Chiều 11-1, thông tin từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng, giảng viên Trường vừa được vinh danh là nhà khoa học nữ duy nhất toàn châu Á nhận được giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.
Buổi lễ trao giải vừa được diễn ra tại trụ sở chính của Tập đoàn Hitachi ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 10-1-2023.
Được biết, đây là Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học có những sáng kiến, đổi mới công nghệ có tiềm năng ứng dụng và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Osamu Naito, Chủ tịch của Quỹ toàn cầu Hitachi (The Hitachi Global Foundation) trao giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất cho PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng. Ảnh: NTCC
Năm nay, Giải thưởng này trao hai giải Sáng tạo xuất sắc nhất, ba giải sáng tạo nổi bật và các giải khuyến khích. Trong đó, PGS-TS Lê Thị Kim Phụng đoạt giải Sáng tạo xuất sắc nhất với công trình “Advanced Bio-based Aerogels from Agricultural Waste for Water Treatment - Chế tạo vật liệu tiên tiến Aerogel từ chất thải nông nghiệp để xử lý nước".
Giải thưởng trị giá 3 triệu yên, tương đương khoảng 540 triệu đồng. Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng và các cộng sự vì đã phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu cellulose aerogel tính năng cao từ nguồn phế phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất thân thiện với môi trường và khả thi về kinh tế.
Theo thông tin của trường có được từ nhóm nghiên cứu, Aerogel được biết đến là một loại vật liệu nhẹ nhất thế giới, có tính năng cao và được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực.
Yếu tố làm nên tính đặc sắc của sản phẩm là nguyên liệu aerogel composite mang cả cốt sợi cellulose và chất kết dính như hemi và lignin giúp cải thiện cơ tính, có nguồn gốc sinh học. Công nghệ sấy thăng hoa cải tiến giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng sản xuất, cải tạo được tính năng vật liệu, có thể nâng cấp lên quy mô công nghiệp và không sử dụng dung môi hóa chất như các công nghệ hiện hành. Sản phẩm cellulose aerogel có khối lượng riêng, độ rỗng, khả năng hấp phụ kim loại nặng, dung môi hữu cơ, màu vượt trội so với các sản phẩm trên thị trường.
PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng cho biết hiện quy trình được phát triển trên quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot, đã đăng ký sáng chế. Với giải thưởng này, dự án sẽ phát triển ứng dụng trên nước thải công nghiệp.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách Khoa có PGS.TS. Bùi Xuân Thành (Trưởng Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐH Quốc gia TPHCM về công nghệ xử lý chất thải bậc cao) cũng nhận giải Sáng tạo nổi bật với đề tài nghiên cứu về “Công nghệ đất ngập nước trên mái phục vụ xử lý nước thải và đô thị bền vững”. Giải thưởng trị giá một triệu yên, tương đương khoảng 180 triệu đồng.
Phạm Anh; PLO - 11/01/2023 | 17:53