Học Bác để phát huy vai trò của phụ nữ

Ngày 22/12, Hội Nữ trí thức TPHCM đã phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển phụ nữ và bình đẳng giới”.

Hồ Chí Minh - người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam 

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - khẳng định, thực hiện và đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong những nội dung được đề cập trong Di chúc của Bác Hồ khi người căn dặn 2 điều quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam: Một là, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo”. Hai là, “bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên”. Theo Bác, thực hiện được 2 điều này “là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho chị em phụ nữ”.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - nhấn mạnh, mặc dù sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng cụm từ “bình đẳng giới” mà chỉ bàn về vấn đề “giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền”, tuy nhiên, đây chính là nội dung cốt lõi của vấn đề bình đẳng giới mà hiện nay Việt Nam và thế giới đang quyết tâm theo đuổi vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. “Trong bài Nam nữ bình quyền (3/1952), Bác Hồ đã chỉ rõ những quan niệm và cách hiểu sai về quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới: “Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ, chỉ hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền, lầm to”. Theo Bác Hồ, căn nguyên trọng nam khinh nữ là do thói quen, nếp nghĩ hàng ngàn năm nay của mỗi người trong xã hội, nó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội” - phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan chỉ rõ. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan còn khẳng định, không chỉ đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Bác Hồ còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ khi nêu những tấm gương tiêu biểu như Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… và tự hào khẳng định “trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm phó tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta”. “Từ tư tưởng đó, Bác Hồ nhấn mạnh, phụ nữ cần được bình đẳng với nam giới trong tham gia công việc xã hội, cần phát triển số lượng cán bộ nữ trong hàng ngũ đảng viên, đoàn viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và tham gia lãnh đạo, quản lý chính là biểu hiện cao nhất, và là điều kiện cơ bản để đảm bảo quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ và để phụ nữ phát huy tài năng, trí tuệ của mình. Người nhấn mạnh: để chị em mau chóng tiến bộ, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo” - phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan dẫn giải.

Trao quyền cho phụ nữ chưa tương xứng với năng lực hiện có 

Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho rằng, xem tư tưởng Bác Hồ như một bài học, trong những năm qua, công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, như phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) đạt 30,26% và tỉ lệ phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đạt trên 31,6%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu. “Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực cụ thể vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập khi thực tế cho thấy, so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ thì tỉ lệ nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo còn khiêm tốn và so với tương quan nam giới vẫn còn chênh lệch. Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, mặc dù là nước có tỉ lệ cao nhất về nữ đại biểu Quốc hội trong khối ASEAN, song vẫn chưa có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí ra quyết định ở cấp cao trong bộ máy chính quyền” - tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp nói. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2022 cũng cho thấy, khoảng cách về giới trong trao quyền về chính trị ở Việt Nam vẫn còn khá lớn và không thuộc nhóm nước có thứ hạng cao, chỉ 0,135 điểm (xếp thứ 106/149 quốc gia được đánh giá) so với nước có thứ hạng cao nhất là Iceland với 0,874 điểm. Thực tế cho thấy các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong các nhiệm kỳ qua đều là nam giới.

Theo tiến sĩ Ngọc Điệp, định kiến giới với những rào cản từ quan niệm truyền thống đã đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ, ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến việc quyết định bố trí phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Bên cạnh đó, áp lực phải gánh vác công việc gia đình khiến phụ nữ hầu như không có thời gian mở rộng các mối quan hệ xã hội để làm tốt vai trò lãnh đạo cũng như vai trò đại biểu nhân dân khi được bầu. Ngoài ra, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cũng làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần tạo dựng không gian xã hội để phụ nữ thực hiện quyền tham chính

Từ những trở ngại trên, tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp đề xuất, cần có những chính sách riêng về vấn đề tham chính, trao quyền cho phụ nữ, không phải ưu tiên mà chú trọng đến chức năng giới tính để thực hiện bình đẳng giới một cách có hiệu quả, tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới như nghiên cứu và điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, trong giới hạn độ tuổi quy hoạch cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm; lồng ghép, tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở mọi tầng lớp nhân dân và bản thân phụ nữ.

Một cách cụ thể hơn, tiến sĩ Ngô Thị Huyền (Chi hội Nữ trí thức Trường đại học Lạc Hồng) cho rằng, trao quyền cho phụ nữ, quan trọng nhất là trao quyền về kinh tế, bắt đầu từ cơ hội việc làm đến việc công nhận những cống hiến của họ trên lĩnh vực kinh tế. Môi trường kinh tế lành mạnh sẽ mang đến những khuôn mẫu mới, tạo ra nhiều cơ hội cho sáng kiến, chấp nhận những giá trị mới, qua đó, tăng sự chấp nhận của xã hội đối với vị trí của phụ nữ trong hoạt động tham chính.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Ngô Thị Huyền, tháo dỡ những rào cản, tạo dựng không gian xã hội để phụ nữ thực hiện quyền tham chính ở Việt Nam hiện nay còn là quá trình tự giải phóng. Theo đó, chị em cần có sự chủ động và không ngừng nỗ lực học tập, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết và sự tự tin, năng động, độc lập, vững vàng trước những vận hội và thách thức, từ đó có thể tự bảo vệ mình, từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội. 

Góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới

Trong thời gian qua, ngoài việc xây dựng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như xây dựng tủ sách Bác Hồ, triển lãm ảnh về Bác, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tham gia cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các cấp Hội LHPN TPHCM đã có những hoạt động cụ thể góp phần lan tỏa tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với phụ nữ và sự yêu kính, quý trọng của phụ nữ dành cho Bác. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp hội đã tập trung xây dựng hình ảnh người phụ nữ TPHCM “Đoàn kết, nhân văn; năng động, sáng tạo; khát vọng vươn lên; gia đình hạnh phúc” gắn liền với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” do Trung ương Hội phát động, với những hoạt động góp phần quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và gia tăng sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. 

Để làm tốt việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tăng cường, phát hiện, biểu dương và thật sự làm lan tỏa những gương sáng phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, Hội LHPN TPHCM đã và đang tiếp tục tập trung, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, nhiệt huyết với phong trào, chia sẻ, thấu hiểu đồng cảm với hội viên phụ nữ, gương mẫu, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, đặt lợi ích của hội viên, phụ nữ và nhân dân lên trên hết. 

Thu Lê – PNO; 23/12/2022 - 06:48


Phần mềm giao nhận logistic