Chiếc xe mang tên ZEM (ảnh) viết tắt từ Zero Emission Mobility, do 35 sinh viên thiết kế và chế tạo. Nhờ một cặp thiết bị thu nhận carbon ở tấm lưới phía trước, ZEM hấp thụ CO2 khi nó di chuyển với khoảng 2kg CO2 cho mỗi 32.000km (một cây xanh trưởng thành hấp thu được khoảng 21kg CO2 trung bình mỗi năm).
Sau khi các bộ lọc đầy, khí CO2 thu được có thể được tái sử dụng để làm nhiên liệu hoặc thậm chí để sản xuất bia. Pin lithium cũng có thể tạo ra một lượng đáng kể CO2. Khí này cũng phát thải trong quá trình tạo điện năng cung cấp cho pin của xe điện. Cũng theo nhóm thiết kế, các bộ lọc có thể được chế tạo theo dạng module, có thể lắp vào mọi loại phương tiện giao thông.
ZEM có các tấm pin mặt trời trên mui xe, cấp 15% điện cho 8 pin lithium kèm cắm điện sạc truyền thống phía sau biển số. ZEM có công nghệ sạc hai chiều, vì vậy có thể được sử dụng như một máy phát điện để cung cấp điện cho các thiết bị gia dụng. Hầu hết các bộ phận của ZEM làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường. Anh Lars Holster, một trong các sinh viên thuộc nhóm thiết kế cho biết, họ có thể chuyển giao công nghệ sản xuất ZEM cho các công ty lớn để cải tiến tốt hơn trước khi sản xuất thương mại.
Gia Bảo; SGGP Thứ Tư, 9/11/2022 07:02