TPHCM tôn vinh 21 nữ trí thức tiêu biểu lần thứ nhất
Sáng 10/3, Hội Nữ trí thức TPHCM & Hội LH Phụ nữ TPHCM phối hợp tổ chức chương trình Lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu TPHCM lần thứ nhất, giai đoạn 2019 - 2024.
PGS.TS Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM phát biểu khai mạc Lễ.
PGS.TS. Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - cho biết, bằng tài năng, trí tuệ và những phẩm chất tốt đẹp của giới, lao động nữ trí thức đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ động hội nhập quốc tế.
Nhiều nữ trí thức đã đoạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do phụ nữ làm chủ nhiệm, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Theo chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM, lễ tôn vinh là nhằm ghi nhận, biểu dương những cống hiến quý báu của đội ngũ nữ trí thức TPHCM. Qua đó, khích lệ, động viên nữ trí thức, nhất là nữ trí thức trẻ, không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp vào sự phát triển của Thành phố mang tên Bác.
Các nữ trí thức tiêu biểu giao lưu tại buổi Lễ.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhìn nhận, nữ giới ngày nay đã có sự tiến bộ vượt bậc, các chị em đã chứng minh vị thế vững vàng của mình khi tham gia hoạt động xã hội. Các công trình thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học của 21 Nữ trí thức là một lĩnh vực khó, đòi hỏi trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm, tâm quyết và sự kiên trì. Công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao là những công trình mang lại kết quả thiết thực vào đời sống.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM và Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trao hoa và kỷ niệm chương cho Nữ trí thức tiêu biểu TPHCM lần thứ nhất, giai đoạn 2019 - 2024.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM và bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trao hoa và kỷ niệm chương cho Nữ trí thức tiêu biểu TPHCM lần thứ nhất, giai đoạn 2019 - 2024.
Dịp này, Hội Nữ trí thức TPHCM ghi nhận và tôn vinh 25 hội viên nữ trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển tổ chức Hội.
Ngọc Trăm; PNO 10/03/2024 - 17:05
Thông tin cá nhân 21 nữ trí thức tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ
1. PGS.TS. Lê Ngọc Liễu sinh năm 1984, Giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS.TS. Lê Ngọc Liễu là một trong 10 nhà khoa học trẻ VN nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu Vàng năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS HCM & Bộ KH – CN phối hợp tổ chức. Từ năm 2019 đến nay, một hướng nghiên cứu tiêu biểu của nhóm PGS.TS. Lê ngọc Liễu hướng tới phát triển các nguồn nguyên liệu tự nhiên và đa dạng hóa sản phẩm từ các phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị kinh tế cho cây trồng. Tiêu biểu có đề tài nghiên cứu trên phụ phẩm từ các giống thanh long của Bình Thuận, hợp tác với Đại học Liege (Bỉ). Đề tài chia thành hai hướng chính. Hướng thứ nhất thu nhận và đánh giá thành phần hóa của các nhánh cây thanh long, thường được chặt bỏ đi trong quá trình trồng, để phát triển khí sinh học. Hướng thứ hai thu nhận vỏ thanh long, phụ phẩm của các quá trình chế biến các sản phẩm từ trái thanh long, để trích ly hợp chất pectin và ứng dụng hợp chất này để phát triển màng bọc có thể phân hủy sinh học. Hướng nghiên cứu này góp phần giảm thiểu những tác động đến môi trường từ chất thải, từ khí nhà kính và bao bì nhựa, cũng như góp phần gia tăng giá trị kinh tế và xây dựng kinh tế tuần hoàn cho giống cây ăn trái này.
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp sinh năm 1981, Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp được Tạp chí Asian Scientist (Singapore) công bố kết quả bình chọn vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2019. Chị cũng giành Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM về KHCN lần thứ nhất. PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp và nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu chế tạo thành công “Keo sinh học thông minh hỗ trợ điều trị lành thương”; được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín và góp phần nhiều vào việc phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo của ngành Y học tái tạo của khoa Kỹ thuật Y Sinh như mực in sinh học ứng dụng làm da, xương nhân tạo cũng như ứng dụng trong sàng lọc bệnh ung thư và nhờ đó cô cũng đạt được giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM). Ngoài ra, năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp cùng các thành viên trong khoa xây dựng bảng chăm sóc sức khỏe tinh thần được bố trí ngoài hành lang của khoa và nhận được rất nhiều sự ủng hộ, tham gia và chia sẻ sức khoẻ tinh thần từ đó giúp ổn định tâm lý giảng viên, sinh viên.
3. PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân sinh năm 1980, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân đoạt Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019; Tạp chí Asian Scientist (Singapore) công bố kết quả bình chọn Nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020; Giải thưởng Nhà KH trẻ tài năng quốc tế năm 2022. Công trình khoa học “Công nghệ xử lý nước thải bằng hồ thủy sinh phủ hệ thực vật mới Cỏ Lông Tây (Brachiaria Mutica), giải pháp xử lý nước thải các khu công nghiệp tập trung hướng đến phát triển bền vững” tính khoa học và thực tiễn rất cao với việc phát hiện, nghiên cứu và ứng dụng loại thực vật mới Cỏ Lông Tây vào công nghệ xử lý nước thải ở các khu công nghiệp tập trung hướng đến phát triển bền vững. Công nghệ này đã ứng dựng triển khai thực tế thành công và rất hiệu quả tại khu công nghiệp Quận 12, TPHCM và có thể mở rộng ứng dụng ở các làng nghề thủ công, các khu công nghiệp tập trung để xử lý nước thải công nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt hướng đến công nghệ xử lý đơn giản, giá thành thấp và công nghệ xử lý sinh học thân thiện môi trường hướng đến phát triển bền vững. Công nghệ xử lý này mô hình xử lý với chi phí thấp, môt giai đoạn xử lý trực tiếp, dễ vận hành và hướng đến phát triển bền vững thân thiện với môi trường.
4. TS. Hà Thị Thanh Hương sinh năm 1989, Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM.
TS. Hà Thị Thanh Hương là Nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Early Career Award năm 2020; Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học Năm 2022; Giải thưởng khoa học Quả cầu vàng 2023; Giải nhì tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 cùng nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế ĐH Quốc gia TPHCM. Trong quá trình công tác, TS. Hương đã tích lũy 27 bài báo công bố trên tạp chí khoa học và hội nghị quốc tế; 03 sách chuyên khảo, chương sách thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh; 01 giải pháp hữu ích “Hệ thống đo điện não từ xa”; 01 sản phẩm công nghệ Brain Analytics. Tiêu biểu trong năm 2023, TS. Hương cùng đồng sự đề xuất phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ), đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Trong năm 2021-2022, TS. Hương cùng đồng sự đề xuất hệ thống đo điện não từ xa tích hợp điều khiển tự động kích thích siêu âm. TS. Hương đã xây dựng mô hình học máy để ước tính mức độ căng thẳng của mỗi sinh viên, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường học tập tối ưu. Những sáng kiến của TS. Hương đã góp phần phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe não bộ.
5.TS.BS. Trịnh Hoàng Kim Tú sinh năm 1988, Nghiên cứu viên Trung tâm Y Sinh học phân tử, trường Đại học Y Dược TPHCM.
TS.BS. Trịnh Hoàng Kim Tú là một trong 10 nhà khoa học trẻ VN nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Giải thưởng khoa học Quả cầu vàng 2023. Các dự án tiêu biểu, gồm:
- Dự án “Dị ứng hải sản tại Việt Nam”: Thiết lập quy trình chiết xuất protein có trong các loại hải sản thường được tiêu thụ ở Việt Nam (ví dụ tôm sú, tôm thẻ, tép bạc, cua đồng, cua biển, cá lóc, cá chép,..), được ứng dụng để tinh lọc protein từ các loại thực phẩm gây dị ứng cho bệnh nhân Việt Nam.
- Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản: thiết lập quy trình chẩn đoán dị ứng bằng kỹ thuật phân tích tế bào, sử dụng mẫu máu của bệnh nhân và có thể sàng lọc các dị nguyên nghi ngờ gây dị ứng, tránh các test thử thách có nguy cơ gây phản vệ cho người bệnh.
