Bà Lambrecht không chỉ giảng dạy mà còn đang chiến đấu với sự kỳ thị để bảo tồn một ngôn ngữ ký hiệu có nguy cơ tuyệt chủng khi chuyên gia ước tính rằng, người dùng HSL thông thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lambrecht sinh năm 1944 trong một gia đình gốc Trung Quốc ở Honolulu và bị điếc bẩm sinh. Bà đã tiếp xúc và học HSL từ bé thông qua 2 anh trai khiếm thính, những người đã học cách ký tên từ các bạn cùng lớp khiếm thính của họ. Điều này rất hiếm vào thời điểm đó, vì hầu hết trẻ em khiếm thính không được phép học bất kỳ thủ ngữ nào. Lambrecht và các anh em của bà sau đó được học ở Trường Hawaii dành cho người điếc và người mù (HSDB). Nhà trường đã áp dụng cách giảng dạy đọc khẩu hình và ngăn chặn việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Trẻ em chỉ có thể lén sử dụng ký hiệu để giao tiếp với nhau. Có bằng chứng cho thấy người Hawaii khiếm thính đã giao tiếp với nhau bằng thủ ngữ từ thế kỷ 18.
Năm 2013, nghiên cứu của Đại học Hawaii cho thấy, HSL là một ngôn ngữ độc lập: xuất phát từ quần đảo Hawaii mà không có ảnh hưởng từ bên ngoài. Hơn 80% vốn từ vựng của nó không giống với ASL. Những phát hiện này đã dẫn tới một dự án kéo dài 3 năm nhằm ghi lại những gì còn sót lại của HSL, do bà Lambrecht cùng giáo sư ngôn ngữ học James Woodward, người đã dành 30 năm qua để nghiên cứu và ghi lại các ngôn ngữ ký hiệu trên khắp châu Á, khởi xướng. Đến năm 2016, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một kho lưu trữ video và phát triển bản thảo cho một cuốn cẩm nang và từ điển HSL có hình minh họa của bà Lambrecht thể hiện các dấu hiệu. J.Woodward biết dự án nghiên cứu không đủ để giữ cho HSL “sống sót”: “Dự án giúp các nhà ngôn ngữ học phân tích ngôn ngữ, nhưng không giúp bảo tồn ngôn ngữ, trừ khi bằng cách nào đó để nhiều người có thể học và sử dụng thường ngày”.
Bà Lambrecht cùng cộng sự không nhận được nhiều sự ủng hộ trong việc bảo tồn HSL. Phần lớn ý kiến cho rằng việc một người, hoặc một nhóm nhỏ người, có thể giữ lại một hình thức ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng” trong thời gian ngắn gần như là điều không tưởng; rằng nên dùng thủ ngữ chính thống là ASL vì nó được đồng bộ hóa với ngôn ngữ quốc tế.
Dẫu vậy, cùng với bà Lambrecht, nhiều người dân ở Hawaii đã và đang góp sức giữ gìn HSL với suy nghĩ: HSL không chỉ giúp người khiếm thính giao tiếp, mà còn góp phần lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau. Như trường hợp Nikki Kepo’o, bảo tồn HSL có nghĩa là bảo vệ bản sắc văn hóa cho đứa con Caleb La’aikeakua, 9 tuổi, bị điếc nặng. Kepo’o luôn muốn 2 con mình giữ được nguồn gốc Hawaii quê hương. Caleb học tại HSDB, tham dự các lớp học bằng ASL và tiếng Anh trong chính không gian đã từng chứa đầy những đứa trẻ bí mật dạy nhau HSL. Kepo’o mơ ước gửi Caleb đến một trường học HSL một ngày nào đó. Cô chia sẻ: “Nhưng khi các thế hệ già đi và chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của Mỹ hơn, tôi không chắc có bao nhiêu người Hawaii muốn con cháu của mình giữ được phần nào gốc gác tổ tiên”.
Bà Lambrecht kể những câu chuyện thiếu nhi bằng HSL và tự ghi hình để giới thiệu với công chúng (ảnh). Mới nhất là clip truyền thuyết Maui, câu chuyện về nhân vật đã kéo các hòn đảo Hawaii lên từ lòng đại dương. Cảm nhận sự cấp bách trong việc gìn giữ và quảng bá thủ ngữ HSL, nhưng do đại dịch Covid-19, bà Lambrecht chưa thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra, chưa đưa được các lớp HSL vào trường học. Lambrecht cho rằng văn hóa, cộng đồng và kiến thức tổ tiên của nó tạo thành một phần cốt lõi bản sắc và là một phần quan trọng của những gì bà muốn truyền lại cho các thế hệ mai sau thông qua HSL.
LAM ĐIỀN; SGGP Chủ Nhật, 24/10/2021 05:49