Ra mắt sách "Ước vọng về quốc gia lập trình"

Chọn hình thức tự truyện cho cuốn sách đầu tay, với ước vọng về quốc gia lập trình (NXB Trẻ) tác giả Nguyễn Thanh Tùng giữ cho mọi thứ chân thực nhất có thể, không ngại ngùng viết về những thất bại, bước chuyển gập ghềnh của bản thân.

Bằng giọng văn giản dị, hài hước gần gũi với người đọc, anh đan xen câu chuyện khởi nghiệp với các vấn đề xã hội, giáo dục khác có tính thời sự cao. Cuốn sách được kết cấu như bản đồ kho báu của hải tặc với hai hải trình lớn. Phần đầu là năm “hải cảng” mà tác giả đi qua, tương ứng với những lần từ bỏ và chuyển hóa trong hành trình 10 năm thử - sai: bỏ học đại học, từ bỏ công việc lập trình viên quốc tế, phá sản với công ty khởi nghiệp đầu tiên, dừng việc ứng tuyển học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh, và cuối cùng là đặt nền móng cho tổ chức giáo dục công nghệ phi lợi nhuận Techkids.

Sách được viết bằng giọng văn giản dị, hài hước gần gũi với bạn đọc ảnh 1

Sách được viết bằng giọng văn giản dị, hài hước gần gũi với bạn đọc

Hải trình thứ hai là năm “kho báu” mà anh và đồng đội đã “khám phá” ra: những hành động và triết lý đã giúp họ chèo lái Techkids thành Tiểu thung lũng Silicon MindX, hoàn thành hai vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ quỹ quốc tế ngay trong lúc dịch Covid-19 ập đến kèm mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Với tổng số vốn đã gọi được lên đến hơn 18 triệu USD, MindX trở thành công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục công nghệ có tầm vóc lớn ở Đông Nam Á.

Để vạch ra con đường cho mình, tác giả Nguyễn Thanh Tùng đã lấy cảm hứng từ hành trình vươn lên của nhiều quốc gia lớn mạnh. Cụ thể, tác giả nhìn sang Nhật Bản (vào khoảng 1872 - 1876), đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 ở phương Tây và cuối cuộc cách mạng Minh Trị, khi cuốn sách Khuyến học của Fukuzawa Yukichi lay động người dân Nhật Bản, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, giúp họ vượt qua trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, hủ tục, quyết dùng học vấn để “bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang dùng ưu thế về kỹ nghệ hòng biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa. Tác giả cũng nhớ lời kêu gọi của Tổng thống Obama trong Tuần lễ Giáo dục về Khoa học Máy tính (năm 2014): “Đừng chỉ chơi trò chơi trên điện thoại, hãy lập trình ra chúng”.

Lấy dẫn chứng từ phong trào Bình dân học vụ năm 1945 ở nước ta, từ chiến lược quốc gia học tập để đuổi kịp của các nước Đông Á, từ các chính sách và triết lý giáo dục sớm kỹ năng công nghệ cũng như chính những trải nghiệm của mình tại Hoa Kỳ và Đức, Nguyễn Thanh Tùng tin rằng giáo dục công nghệ đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam đương đại dù chúng ta là một quốc gia “đến muộn” trên bản đồ công nghệ.

Với tác giả, Khuyến học 4.0 ++ (đổi mới học tập trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, và có lẽ là 5.0, 6.0 trong thời gian sắp tới) sẽ đi liền với hình ảnh “quốc gia lập trình”, nơi mỗi công dân trở thành một công dân số có hiểu biết và năng lực về công nghệ, cũng như trở thành một hạt nhân sáng tạo của đất nước, các thế hệ tiếp bước nhau đóng góp cho sự đột phá chung của nhân loại, của lịch sử.

Nhân dịp ra mắt sách, vào lúc 9 giờ ngày 9-9, tại Hội trường Youth Space (tầng 1), Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) sẽ diễn ra toạ đàm “Từ tiếng Anh đến tiếng Code - Giao lưu ra mắt sách Ước vọng về quốc gia lập trình”.

Trong chương trình, tác giả Nguyễn Thanh Tùng và các khách mời cùng nhau chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp “kiểu loài gián”, hay thông điệp Khuyến học 4.0++ cho người Việt Nam khi công nghệ và các kỹ năng đặc thù của nó đang trở thành ngôn ngữ mới của toàn nhân loại.

Cũng tại chương trình, tác giả Nguyễn Thanh Tùng và cộng sự sẽ ra mắt Quỹ Code for Vietnam - cây cầu tri thức nối những bạn trẻ Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn với các kiến thức về công nghệ, lập trình.


Phần mềm giao nhận logistic