Thông điệp lịch sử: Khi dòng sông tự bốc cháy

Là một cường quốc tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng trong quá khứ nước Mỹ đã từng trải qua những giai đoạn mà ô nhiễm nguồn nước ở mức độ nghiêm trọng hơn so với nước ta hiện nay. Nhưng với một quá trình lâu dài, quyết liệt và những chính sách phù hợp, màu xanh những con sông trên nước Mỹ đã được cải thiện.

Hành trình ra đời Luật Nước sạch ở Mỹ 

Câu chuyện về một dòng sông bị “bức tử” tưởng chừng như đã “chết” vì ô nhiễm, nhưng cũng chính từ đó đã góp phần thúc đẩy một bộ luật ra đời nhằm trả lại sự sống cho hàng chục con sông trên nước Mỹ. Đó là sông Cuyahoga ở bang Ohio là một trong những sông bị ô nhiễm nặng nhất ở Mỹ, dòng sông này là nơi xả thải của Công ty lọc dầu. Với chiều dài 160km và có lưu vực khoảng 2.100km2, bề mặt sông luôn bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu, ngoài ra còn có một lớp dầu đen nặng nổi thành váng trên mặt nước. Ôxy hòa tan trong nước gần như bằng 0, hầu như không có bất cứ loài sinh vật nào tồn tại. Dòng sông Cuyahoga ngày ngày vẫn “âm thầm” hứng chịu ô nhiễm, nhưng bỗng một ngày “dòng sông nhiễm dầu” ấy đã “lên tiếng” tới mức tự bùng cháy. Đỉnh điểm là ngày 22/6/1969 trong một vụ tự bốc cháy tại sông Cuyahoga đã gây thiệt hại gần 1 triệu USD cho tàu thuyền và một tòa nhà văn phòng bên bờ sông. Các vụ cháy liên tiếp sau đó được truyền thông chú ý nhờ đó Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm khắp nước Mỹ.

Sự kiện này được đánh giá là một hồi chuông mạnh mẽ cảnh tỉnh giới chức toàn nước Mỹ trong việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại các con sông. Người ta đã nghĩ đến việc cần thiết phải xây dựng một bộ luật nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề này và luật đã được xây dựng bởi các nhóm hoạt động môi trường, các doanh nghiệp và các nhà công nghệ… dưới sự dẫn dắt của Thượng nghị sĩ Edmund Muskie. Một yếu tố thuận lợi trong thời gian này dẫn tới sự ra đời nhanh chóng của Luật đó là sự thành lập của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Chính sự ra đời của tổ chức này đã giúp cho sự chuẩn bị hoàn thiện một bộ luật được hoàn tất.

       Sông Cuyahoga chảy qua thung lũng công viên quốc gia Cuyahoga

Kể từ khi ra đời năm 1972 cho tới bản được bổ sung sửa đổi tháng 11/2002, Luật Nước sạch của Mỹ gồm 234 trang, 6 đề mục, 94 điều, 607 khoản. Luật đề ra mục tiêu với tất cả nguồn nước phải đảm bảo cho bơi lội và đánh bắt cá vào năm 1983. Mọi nguồn ô nhiễm phải được loại bỏ vào năm 1985. Trong bộ luật này nhằm hướng tới tập trung xử lý những vấn đề ô nhiễm đã được xác định triệt để (mọi nguồn từ ống cống đến rãnh nước thải) đều phải được xử lý, kiểm soát theo Luật. Nước thải (đô thị và công nghiệp) phải được xử lý thứ cấp và nếu cần sẽ xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi cho phép xả thải ra môi trường. Tiêu chuẩn nước quốc gia phải do EPA phê chuẩn và được áp dụng tuân thủ trên toàn quốc trừ khi các bang, tiểu bang có quy định nghiêm ngặt hơn. Các hành vi xả thải chưa có giấy phép của EPA bị coi là bất hợp pháp. Trong quá trình triển khai luật EPA chịu tránh nhiệm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các bang.

Hành trình hồi phục dòng sông Việt

Cải tạo các dòng sông chết là một hành trình dài cần có sự quyết tâm của chính phủ, các nhà quản lý, ở Việt Nam cũng có những dòng sông “chết” được hồi sinh, điển hình là Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từng được mệnh danh là dòng kênh hôi thối nhất tại TP.HCM.

Dự án cải tạo Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã phải chi số tiền lên tới 1.600 tỷ đồng, Dự án đã thực hiện đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh,… Từ những nỗ lực này đã biến dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè thành một điển hình kiểu mẫu trong cải tạo, bảo vệ môi trường nước. Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước, vẫn còn rất nhiều dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

                         Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang dần hồi sinh.

Từ bài học của nước Mỹ đã trải qua, đánh giá thực trạng Việt Nam đang diễn ra, đó là mức độ ô nhiễm tại các con sông ven khu đô thị hoặc khu công nghiệp rất lớn cho thấy việc xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại mỗi địa phương, trong đó quan tâm xem xét cụ thể thực trạng các nguồn gây ô nhiễm, các công cụ quản lý hiện có, đặc biệt là xác định mục tiêu, biện pháp và lộ trình cần đạt được đối với công tác kiểm soát ô nhiễm,… là hết sức cấp bách.

Về phía Chính phủ, đồng thời với sự quyết tâm là việc tham mưu cho Quốc hội xây dựng và ban hành Luật Nước sạch. Sự thành công trong việc giữ gìn môi trường nguồn nước của Mỹ cũng chính là sự thành công của việc cho ra đời Luật Nước sạch với những quy định hết sức chi tiết, cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân.

Khánh Tâm tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic