Bạo lực giới: Phái yếu tiếp cận dịch vụ hỗ trợ còn thấp
Đó là vấn đề được đánh giá trong cuộc Hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ dành cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet)” do Mạng lưới phòng, chống bạo lực giới Việt Nam tổ chức vào ngày 30/6 nhằm chia sẻ và đề xuất các mô hình dịch vụ phù hợp và có tính khả thi cao cho người bị bạo lực giới để áp dụng trong Đề án quốc gia về phòng, chống bạo lực giới giai đoạn 2016 – 2020.
Bạo lực giới – vấn đề nhức nhối
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng Giới (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý khá tiến bộ trong đó có Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và những chính sách liên quan nhằm khuyến khích bình đẳng giới và giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. "Tuy nhiên tình trạng bạo lực trên cơ sở giới hiện nay tại Việt Nam vẫn diễn ra hết sức phức tạp gây ra những hậu quả nghiêm trong không chỉ cho cá nhân mà cho cả đất nước"- ông Tiến nhấn mạnh.
Dẫn chứng số liệu nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam về bạo lực gia đình, ông Tiến thông tin có tới 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã từng kết hôn cho biết từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. "Nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo hành, 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức"- ông Tiến nêu khó khăn.
Mặc dù Việt Nam đã quy định tối thiểu được phép kết hôn là 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn xảy ra phổ biến ở đồng bào dân tội thiểu số. Trẻ em gái thường chịu tác động tiêu cực của nạn tảo hôn, như việc phải nghỉ học sớm nguy cơ tử vong bà mẹ, trẻ em sơ sinh. Kết quả nghiên cứu năm 2012 đối với phụ nữ cho thấy, tỷ lệ tảo hôn tại Việt Nam là 16%.
Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao bị buôn bán, lạm dụng và xâm hại tình dục ở các môi trường khác ngoài gia đình. Trong thời gian khoảng từ 2005-2009, gần 6.000 phụ nữ và trẻ em gái được xác nhận là nạn nhân của mua bán người tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an (năm 2013), trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến quý I năm 2013, có 550 vụ mua bán người được phát hiện với 1080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Trong 5 năm từ 2008 – 2012, có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc. Mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em đặc biệt là trẻ em gái ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc của Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục tại Việt Nam là nữ giới (78,25) và độ tuổi của các nạn nhân này (trong khoảng từ 18 -30 tuổi). Dữ liệu năm 2010 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện đang mất cân bằng đáng kể, ở mức 112 bé trai/100 bé gái được sinh tại thời điểm năm 2010,…
Tổ chức Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực giới
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho hay, trên phạm vi toàn quốc, hiện có mô hình phòng chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới của Bộ LĐ-TB&XH. Bên cạnh đó, còn có một số mô hình can thiệp do các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế thực hiện. Tuy nhiên, các can thiệp này mới chỉ ở cấp độ nhỏ và mang tính chất thử nghiệm. Số nạn nhân tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ còn thấp. Các chương trình phòng ngừa về bạo lực hầu như mới chỉ thu hút sự tham gia của nữ giới mà chưa huy động được nhiều sự tham gia của nam giới tham gia. Các chương trình can thiệp đã tập trung và ứng phó tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ và bảo vệ người chịu bạo hành. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều đầu tư vào các chương trình phòng, chống thực tế nhằm thay đổi hành vi (mà chỉ đơn thuần nâng cao nhận thức) hay lôi kéo nam giới và trẻ em trai tham gia.
Chuyên gia tư vấn độc lập Robbin Mauney (GBVNet ) cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực, bảo vệ nạn nhân; trừng phạt các hành vi bạo lực. Nhiều chiến lược, chương trình, chính sách can thiệp, mô hình được triển khai, nhưng vẫn còn tồn tại khoảng trống về cơ chế, chính sách, chương trình biện pháp can thiệp trong thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Thông tin tại Hội thảo, ông Tiến cho biết, hiện Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2015. Kết quả của việc triển khai xây dựng Đề án sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới; đồng thời giúp Việt Nam hoàn thành cam kết đối với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, CEDAW của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Theo đó, nội dung của đề án tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng đến phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm từ ngày 15/11 đến ngày 16/12 sẽ diễn ra tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nâng cao năng lực cho cán bộ và đội ngũ làm công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; thí điểm xây dựng đường dây nóng quốc gia; thí điểm mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Hội thảo đã tập trung góp ý xây dựng dự thảo Đề án phòng, chống báo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 nhằm đưa ra các mô hình dịch vụ dành cho người bị bạo lực giới phù hợp, có tính khả thi cao.
Theo DansinhO
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024