Trồng cây dược liệu tại Nam Định – Thành công từ mô hình liên kết 4 nhà

Thành công của mô hình trồng cây dược liệu tại Nam Định cho thấy ngoài sự chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, thì vấn đề quyết định là phải tạo chuỗi mắt xích bền chặt trong mối liên kết bốn nhà: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nhà nông.

 

Những hàng cây dây thìa canh xanh mát, bóng, khỏe tại vùng trồng cây dược liệu có diện tích 3 ha của xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang vào vụ thu hoạch. Tính trung bình người nông dân ở đây thu hoạch dây thìa canh khoảng 4 tạ/1sào/1năm, thu nhập bình quân gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa. Nhà ông Lâm Văn Xuân là một trong 19 hộ gia đình trong xã đã tham gia trồng cây dược liệu được 3 năm nay, sau khi người nông dân thu hoạch, doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm.

Ông Lâm Văn Xuân cho biết: “ Nói về năng suất thì trồng cây dược liệu đứng đầu trong các loại cây chúng tôi đã trồng trước kia như dưa hấu, dưa lê, dưa chuột (dưa leo). Trước kia mỗi sào dưa lê, dưa hấu chúng tôi chỉ thu được trên 10 triệu đồng/năm, nhưng bây giờ cây dược liệu cho thu được từ 15 triệu đồng/1sào/1năm”.

Nói về đầu ra của sản phẩm ông Lâm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hải Lộc cho biết: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng ngay ban đầu với Công ty Nam Dược, hàng năm chúng tôi nhập cho Cty Nam Dược khoảng 14 tấn. Chúng tôi mong muốn sản xuất thì phải có đầu ra,vì nếu không thì nông dân sẽ gặp khó khăn”.

Ngay sau khi thu hoạch, việc làm cỏ, hái quả cũng được người nông dân tiến hành. Những ngày đầu để bà con nắm được kỹ thuật chăm sóc và trồng cây dược liệu, cán bộ kỹ thuật của Cty CP Nam Dược đã hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho người nông dân; ngoài những kỹ thuật đơn giản như trải rơm để giữ độ ẩm cho cây, bón lượng phân hợp lý, tỉa cành,v.v…cán bộ kỹ thuật chuyển giao còn rất chú trọng trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất.

Ông Trần Nhật Lệnh, cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng trồng dược liệu Cty CP Nam Dược cho biết: “Chúng tôi ứng dụng tiêu chuẩn kỹ thuật GACP là tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới quy định trong sản xuất dược liệu để áp dụng vào vườn cây trồng dây thìa canh, theo đó, năng suất nó có thể lên gấp hai – ba lần so với cách làm quảng canh của người dân, và chất lượng khi được kiểm tra thì thấy: thứ nhất là hoàn toàn không có phân bón trong dược liệu; thứ hai là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu; thứ ba là những hoạt chất trong dược liệu sẽ cao hơn nhiều so với cách bà con làm theo phương pháp quảng canh”.

Cây dây thìa canh sau khi thu hoạch, băm, phơi khô và sẽ được người nông dân chuyển lên cho doanh nghiệp để tách chiết các hoạt chất. Tại đây việc ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nhà khoa học để nâng cao giá trị sản phẩm được Cty rất chú trọng.

Nói về mô hình trồng cây dược liệu ông Hoàng Minh Châu, TGĐ Cty CP Nam Dược cho biết: “Mỗi loại dược liệu có thể chứa đựng trong đó rất nhiều loại hoạt chất khác nhau và có những công nghệ chiết xuất khác nhau, vì thế chúng tôi đã hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu về dược liệu ở Việt Nam, các nhà khoa học về chiết xuất hàng đầu của Việt Nam để có sự nghiên cứu cụ thể trên từng bãi thuốc hoặc trên từng dược liệu nhằm đưa ra phương án, các công trình chiết xuất tối ưu nhất, chiết xuất bằng dung môi như thế nào, bằng dược liệu gì, phương pháp chiết xuất như thế nào để đạt hiệu xuất cao, vừa chiết xuất được hàm lượng hợp chất như ý muốn nhưng phải đảm bảo hiệu xuất và chi phí,…”.

Cũng theo ông Châu thì việc liên kết bốn nhà tại Việt Nam còn lỏng lẻo, nếu Nhà nước có cơ chế để thắt chặt bốn nhà thì cả bốn nhà đều có lợi. “Rõ ràng mô hình bốn nhà là chuỗi khép kín rất bền vững để phát triển dược liệu Việt Nam. Đầu tiên nhà doanh nghiệp là phải bám sát thị trường để biết thị trường cần gì thì chúng tôi chủ động  được nguồn dược liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào dược liệu nhập khẩu. Dược liệu đầu vào phải đạt tiêu chuẩn, đủ sản lượng và hàm lượng hợp chất tốt. Với người nông dân thì có được việc làm và họ có được thu nhập cao hơn so với trồng những cây nông nghiệp khác. Ví dụ như cây dây thìa canh chúng tôi đã trồng ở Hải Hậu thì thu nhập của người nông dân cao gấp năm đến bảy lần so với trồng lúa, và họ yên tâm khi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp. Đặc biệt với nhà khoa học họ rất vui vì công trình nghiên cứu, có khi là công trình cả đời của nhà khoa học được ứng dụng tạo ra sản phẩm và đưa ra thị trường. Và tất nhiên rồi, nhà quản lý thì rất hài lòng khi mà đưa ra được một mô hình thành công, rồi chuyển đổi được cây trồng và cơ cấu cây trồng cho bà con,…” ông Châu nhận xét.

Mô hình liên kết bốn nhà mà Nam Dược đang triển khai được Bộ Y tế đánh giá là hiệu quả, Bộ Y tế cũng có chính sách để  thắt chặt mối liên kết này.

PGS-TS-BS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng, Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết: “Để thúc đẩy việc liên kết giữa bốn nhà, trong thời gian vừa qua ngành Y tế đã chủ động trong vai trò tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao là phát triển dược liệu. Sau những bài học thất bại thì chúng ta đã rút kinh nghiệm và làm tốt, đã giải quyết được bài toán ngược, tức là từ sản phẩm có hiệu quả, chúng ta quay trở lại xem trong sản phẩm thuốc gồm những vị gì và những vị đó thì trồng ở vùng nào đạt được hiệu quả và có nồng độ hoạt chất đạt yêu cầu để cùng phối hợp với người nông dân triển khai trồng các loại cây dược liệu phù hợp, và từ sản phẩm trồng được thì phải đảm bảo đầu ra bền vững và đảm bảo cây trồng đạt hiệu quả”.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện nay trong bốn nhà thì nhà doanh nghiệp cần có một vị trí trung tâm để kết nối các mắt xích, vì mối liên kết hiệu quả cần có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.

                      Theo VTV.vn


Phần mềm giao nhận logistic