- Ứng dụng chuyển đổi số trong việc thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu bệnh nhân phản vệ: phần mềm “Cơ sở dữ liệu phản vệ tại Việt Nam” tại website anaphylaxis.vn, thu thập cơ sở dữ liệu bệnh nhân bị phản vệ, tạo cơ sở thiết lập các mô hình tiên đoán bệnh phản vệ cho người bệnh dị ứng tại Việt Nam.
- Nghiên cứu in vivo biomarker và thuốc điều trị hen suyễn: đánh giá các dấu ấn sinh học (biomarker) của bệnh hen suyễn, đánh giá hiệu quả thuốc mới điều trị hen suyễn.
6.PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan sinh năm 1971,Trưởng khoa Y Trường ĐH Y Dược TPHCM.
PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan được Tạp chí Asian Scientist công kết quả bình chọn PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan vào top 100 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất Châu Á năm 2021. Chị là thành viên của nhóm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1997, từ đó đến nay, BS. Lan đã điều trị cho hàng chục nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong quá trình này, BS. Lan nhận thấy chi phí điều trị, chủ yếu là chi phí dùng thuốc kích thích buồng trứng (KTBT), khá cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam, dẫn đến việc một số cặp vợ chồng từ bỏ cơ hội có con của mình. Ngoài ra, việc dùng thuốc KTBT cũng gây biến chứng cho một số phụ nữ. BS. Lan cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật TTTON - Không KTBT (còn gọi là CAPA-IVM) cho các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Từ năm 2019 đến nay, kỹ thuật CAPA-IVM đã được áp dụng cho 1055 cặp vợ chồng với tỉ lệ có thai cộng dồn là 41% và số trẻ sinh khỏe mạnh là 505 bé. Đề tài được Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) nghiệm thu vào năm 2022. Ngoài ra, BS. Lan và đồng nghiệp đã công bố 17 bài báo khoa học về CAPA-IVM trên các tạp chí quốc tế uy tín, được đồng nghiệp thế giới đánh giá cao và tìm đến Việt Nam để được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
7.PGS.TS. Hoàng Thị Đông Quỳ sinh năm 1978, Giảng viên cao cấp, Trưởng bộ môn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
PGS.TS. Hoàng Thị Đông Quỳ là một trong 14 nhà khoa học xuất sắc nhất được vào vòng chung kết cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa Kỳ năm 2021. Công trình nghiên cứu tiêu biểu của chị tập trung đi theo xu hướng của thế giới phát triển vật liệu xanh bền vững, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tạo ra vật liệu có giá trị ứng dụng cao hơn – Tổng hợp vật liệu tiên tiến từ nguồn vật liệu sinh khối / phụ phẩm nông nghiệp /nguồn nguyên liệu tái tạo ứng dụng trong lĩnh vực y-sinh học, nông nghiệp, và môi trường.Vật liệu trên nền polymer xuất thân từ hóa dầu đến hơn 50 năm phát triển không ngừng nghỉ, sự phong phú của vật liệu polymer và polymer composite / nanocomposite ngày nay có thể thấy khắp mọi sản phẩm từ trong cuộc sống hằng ngày cho đến những sản phẩm của các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, các tác động của vật liệu từ nguồn gốc hóa dầu - nguồn nguyên liệu không thể tái tạo đã tác động mạnh mẽ đến môi trường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn dầu mỏ, ô nhiễm môi trường và những tác động hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu từ các vấn đề rác thải và quá trình xử lý rác thải của vật liệu. Do đó nghiên cứu vật liệu đi từ nguồn gốc tự nhiên, sinh khối/nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường để thay thế các sản phẩm truyền thống từ nhiên liệu hóa thạch là một trong những mục tiêu thiết yếu và lâu dài cho một kỷ nguyên phát triển bền vững hậu dầu mỏNhư vậy có thể thấy rằng hiện nay, các vấn đề liên quan đến môi trường ngày càng được quan tâm, dẫn đến nghiên cứu phải thay đổi theo xu hướng nghiên cứu phát triển bền vững, tuần hoàn, và không chất thải. Thế giới nói chung, việc tổng hợp vật liệu tiên tiến và các loại vật liệu trên nền polymer / polymer composite / polymer nanocomposite từ nguồn hóa dầu đã được nghiên cứu thay đổi qua từ nguồn nguyên vật liệu sinh khối và nguồn nguyên vật liệu tái tạo – từ quá trình tái chế nguồn nguyên liệu nhựa phế thải.
8. GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1974, Giảng viên cao cấp; Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM; Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TPHCM.
GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã đoạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021; Là nhà khoa học nữ duy nhất của TPHCM được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong GS năm 2020. Củ Ngải bún là một gia vị trong chế biến món ăn đặc trưng của các tỉnh miền Tây Nam bộ và được dùng đề trị một số căn bệnh như đau bụng, hen suyễn, tiêu chảy, khó tiêu, viêm loét dạ dày, kiết lỵ,… Thông qua chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Trường ĐH KHTN – ĐHQG – TPHCM cùng với Viện nghiên cứu thuốc từ thiên nhiên thuộc ĐH Toyama, Nhật Bản và Học viện Quân y, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 40 hợp chất từ củ Ngải bún có tác dụng ức chế sự phát triển của dòng tế bào ung thư tụy PANC – 1 trong điều kiện thiếu dưỡng chất, trong đó có 20 hợp chất có cấu trúc mới lần đầu tiên được công bố trên thế giới. Song song đó, nghiên cứu cho thấy củ Ngải bún chứa hàm lượng lớn hợp chất pinostrobin có tác dụng chống viêm loét dạ dày. Trên cơ sở này, nhòm nghiên cứu đã phát triển 2 sản phẩm: BOESENCARE, viên nano hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa và PINOCARE, viên nanggiàu hoạt chất pinostropin hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
9. TS. Trần Thị Như Hoa sinh năm 1989, Giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu Quang học và cảm biến, Bộ môn Vật liệu Từ và Y sinh, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
TS. Trần Thị Như Hoa là một trong 10 nhà khoa học trẻ VN nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu Vàng năm 2022. TS. Trần Thị Như Hoa có 37 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, với tổng IF: 197,714, IF trung bình/bài: 5,34, tổng số trích dẫn: 538, H-index: 13 theo thống kê trên scholartại https://scholar.google.com.vn/citations?user=ItAE-vsAAAAJ&hl=vi . Các nghiên cứu dựa trên mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm đề xuất các qui trình cho công nghệ sản xuất các cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh, và có thể mang thiết bị đến tận nơi của người sử dụng. Từ đó, mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong Y sinh, môi trường và trong nông nghiệp. Điển hình là công trình: Thiết kế cảm biến sợi quang học trong kỹ thuật y sinh ứng dụng trong chẩn đoán (chẩn đoán bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim, ung thư dạ dày…) trên nền các hạt nano kim loại quý như Au, Ag,…Gần đây nhất, năm 2023 với cảm biến sợi quang học với hạt nano lai hóa Au@Ag, cho giới hạn phát Protein phản ứng C (CRP) thấp, là một loại protein sản xuất chủ yếu bởi gan thuộc pha cấp tính để chẩn đoán các bệnh nhiễm vi khuẩn và rối loạn viêm, ví dụ sốt dạng thấp hay viêm khớp dạng thấp với nồng độ thấp 2,4 10 -5 mg/L. Năm 2022, cảm biến quang học sợi quang (Au NPs/IRMOF-3) cũng cho thấy khả năng định lượng các nồng độ dopamine “hormone hạnh phúc” bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất của con người. Khi cơ thể thiếu khi thiếu dopamine làm con người thiếu tập trung, trí nhớ kém, tư duy chậm, trầm cảm, cảm xúc không ổn định. Cảm biến này có độ tái sử dụng tốt và độ nhạy cao ở giới hạn phát hiện là 1,02 10 -11 M. Trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh, sức khỏe, môi trường, tôi có mong muốn tận dụng và nâng cao khả năng ứng dụng phát hiện sớm, chẩn đoán sớm các loại bệnh, phát hiện mức độ nhiễm bệnh, nhiễm các chất phân tử hữu cơ độc hại trong môi trường (nước, thực thẩm, gia vị,…) ở Việt Nam thông qua nghiên cứu vật liệu nano kim loại và nano lai hóa và các kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân.
10. TS. Nguyễn Hồ Thùy Linh sinh năm1990, Trưởng nhóm Nghiên cứu Vật liệu Hóa, Sinh và Môi trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG TPHCM.
