Thu hút và giữ chân người tài

Nhằm xây dựng môi trường lao động ổn định và tăng cường khả năng cạnh tranh của thị trường lao động ở khu vực vùng Vịnh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sắp công bố một loại bảo hiểm thất nghiệp, theo đó người lao động trong diện bảo hiểm khi thất nghiệp sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ trong thời gian nhất định.

Theo Thủ tướng kiêm Phó Tổng thống UAE, ông Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, việc cho ra đời loại bảo hiểm này là một phần của chính sách cải cách mới nhất trong bối cảnh UAE đang tìm cách thu hút tài nguyên nhân lực và đầu tư.

UAE vốn nổi tiếng là cường quốc dầu mỏ, đã và đang tích cực mở cửa đất nước, thúc đẩy các sáng kiến như cấp các loại thị thực mới, cải cách xã hội nhằm thu hút và giữ chân người lao động có chuyên môn.

Là một trong những quốc gia mở cửa với du khách quốc tế sớm nhất, từ tháng 7-2021, UAE đã liên tục đưa ra các chính sách mới để thu hút nhân tài. Tháng 9-2021 có chính sách Thị thực xanh - nới lỏng các quy định về cư trú đối với người nước ngoài ở UAE nhằm giữ chân nhân tài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Loại thị thực này sẽ được cấp chủ yếu cho nhóm những lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh xuất sắc. Trước đó, hồi tháng 7 có chính sách cấp Thị thực vàng cho 100.000 lập trình viên trên khắp thế giới nhằm thực hiện định hướng số hóa đất nước trong 3 năm tới.

UAE cũng có lợi thế về thu hút vốn nước ngoài bởi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lực lượng lao động hầu hết là người nước ngoài chiếm tới 85% dân số của UAE và điều này tạo cảm giác tự tin cho các doanh nghiệp khi khởi nghiệp tại đây. Cùng mục tiêu xây dựng môi trường lao động ổn định với UAE, hiện các nước vùng Vịnh khác như Qatar, Oman, Kuwait và Saudi Arabia cũng đã đưa ra một số hình thức hỗ trợ người thất nghiệp là công dân, trong khi Bahrain lại có hình thức hỗ trợ thất nghiệp đối với cả người lao động không phải là công dân nước này.

Tại Vùng Vịnh đang thực sự diễn ra một cuộc chạy đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cho thấy các nước trong khu vực có cùng tầm nhìn - thay đổi để xây dựng nền kinh tế tri thức trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

HẠNH CHI; ​SGGP Thứ Tư, 11/5/2022 05:28


Phần mềm giao nhận logistic