trở nên khó khăn với những bà mẹ mang thai khi buộc phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình sinh nở, vừa phải chống chọi với những đòn tâm lý căng thẳng sau trận động đất. Dân số đông và nghèo nàn khiến cho khả năng cung cấp các dịch vụ cho người dân rất hạn chế ở nước này. Khi mà lực lượng kinh tế yếu, dân số đông và nghèo nàn khiến cho khả năng cung cấp các dịch vụ cho người dân ở nước này rất hạn chế.

Vậy những nước có nền kinh tế khá hơn một chút gặp vấn đề gì? Những ngày qua rất nhiều ý kiến chỉ trích Chính phủ nước này đã làm không tốt trong việc giúp đỡ người dân đương đầu với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khi mà trời nóng đến 45 độ. Hãy cùng xem ảnh hưởng của điều này lên đời sống của người dân như thế nào? Nắng nóng kỷ lục kéo dài gần một tuần khiến số người chết vì sốc nhiệt lên tới hơn 1.300 người, nhà xác chật kín nạn nhân thiệt mạng do sốc nhiệt, nghĩa trang thành phố cũng quá tải; 65000 người phải nhập viện (phần lớn là người già và trẻ em); người dân không có nước dùng, điện bị cắt,…

       Một nhà xác của tổ chức từ thiện Edhi chật cứng thi thể người tử vong vì nắng nóng (Ảnh: EPA)

Pakistan là một quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề tỷ lệ đói nghèo và mù chữ cao. Pakistan có dân số thứ 6 trên thế giới (292 triệu người). Trước đó vào tháng 8/2012, theo Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia (NDMA) cho biết, có 422 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương trong mùa mưa năm đó; lũ lụt cũng ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người dân Pakistan. Tỉnh Sindh ở đông nam Pakistan bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 239 người chết. Khi mà kinh tế chưa phát triển, khả năng hỗ trơ người dân đúng là còn rất nhiều hạn chế.

     Các phụ nữ và trẻ em đang xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ tại Larkana trận lũ xảy ra 8/2012.

 

      Bé gái bị suy dinh dưỡng nặng đang được anh trai mang tới bệnh viện sau trận lũ xảy ra 8/2012.

 

 Trẻ em Pakistan phải sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn ngay bên lề đường. May mắn sống sót sau tai họa thiên tai nhưng các em đang phải đối mặt với dịch bệnh và nạn đói.

Những thay đổi tại Trung Quốc khi nới lỏng chính sách một con

Vậy những nước có chi phí cao, cuộc sống của người dân khấm khá hơn như ở Trung Quốc thì Chính phủ đã giải quyết vấn đề dân số như thế nào? Khoảng năm 1949, dân số là 500 triệu người, và năm 1979 là 960 triệu người, tức là tăng hơn 70% chỉ trong vòng ba mươi năm. Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng nếu không có biện pháp hạn chế sinh đẻ thì họ vẫn mãi là quốc gia nghèo và người dân vẫn cứ bần hàn, chính vì thế mà chính sách một con ra đời, nhưng cũng chỉ 20 năm sau, tức là những năm 2000 thì người Trung Quốc gặp phải những vấn đề về dân số từ chính sách này, có thể kể đến là số bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái, tương lai khó kết hôn của nam giới, hay kinh tế sẽ chậm phát triển hơn khi ít lao động trẻ. Nhận ra những hệ lụy này Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thay đổi nới lỏng chính sách một con, nhưng chính sách này có phải là câu trả lời cho bài toán dân số?

Năm 2013, chính sách một con nới lỏng được bắt đầu áp dụng tại một số khu vực ở Trung Quốc mang lại cơ hội có thêm em bé thứ hai cho hàng triệu cặp vợ chồng. Theo đó thì những cặp vợ chồng đều là con một sẽ được phép sinh hai con, anh Xiao Guangrui rất phấn khởi: “Vợ chồng tôi đều là con một, lúc nào chúng tôi cũng chỉ một mình, chính sách mới là một điều tốt, thật vui là giờ có bé thứ hai mà không bị phạt tiền”.

Dù người Trung Quốc nhận thấy việc nới lỏng chính sách một con là thiết thực. Tuy nhiên, việc có thêm một em bé thứ hai lại khiến nhiều người ở tầng lớp trí thức phải đắn đo, anh Zhang Yuze: “Có lẽ chúng tôi sẽ chỉ có một bé thôi vì khả năng tài chính có hạn, chúng tôi muốn con mình có mọi thứ tốt nhất có thể”; anh Hang Yuze: “Tôi thấy việc có một con vẫn là một điều phù hợp với gia đình mình, bố mẹ quan tâm đến tôi nhiều hơn cho nên tôi quyết định dù chính sách được nới lỏng, gia đình tôi vẫn sinh một con”.