TS. Nguyễn Hồ Thùy Linh là một trong 10 nhà khoa học trẻ VN nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Giải thưởng khoa học Quả cầu vàng 2023. Công trình nghiên cứu “Zr and Hf-metal-organic frameworks: an effecient and recyclable heterogeneous catalyst for the synthesis of 2-arylbenzoxazole via ring open pathway acylation reaction” của chị đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Catalysis, năm 2019 thuộc danh mục Q1và chỉ số IF=7.3. Công trình nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới khi đã nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2 -arylbenzoxazole và chứng minh được khả năng cắt nối C-N của vật liệu bằng thực nghiệm và tính toán theo lý thuyết phiếm hàm mật độ. Công trình đã sử dụng năng lượng vi sóng kích hoạt phản ứng hướng đến tổng hợp theo quy tắc hóa học xanh nhằm cải tiến quy trình tổng hợp, giúp tăng hiệu suất phản ứng và giảm thiểu dung môi thải. Công trình đã nghiên cứu quy trình điều chế hơn 10 hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng trong lĩnh vực y dược.
11. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài sinh năm 1981, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài đoạt Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, năm 2023. Nhóm thực hiện các nghiên cứu cơ bản về cơ chế kháng thuốc và cơ chế sinh bệnh. Một vài nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng bao gồm nghiên cứu về sự tồn tại của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa (P. aeruginosa) trên cơ thể người khỏe mạnh. Điểm nổi trội của nghiên cứu này là nó cung cấp thông tin về sự hiện diện của P. aeruginosa trong người khỏe mạnh và các yếu tố nguy cơ liên quan tới sự hiện diện của vi khuẩn này. Nghiên cứu này cũng khảo sát độc lực của các chủng P. aeruginosa được phân lập, điều này có thể giúp hiểu rõ hơn về khả năng gây bệnh của loài vi khuẩn này. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn hiện diện chủ yếu ở vùng hầu họng và đặc biệt người tham gia có tiền sử viêm xoang có khả năng mang P. aeruginosa gấp 11,57 lần so với những người không có tiền sử viêm xoang. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Q1 Biomedicines, 2023.
Một nghiên cứu khác mang tới gợi ý về việc xây dựng hoạt động học tập cho sinh viên nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần cho đối tượng này là nghiên cứu về tác động của đại dịch COVID-19 đối với tâm lý của sinh viên. Kết quả cho thấy, tình trạng căng thẳng ở sinh viên là phổ biến. Sinh viên chịu nhiều áp lực và có nhiều vấn đề tâm lý trong giai đoạn cách ly vì Covid-19. Đặc biệt, tình trạng phong tỏa không ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của sinh viên, điều này gợi ý rằng các vấn đề tâm lý xấu hơn có vẻ xuất phát từ việc tạm ngừng cuộc sống hàng ngày tại trường học thay vì việc bị cấm đi ra ngoài. Những kết quả này nhấn mạnh sự quan trọng của các hoạt động học tập và sáng tạo, đồng thời đặc biệt chú ý đến nhu cầu về học tập tương tác và hoạt động ngoại khóa. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Q1 BMC Public Health, 2023.
12. GS.TS. Đặng Thị Phương Thảo sinh năm1976,Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM.
GS.TS. Đặng Thị Phương Thảo là nhà khoa học nữ duy nhất của TPHCM được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong hàm GS năm 2023; Là thành viên nhóm tác giả của Sáng chế về lĩnh vực sinh học do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM thực hiện mang tên “Hỗn hợp dịch chiết tế bào và phương pháp tạo dòng chuyên biệt vị trí” đã được Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền. Công trình ứng dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae để làm phòng bệnh đốm trắng ở tôm; sự gia tăng trọng lượng của tôm. Kết quả ứng dụng thực tiễn cho thấy sản phẩm của công trình nghiên cứu làm tăng sản lượng thu hoạch trung bình 418kg/500m2 ao nuôi. Cỡ tôm và hệ số chuyển hoá thức ăn cũng là các chỉ số quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Cỡ tôm càng lớn sẽ có giá bán cao hơn so với cỡ tôm nhỏ, đồng thời hệ số chuyển hoá thức ăn (FCR) ảnh hưởng rất lớn đến chi phí trong nuôi tôm, ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế. Ở các chỉ số này, kết quả thực nghiệm cũng cho thấy kết quả nghiên cứu làm giảm hệ số FCR 0,22 và tăng cỡ tôm; đạt 71 con/kg so với ao nuôi không sử dụng kết quả đề tài cỡ tôm là 79 con/kg.
