Chi hội NTT Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM: Talkshow “TEEN & CHA MẸ TÍCH CỰC”

Vì những đợt bùng phát dịch Covid – 19 kéo dài mà tập thể quý thầy cô và gia đình của Trường chúng ta đã trải qua những tháng ngày giãn cách, làm việc tại nhà. Nhưng dù cho có phải xa mặt thì vẫn không cách lòng, chúng ta vẫn luôn nhớ về Trường, nhớ thầy cô, các bạn sinh viên,… Có lẽ tình yêu thương NHÂN VĂN chính là sợi dây vô hình liên kết các thành viên USSH nói chung và các hội viên Chi hội NTT nói riêng, ai ai cũng cố gắng tự tạo năng lượng tích cực tham gia, hỗ trợ các hoạt động của Trường, của Chi hội.

Giãn cách xã hội, là khoảng thời gian mà quý cô hội viên và gia đình có điều kiện nhiều hơn chăm sóc các thành viên trong gia đình. Cùng con trẻ lớn lên mỗi ngày là niềm vui của “nghề” làm cha mẹ. Thế nhưng, trên hành trình đi cùng con, đặc biệt khi con cái bước vào giai đoạn chuyển đổi tâm sinh lý, nghề làm cha mẹ cũng nhiều thử thách.

Vì thế Chi hội Nữ trí thức USSH đã tổ chức buổi sinh hoạt với hình thức talkshow mang chủ đề “Teen và cha mẹ tích cực”. Và đây là kế hoạch hoạt động chuyên môn quý 3/năm 2021 của Chi hội.

Chương trình diễn ra trên nền tảng Google Meet vào lúc 19:30 -21:30 ngày 16/10/2021. Buổi sinh hoạt đã thu hút đông đảo quý Thầy Cô trong và ngoài Trường, quý Cô hội viên của Hội Nữ trí thức TPHCM tham dự. Đây chính là những nhân vật chính của buổi nói chuyện trong vai trò “cha mẹ tích cực”.

Diễn giả của chương trình là ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh. Cô đã có 12 năm làm việc tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Hiện cô đang công tác tại Khoa Tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Qua những nội dung của Chương trình mà quý phụ huynh, cha mẹ trao đổi, diễn giả Diệu Anh đã phân tích tâm lý lứa tuổi, phân tích tâm lý của cha mẹ và con cái, đưa ra những nguyên nhân, lý do và lý giải một cách thấu đáo, thuyết phục. Thực trạng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, những khúc mắc của cha mẹ với các bạn tuổi teen, các bạn gen Z đã được tháo gỡ. Từ đó phụ huynh trở thành cha mẹ “tích cực”, biết cách xây dựng mối quan hệ với con cái dựa trên việc trao đổi, lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng, yêu thương nhưng vẫn giữ vững những kỷ luật, nguyên tắc; kết nối khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Khi được đối xử tôn trọng và tình cảm, con trẻ sẽ có cơ hội phát triển lành mạnh. Các bạn teen sẽ cân bằng được yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, không còn những áp lực vô hình ám ảnh các bạn, cái Tôi của gen Z sẽ hoà nhịp cùng cái Ta gia đình yêu thương.

Buổi sinh hoạt chuyên đề đã thay đổi cách nhìn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nếu như ngày trước là dạy con thì ngày nay là làm bạn cùng con. Dân gian có câu: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Khi bạn trồng một cái cây, thấy lá trên cây vàng đi, bạn biết rằng đất đang khô, cần chúng ta tưới nước. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, khi thấy trẻ gặp vấn đề, hãy tự hỏi: Phải chăng “đứa trẻ” bên trong tôi cũng đang gặp vấn đề? Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ chúng. Nhà giáo dục Suhomlinski từng nói: “Mỗi khi nhìn thấy con trẻ chính là lúc bạn đang nhìn thấy chính mình. Bạn dạy con bạn cũng chính là đang tu sửa chính mình”.

Nguyễn Công Thanh Dung, TK Chi hội


Phần mềm giao nhận logistic