Trước những vẫn đề dân số mà Trung Quốc đang gặp phải như mất cân bằng giới tính, nguồn nhân lực trong tương lai trở nên hạn hẹp hơn thì quả thật việc mới lỏng chính sách một con sẽ mang lại những kết quả tích cực nhưng đi kèm theo đó quốc gia này cũng cần phải có những biện pháp khuyến khích kế hoạch hóa gia đình phù hợp để có thể kiểm soát được tình hình dân số. Chính sách nào cũng có hai mặt, dù linh hoạt thay đổi thì Chính phủ Trung Quốc vẫn gặp phải rất nhiều những phát sinh liên quan.

Già hóa dân số ở Nhật bản

Hãy cùng nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản, với tiềm lực tài chính mạnh, đất nước này phát triển tốt các dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội. Vậy còn điều gì đáng để nói? Đó là dân số, quốc gia này có những bất cập riêng, điển hình như trường hợp của làng Namoku thuộc tỉnh Gunma: 7g sáng như thường lệ bé Yosuke Iwai lại cùng anh chị đi học, mới lớp một mà bé đã luôn có thành tích học tập xuất sắc nhất, đơn giản là vì em là học sinh duy nhất trong lớp và cũng thuộc vỏn vẹn 37 học sinh tại trường tiểu học Namaku. “Trong lớp có mỗi mình cháu, thỉnh thoảng làm bài sai cháu cũng không biết hỏi ai nữa, chỉ vào giờ ra chơi cháu mới được gặp các anh chị lớp khác”- Yosuke chia sẻ. Thầy giáo Masuda Mitsunoby, Hiệu trưởng Trường tiểu học Namoku cho biết: “Dù gì thì học sinh cũng tạo điều kiện cho thầy cô quan tâm tới các cháu nhiều hơn, nhưng vì thế mà bọn trẻ mất đi cơ hội tham gia các hoạt động tập thể rất thiệt thòi”. Và dù vẫn cố gắng đảm bảo môi trường giáo dục toàn diện cho các em nhỏ nhưng chính thầy Masuda cũng không dám chắc sẽ còn duy trì ngôi trường được bao lâu nữa, nhất là khi số trẻ em trong làng ngày một ít đi.

Đó là hậu quả của xu hướng người Nhật ngày càng coi trọng sự nghiệp, guồng quay bận rộn cùng tư tưởng sống tự do đã khiến họ ngại kết hôn và sinh con. Với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, dân số Nhật Bản hiện vẫn tiếp tục sụt giảm, hiện người cao tuổi đã chiếm ¼ dân số. Tuổi thọ cao đã từng là niềm tự hào của nngười dân Nhật Bản, nhưng trái ngược thay đây cũng là một gánh nặng, một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách luôn phải cân bằng với lực lượng lao động đang thiếu hụt, cùng lúc với gánh vác chi phí an sinh xã hội cho người già.

Một số giải pháp trẻ hóa dân số ở các nước phát triển

Rõ ràng là vấn đề dân số đang là bài toán nan giải không chỉ với các nước nghèo, các nước đang phát triển, mà cả với các nước giàu có. Nếu như ở các quốc gia như Nepal, Pakistan,… cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ chung tay từ cộng đồng các nước trên thế giới như Thông điệp kêu gọi của Ngày Dân số năm nay là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, thì để giải quyết vấn đề già hóa dân số đối với chính phủ các nước phát triển họ phải làm thế nào?

Năm 2014, một công ty du lịch tại Denmark đã khởi xướng một chiến dịch mang tên là “To it for Denmark”, có nghĩa là hành động vì Denmark nhằm khuyến khích cho các cặp vợ chồng sinh con, tăng dân số. Những cặp đôi đăng ký đi du lịch và có con trong thời gian này sẽ dành được giải thưởng là một kỳ nghỉ dành cho cả gia đình kèm một chiếc xe nôi, cung cấp bỉm miễn phí trong suốt ba năm. Tại Nga nếu như các bà mẹ sinh con đúng vào ngày quốc khánh là 12/6 thì có thể thắng được giải là tủ lạnh hay là tiền thưởng hoặc thậm chí là cả xe hơi nữa. Còn tại Hàn Quốc, để khuyến khích các cặp vợ chồng quyết định có thêm con, Chính phủ nước này đã khởi xướng chương trình tắt đèn đồng loạt tại nơi công sở vào ngày thứ 4 của tuần thứ 3 hàng tháng, đúng vào lúc 7 giờ tối.

Theo VTV

 

 


Phần mềm giao nhận logistic