13. PGS.TS.BS.TTND. Trần Phan Chung Thủy sinh năm 1965, Chủ nhiệm bộ môn Tai mũi họng, Khoa Y ĐH Quốc gia TPHCM - UV BCH Hội Nữ trí thức TPHCM.
PGS.TS.BS.TTND. Trần Phan Chung Thủy được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2020; Được Hội Nữ trí thức Việt Nam tôn vinh Nữ trí thức tiêu biểu ngành Y năm 2023. Công trình tiêu biểu của chị, gồm:
1/ Chủ nhiệm đề tài cấp thành phố: “Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị K thanh quản tầng thanh môn giai đoạn T1-T2”. (2019-2021).
2/ Chủ nhiệm đề tài cấp Đại học quốc gia: “Tầm soát tỉ lệ các đột biến điểm trên 2 gen GJB2 (CONNEXIN 26) và Tecta ở nhóm bệnh Nhi Việt Nam được chẩn đoán điếc bẩm sinh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM”. (16/1/2020 - 7/2023).
14. PGS.TS. Nguyễn Phương Dung sinh năm1963, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
PGS.TS.Nguyễn Phương Dung là Chủ nhiệm đề tài Giải nhì tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPTPHCM lần 2. Công trình Nghiên cứu bào chế và thử nghiệm tác dụng hạ acid uric máu của viên nang DR từ Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus) và Râu mèo (Orthosiphon aristatus) đã phát triển một dạng bào chế thuốc từ dược liệu dựa trên cơ sở y học cổ truyền. Viên nang cứng DR (chứa Diệp hạ châu, Râu mèo) thể hiện 3 tác dụng dược lý thực nghiệm: 1) ức chế tổng hợp acid uric; 2) tăng thải trừ acid uric; 3) kháng viêm. Đồng thời, chế phẩm có tính an toàn; đạt tiêu chuẩn chất lượng ổn định trong điều kiện bảo quản thực (hạn dùng ước tính 49 tháng). Kết quả nghiên cứu cho thấy viên nang DR có triển vọng hỗ trợ, thay thế một số hóa dược thường dùng để điều trị tăng acid uric và dự phòng tái phát cơn gút cấp, có thể sử dụng được cho người bệnh mẫn cảm với allopurinol, giảm chức năng gan. Công trình nghiên cứu này đã được Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh lần thứ 2 (năm 2021) trao tặng Giải Nhì lĩnh vực Khoa học kỹ thuật.
15. TS. Lê Thị Lan Phương sinh năm 1986, Giảng viên Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Lê Thị Lan Phương đoạt Giải nhì tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPTPHCM lần 2 . Các công trình tiêu biểu của TS. Lê Thị Lan Phương, gồm:
- Chủ nhiệm đề tài: Bào chế và đánh giá tác động điều hòa lipid máu của thuốc cốm từ bột sấy phun đài hoa Bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L. Malvaceae)- Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nghiệm thu 2019. Với đề tài, nhóm tác giả đã bào chế được chế phẩm (cốm) từ bột sấy phun đài hoa Bụp giấm; xây dựng quy trình bào chế chế phẩm từ bột sấy phun; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của chế phẩm; đánh giá tác dụng điều hòa lipid máu, đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của chế phẩm trên chuột nhắt trắng; xây dựng và thẩm định được một quy trình định lượng mới đối với chế phẩm cốm Bụp giấm. Bụp giấm có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, đã được trồng thành công ở các tỉnh miền Trung với quy mô lớn và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây không chỉ là nguồn nguyên liệu quý giá cho việc sản xuất chế phẩm mà còn là một phương cách xóa đói, giảm nghèo cho nông dân vùng đất khô hạn này. Đề tài góp phần quan trọng trong việc cung cấp một chế phẩm mới từ tiên nhiên để điều trị bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời còn góp phần phát triển nguồn dược liệu của Việt Nam.
