Doanh nghiệp công nghệ Việt "bắt tay" sản xuất thiết bị mạng Make in Việt Nam

Các thiết bị mạng Make in Vietnam mới sẽ mang thương hiệu MK Network, dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2024.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt quyết tâm phát triển sản phẩm thiết bị mạng Make in Vietnam do doanh nghiệp Việt Nam tự chủ từ khâu nghiên cứu, sản xuất phần cứng tới phát triển giải pháp phần mềm - Ảnh: NG.LINH

Các doanh nghiệp công nghệ Việt quyết tâm phát triển sản phẩm thiết bị mạng Make in Vietnam do doanh nghiệp Việt Nam tự chủ từ khâu nghiên cứu, sản xuất phần cứng tới phát triển giải pháp phần mềm - Ảnh: NG.LINH

Ngày 1-11, các doanh nghiệp công nghệ Việt gồm MK Hi-Tek, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate), Công ty cổ phần công nghệ Pavana và Công ty cổ phần công nghệ Vissoft công bố bắt tay hợp tác để phát triển, sản xuất các sản phẩm thiết bị kết nối mạng Make in Vietnam.

Theo đó, với mục tiêu làm chủ công nghệ và hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng trên không gian mạng vào năm 2030, bốn doanh nghiệp này quyết định cùng bắt tay để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thiết bị mạng Make in Vietnam do doanh nghiệp Việt Nam tự chủ từ khâu nghiên cứu, sản xuất phần cứng tới phát triển giải pháp phần mềm.

Các thiết bị mạng Make in Vietnam mới sẽ mang thương hiệu MK Network. Dự kiến các sản phẩm Make in Vietnam của MK Networks sẽ ra mắt thị trường vào năm 2024.

Được biết, các sản phẩm thiết bị mạng của MK Networks bao gồm: thiết bị mạng lớp truy cập, thiết bị mạng lớp Core, hệ thống mã hóa kênh truyền, hệ thống bảo mật dữ liệu một chiều…

Những thiết bị này đều được ứng dụng các công nghệ mới nhất phục vụ toàn diện cho nhu cầu đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các hệ thống thông tin với nhiều tính năng được tích hợp như tự động ngăn chặn các kết nối độc hại đến mã độc, tường lửa, mạng riêng ảo VPN hay phát hiện tấn công sớm…

Các thiết bị mạng sẽ ứng dụng mô hình quản lý thông minh Cloud-Native cho phép quản trị mạng có thể quản lý và thiết lập cấu hình cho nhiều thiết bị một cách tập trung. Theo đó, phù hợp với mục đích sử dụng ở cả khối các cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp.

Từ năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030".

Chiến lược nhấn mạnh an toàn, an ninh mạng là trọng tâm trong chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời nêu rõ quan điểm phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng.

THANH HÀ – TTO; 01/11/2023 12:27 GMT+7


Phần mềm giao nhận logistic