Anne Frank

Cách đây 73 năm, ngày 12/6/1942 cô nữ sinh người Đức gốc Do Thái Anne Frank tròn 13 tuổi, trong số quà mừng sinh nhật cô bé nhận được một cuốn sổ dày, bìa vải sơn dùng để viết nhật ký, để rồi không lâu sau đó cô đã dùng nó vào việc ghi lại những khoảnh khắc cô và gia đình sống trong một căn phòng bí mật, trước sự truy lùng ráo riết của phát xít Đức. Bản thân cô cũng không thể biết được rằng cuốn nhật ký sau đó đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới.

Anne Frank

                       Anne Frank cùng chị gái trong những ngày tháng tươi đẹp

Nhật ký Anne Frank như bao nhiêu cuốn nhật ký khác trên đời, là một câu chuyện nối dài bất tận với những ngày, tháng, năm không bao giờ lặp lại. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cuốn nhật ký của cô gái người Do Thái này còn là một thước phim trung thực, rõ nét, một bức tranh ghép hình từ rất nhiều mảnh khác nhau của cuộc sống mà cô và gia đình đã và đang trải qua, những màu sắc ấy, những đường nét ấy khắc họa một bức chân dung tuyệt đẹp về sức sống con người, bức chân dung không hề phai màu, nhòa nét dẫu đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

                      Bản gốc của cuốn Nhật ký Anne Frank.

Anne Frank, tên đầy đủ là Annelies Marie Frank, sinh ngày 12/6/1929 trong một gia đình người Đức gốc Do Thái. Và chính vì lý lịch này mà năm 13 tuổi Anne và những người thân trong gia đình phải sống chui rúc trong một căn gác áp mái bí mật của ngôi nhà số 263 phố Prinsengracht, Amsterdam Hà Lan để trốn tránh sự truy lùng, bắt bớ của Đức quốc xã. Anne đã sống trong căn gác đó, một “nhà tù không lính gác” trong suốt hai năm mà không hề được một lần bước ra, thậm chí còn chẳng được thoải mái mở cửa đón nắng gió và hít thở không khí trong lành. Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất họ còn phải chống chọi với nỗi sợ hãi khi bị phát hiện, với những lo lắng về cuộc chiến tranh ngày một kéo dài, với sự khiếp sợ vì những trận ném bom oanh tạc, và trên tất cả là nỗi đau dày vò khi hàng ngày phải nghe tin người thân, đồng bào của mình đang bị giết hại hết sức dã man trên khắp lãnh thổ châu Âu.

Nhưng kỳ diệu thay trong khung cảnh ngột ngạt, tăm tối đến cùng cực ấy vẫn sáng lên một nghị lực phi thường, một trái tim yêu thương nồng ấm của cô bé Anne Frank, cô vẫn ngồi viết những dòng nhật ký chan chứa tình cảm trong sáng, niềm hy vọng và tinh thần lạc quan. Anne Frank viết nhật ký mỗi ngày cho đến những dòng chữ cuối cùng đề ngày 1/8/1944, bốn ngày sau trong khi gia đình Frank đang lẩn trốn thì bị bắt và đưa về trại tập trung Bergen Belsen. Cô bé đã qua đời vào ngày 12/3/1945 vì bệnh sốt phát ban, chỉ hai tuần trước khi trại tập trung này được giải phóng (nhưng theo tài liệu nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Anne Frank House thì Anne Frank qua đời trước đó ít nhất một tháng).

Bìa sách được xuất bản lần đầu tiên ở Hà Lan năm 1947 và bìa sách  do  NXB Đông A tái bản năm 2011

Mùa xuân năm 1946, Khi lần đầu tiên được công bố, cuốn Nhật ký đã thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Jan Romein, một nhà sử học người Hà Lan, và ông bị xúc động mạnh đến mức đã viết ngay một bài báo gửi cho tờ Het Parool: “Đây rõ ràng chỉ là một cuốn nhật ký bình thường của một đứa trẻ, cuốn "Kinh vực sâu" từ lời của một đứa trẻ, tái hiện tất cả những gì ghê tởm nhất của chủ nghĩa phát xít, về ý nghĩa thì nó hơn xa tất cả những kết luận của phiên tòa Nurnberg cộng lại”.

Nhật ký Anne Frank đã được Nhà xuất bản Contact ở Amsterdam năm xuất bản lần đầu vào năm 1947, và sau đó được dịch ra hơn 70 thứ tiếng, bán được hơn 35 triệu bản; là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản năm 1953.

Nhật ký Anne Frank đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch, nhạc kịch (opera). Năm 2008, lần đầu tiên một vở nhạc kịch chuyển thể từ nhật ký Anne Frank được công diễn. Đây là một vở nhạc kịch tiếng Tây Ban Nha bắt đầu công diễn từ ngày 28 tháng 2 tại nhà hát Haagen-Dazs Calderon ở Madrid, Tây Ban Nha. Đạo diễn vở nhạc kịch này là ông Rafael Alvero. Trước đó, ông Buddy Elias, anh họ và là người thân duy nhất của Anne Frank còn sống, chủ tịch Quỹ Di sản Anne Frank ở Thuỵ Sĩ, đã phản đối dự án dựng vở nhạc kịch dựa theo Nhật ký Anne Frank của Rafael Alvero vì theo ông "Holocaust không phải là đề tài thích hợp để chuyển thể thành âm nhạc". Trong khi đó, Quỹ Anne Frank, tổ chức đang điều hành bảo tàng Anne ở Amsterdam, lại ủng hộ dự án của Rafael Alvero để dàn dựng vở nhạc kịch này.

Năm 2009, Nhật ký Anne Frank được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) đưa vào Danh lục Ký ức thế giới. Theo UNESCO, Nhật ký Anne Frank là một trong 10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên toàn thế giới.

Năm 2010, Nhật ký Anne Frank lần đầu tiên được chuyển thể thành truyện tranh với tựa đề là "Anne Frank: The Graphic Biography" (có nguồn đề tên tác phẩm là "The life of Anne Frank, the graphic biography"), do hai người Mỹ là nhà văn Sid Jacobson và họa sĩ Ernie Colon thực hiện. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tại Hà Lan vào tháng 7 năm 2010, được dịch ra năm thứ tiếng là Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Khánh Tâm tổng hợp

 

 


Phần mềm giao nhận logistic