- Thành viên chính đề tài: Nghiên cứu bào chế và thử nghiệm tác dụng hạ acid uric máu của viên nang DR từ Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus Amarus) và Râu mèo (Orthosiphon Aristatus)- Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nghiệm thu năm 2021. Đề tài góp phần phát triển dược liệu trong nước, đóng góp vào sự phát triển của một chế phẩm mới có nguồn gốc tự nhiên trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề tài đạt giải Nhì lĩnh vực Khoa học kỹ thuật – Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đồng chủ nhiệm đề tài: Kiểm chứng mô hình gây nhiễm Candida albicans âm đạo chuột nhắt. Đề tài NCKH cấp cơ sở, nghiệm thu năm 2020.Chủ nhiệm 04 đề tài NCKH cấp cơ sở, dự kiến nghiệm thu năm 2024:
- Khảo sát ảnh hưởng của điều kiện chế biến đến một số đặc điểm lý hóa của vị thuốc Cam thảo.
- Khảo sát ảnh hưởng của điều kiện chế biến đến một số đặc điểm lý hóa của vị thuốc Bạch truật.
- So sánh hàm lượng aconitin trong Hắc phụ tử và Bạch phụ tử chế theo quy trình chuẩn của Bộ Y Tế.
- Đánh giá hàm lượng anthraquinon trong Hà thủ ô đỏ trước và sau khi chế biến theo quy trình chuẩn của Bộ Y tế.
16. TS. Ngô Thị Lụa sinh năm1986, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG HCM.
TS. Ngô Thị Lụa giành Giải nhì tập thể nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế ĐH Quốc gia TPHCM. Các nghiên cứu của TS. Lụa tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán các bệnh như rối loạn tâm thần, thoái hóa thần kinh, các bệnh liên quan đến mắt và da liễu, thiểu năng trí tuệ, và rối loạn giấc ngủ. TS. Lụa cùng các thầy cô trong nhóm nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Y sinh đã nhận được Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TPHCM 2021 cho đề tài “Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não ở Việt Nam”, và hai giải Khuyến khích của Cuộc thi Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TPHCM 2020 cho đề tài “Skin Detective - Ứng dụng tích hợp Trí tuệ nhân tạo phát triển các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu”, và đề tài “Phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh não MRI”.
17. PGS.TS.BS.TTND. Phạm Thị Ngọc Thảo sinh năm1967, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
PGS.TS.BS.TTND. Phạm Thị Ngọc Thảo đoạt Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021; Được Hội Nữ trí thức Việt Nam tôn vinh Nữ trí thức tiêu biểu ngành Y năm 2023. Nghiên cứu “Giải pháp Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp” của PGS.TS.BS.TTND. Phạm Thị Ngọc Thảo giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, đóng góp nhiều giá trị khoa học trong sự phát triển chuyên ngành Hồi sức cấp cứu. Về hiệu quả điều trị: tỉ lệ thành công (sống xuất viện) bệnh nhân thực hiện ECMO tại BV Chợ Rẫy tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể năm 2019: ECMO cho bệnh nhân sốc tim do viêm cơ tim có tỉ lệ sống 71,4% và ECMO cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển có tỉ lệ sống 82,5%. Về tính ứng dụng: cứu sống ngoạn mục bệnh nhân phi công người Anh số 91 nhiễm COVID-19 nguy kịch và đến nay đã thực hiện gần 1000 bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện TPHCM, miền Nam, miền Trung, miền Bắc (BV Nhi đồng TP, BV Nhi đồng 1, BV Nhân dân 115, BV NDGĐ, BV 175, BV Sóc Trăng, BV 103, BV 108, BV Nghệ An…);. Về NCKH, đào tạo: chuỗi nghiên cứu về ECMO đã được công bố gồm: 01 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu; hướng dẫn 02 đề tài thạc sĩ, 4 đề tài nội trú về ECMO; 12 bài báo ECMO đăng trên tạp chí y học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh; 02 poster được thuyết trình tại Hội nghị quốc tế của Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương; 03 bài báo về ECMO đăng trên tạp chí quốc tế; Giải Thành tựu y khoa Năm 2020. Sáng kiến Ứng dụng ECMO trong đáp ứng điều trị khẩn cấp BN coivid-19 nặng, nguy kịch, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ y tế, ngành y tế năm 2023.
