Tọa đàm "Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp"

Cuộc Tọa đàm do Khoa Luật Hình sự - Đại học Luật TP. HCM tổ chức vào sáng ngày 06 tháng 7 năm 2015 với sự tham dự của lãnh đạo Khoa và toàn thể giảng viên khoa Luật Hình sự; đại diện sinh viên các lớp chất lượng cao chuyên ngành Hành chính – Tư pháp và sinh viên chuyên ngành Luật Hình sự.

TS. Võ Thị Kim Oanh, Trưởng Khoa Luật Hình chủ trì buổi Tọa đàm, đồng thời cũng là người mở đầu báo cáo tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực tư pháp hình sự”. Tiếp đến là năm báo cáo tham luận, gồm:

TS. Lê Nguyên Thanh trình bày tham luận “Vai trò của tổ bộ môn trong việc khuyến khích, hỗ trợ giảng viên tham gia và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp hình sự”; trong đó có nhấn mạnh việc hỗ trợ nhau trong NCKH cấp bộ môn đã được thực hiện có hiệu quả nhưng chưa thường xuyên, còn mang tính cá nhân hoặc chính các giảng viên chưa ý thức được tầm quan trọng của nó.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày tham luận “Nâng cao chất lượng của luận văn thạc sĩ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự.

TS. Phan Anh Tuấn trình bày tham luận: “Nâng cao hiệu quả gắn kết, sử dụng các kết quả NCKH trong lĩnh vực tư pháp hình sự với việc đào tạo tại Trường Đại học Luật TP.HCM”.

Ths. Mai Thị Thủy trình bày tham luận: “Một số ý kiến về việc nâng cao chất lượng NCKH cho giảng viên trẻ”.

Ths. Đinh Văn Đoàn trình bày tham luận: “Vai trò của Đoàn khoa Luật Hình sự trong việc khuyến khích sinh viên tham gia và nâng cao chất lượng NCKH trong lĩnh vực tư pháp hình sự”.

Bên cạnh các báo cáo tham luận, nhiều ý kiến phát biểu đã phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến thực trạng NCKH của giảng viên, học viên và sinh viên khoa Luật Hình chuyên ngành tư pháp hình sự; làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động NCKH; đồng thời đề ra các giải pháp nhằm khuyến khích và nâng cao chất lượng NCKH của giảng viên, học viên và sinh viên. Cụ thể là Khoa Luật Hình sự phải chủ động xây dựng kế hoạch NCKH hàng năm để đảm bảo sự thống nhất trong việc thực hiện hoạt động này đối với giảng viên, học viên và sinh viên; các tổ bộ môn phải xây dựng các đề tài NCKH trong lĩnh vực tư pháp hình sự phù hợp với các đối tượng nghiên cứu khác nhau; hoặc cần phải xây dựng cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích các giảng viên, học viên và sinh viên khoa Luật Hình sự tích cực tham gia NCKH,...


Nguồn: Website Đại học Luật TP.HCM


Phần mềm giao nhận logistic