18. ThS. Bùi Thị Thủy (Nhà văn Trầm Hương) sinh năm1963, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM UV BCH Hội Nữ trí thức TPHCM.
ThS. Bùi Thị Thủy đã đoạt Giải 3 Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 năm 2021 với tác phẩm văn học: “Đường 1C huyền thoại- Những bờ vai con gái”. Là cây bút có nhiều thành công trong các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Tác phẩm mới nhất của nhà văn Trầm Hương là “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái” - NXB Công an nhân dân, đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư năm 2020 và đoạt giải 3 Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 năm 2021. “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”. Qua những trang viết của nhà văn Trầm Hương, nhiều tấm gương hy sinh của các nữ TNXP tuyến đường 1C được phục dựng sinh động, đơn cử như tinh thần bất khuất, kiên cường của nữ TNXP Hồng Láng, quê Phong Lạc, Cà Mau, chưa đầy 20 tuổi, tải hàng qua biên giới, phải chiến đầu bào vệ hàng, rồi bị bắt, bị đánh đập tra khảo dã man, không cho y tá của kẻ thù chích thuốc và tự đập đầu vào cột đá hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường…
19. TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên sinh năm1968, Phó trưởng phòng Kế hoạch, tổng hợp Bệnh viện Mắt TPHCM.
TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên là Chủ nhiệm đề tài Giải nhì tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPTPHCM lần 3. Đề tài “Tầm soát bệnh glocom bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mền trí tuệ nhân tạo EyeDr, giúp tăng hiệu quả công việc khám tầm soát tại bệnh viện, tiết kiệm nguồn lực, chi phí; bên cạnh việc rút ngắn thời gian thực hiện quy trình khám còn giúp tăng trải nghiệm và sự hài lòng của người bệnh. Trong tương lai, nhóm NC sẽ phát triển thành mạng lưới tầm soát từ xa giúp người bệnh ở các tỉnh xa thành phố cũng có cơ hội tiếp cận giải pháp này, không những tiết kiệm chi phí đi lại mà còn an tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ thị lực.
20. ThS. Lâm Hoàng Yến Sinh năm 1992, Bệnh viện Mắt TPHCM.
ThS. Lâm Hoàng Yến đoạt Giải nhì tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPTPHCM lần 3. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của ThS Lâm Hoàng Yến là Nghiên cứu “Khảo sát mật độ mạch máu quanh gai thị trên bệnh nhân glôcôm góc mở nguyên phát sau phẫu thuật cắt bè củng mạc bằng OCT-A”; Nghiên cứu “ Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr”.
21. TS.BS. Nguyễn Phương Liên sinh năm 1974, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.
BS. Nguyễn Phương là Chủ nhiệm Đề tài Giải ba tập thể Giải thưởng Sáng tạo TPTPHCM lần 3. TS. BS. Nguyễn Phương Liên Chủ nhiệm đề tài NCKH: “Khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu trong bệnh bạch cầu cấp dòng lympho B ở trẻ em” (2019 – 2021). Đề tài đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM khen thưởng vv Đoạt Giải 3 - Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 3 – năm 2023 (theo QĐ 3528/QĐ-UBND ngày 22/08/2023).
- Nội dung của sáng kiến: Phát hiện sớm số lượng nhỏ tế bào ác tính còn sót lại sau hóa trị liệu, hoặc sau ghép tế bào gốc ở bệnh nhân trẻ con mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho B, một loại ung thư máu, bằng các kỹ thuật cao hiện có tại bệnh viện bao gồm: Kỹ thuật tế bào dòng chảy (flow cytometry), kỹ thuật RT.PCR, kỹ thuật giải trình tự gen (NGS) để giúp bác sĩ điều trị chọn lựa phác đồ điều trị tối ưu, đánh giá đáp ứng điều trị, tiên lượng bệnh chính xác, phát hiện tái phát sớm nhằm can thiệp kịp thời.
- Hiệu quả đạt được khi áp dụng sáng kiến: Từ 01/11/2021 đến 15/10/2022, đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài để xác định dấu ấn và đánh giá bệnh tồn lưu tối thiểu cho 285 bệnh nhi ở các bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh.Quyết định nghiệm thu: Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, số: 2021-1208 ngày 07/12/2021 của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức Lễ tôn vinh
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024