Nhà văn - Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước, quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ chị theo gia đình lên Thái Nguyên tham gia kháng chiến. Sau ngày giải phóng Thủ đô, chị về Hà Nội học phổ thông cấp 2 tại trường Trưng Vương, sau đó học Trung cấp Mỏ tại Quảng Ninh rồi theo học khóa báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Tốt nghiệp, chị về làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam từ 1961 đến 1968.
Tháng 4-1968, chị gửi lại con nhỏ mới 16 tháng tuổi cho thân mẫu nuôi dưỡng, lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn khu 5. Ngày 8-3-1969, trên đường công tác, chị hy sinh trong một trận càn của lính Nam Triều Tiên tại thôn Thi Thại, xã Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân đang tràn đầy sức viết và khát vọng sáng tạo. Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Các tác phẩm chính:
- Về làng (truyện ngắn đầu tay-1960);
- Chỗ đứng (tập truyện ngắn-1968);
- Hoa rừng (tập truyện ngắn, bút ký-1970);
- Hoa rừng (tập hợp truyện ngắn, bút ký, nhật ký, thư từ-1979).
BBT Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc để chúng ta có cảm nhận sâu hơn về chị.
Dương Thị Xuân Quý đến chiến trường vào đúng cái thời thật gay go, đen tối: sau Xuân Mậu Thân. Tôi chỉ gặp chị một lần, hôm họp anh em viết văn ở căn cứ Quảng Đà. Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút.
Chị vừa bị sốt rét rừng, gượng dậy mà đi. Thật tình hôm đấy tôi mong chờ chị đến. Đã nghe tên, quý mến, mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đây. Đôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh.
Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn trở được. Suốt buổi họp, Quý không nói một câu nào. Chị chỉ lắng nghe, đôi mắt thông minh quan sát, nhận xét, suy nghĩ. Chị tự cho mình là người mới đến chiến trường, chưa có kinh nghiệm gì, chưa từng trải, phải học hỏi nhiều. Tôi hỏi:
- Quý bớt sốt chưa?
- Đỡ, anh ạ.
- Cháu thế nào?
- Em chưa được tin.
Quý có một nỗi đau, mà tất cả chúng tôi kính trọng: Hai anh chị đi chiến trường, gửi đứa con duy nhất tại Hà Nội.
Dương Hương Ly có câu thơ:
“... Và em gọi đó là hạnh phúc!”
Chúng tôi đều hiểu: ở đây, chiến trường, cái gì chúng tôi khó một, thì Quý khó gấp mười. Giọt máu của chị, một nửa cuộc đời chị, người mẹ, bây giờ thăm thẳm cách xa, một dải Trường Sơn đằng đẵng.
Và chị bảo đó là hạnh phúc.
Lúc này, vì mới vào, vả lại còn yếu, Quý chưa được xuống đồng bằng. Chị vui vẻ lẳng lặng nhận nhiệm vụ “trông nhà” cho anh em đi hoạt động - nghĩa là giữ cơ quan.
Mà thế nào là “trông nhà” những ngày ấy, các bạn có hình dung được không? Lúc này bọn Mỹ càn phá hết sức ác liệt. B52 ngày nào cũng đánh bom vùng căn cứ. Bọn Lữ đoàn 101 Mỹ sục sạo khắp các vùng núi, hang cùng ngõ hẻm.
Để bảo tồn lực lượng, ngay trên núi, chúng tôi tránh ở tập trung, phân tán cơ quan thành từng bộ phận nhỏ, thường chỉ năm ba người, đóng rải rác ra mỗi bộ phận một cụm núi cách nhau có khi nửa ngày, một ngày đường, thường gần một con suối rất nhỏ, tốt hơn cả là suối nhỏ đến nỗi không có ghi trên bản đồ quân sự chi tiết nhất.
“Cơ quan” là một căn lều cất trong rừng, cách đó không xa là khu rẫy, nơi chúng tôi trỉa lúa trồng ngô, kiếm cái ăn, giải quyết cái nhiệm vụ mấy năm trước đồng chí Tư lệnh quân khu đã nói: “Phải tồn tại đã”.
Mỗi cơ quan có năm, ba người đi hoạt động đồng bằng, thường chỉ một người “trông nhà”; tôi đã sống những ngày như vậy, tôi biết, một mình thui thủi trong một khu rừng, một cụm núi, hàng tháng trời không thấy bóng, không nghe tiếng nói, bước chân con người, tự nấu lấy mà ăn, sốt rét nằm vùi một mình, tỉnh dậy cầm cái rựa, cái niết ra rẫy chặt cây, xới cỏ, đêm phải ngủ ngay chòi rẫy để đuổi khỉ rừng ra phá lúa, phá dưa (mà cái bọn khỉ mới láu lỉnh ghê gớm, biết mình chỉ có một người, nhất là con gái, chúng quay lại bắt nạt)...
Thế đấy, “giữ nhà”! Hàng tháng, hai tháng, ba tháng, Quý đã nhận cái công việc hậu cần ấy ngay từ buổi mới vào miền Nam. Cô gái Hà Nội, mấy tháng trước đây còn nhí nhảnh ở phố Hàng Bông! Tôi có nhận xét: Sức chịu đựng, khả năng thích ứng của phụ nữ bao giờ cũng lớn hơn bọn đàn ông chúng ta.
Thỉnh thoảng Quý lại ra đi một chuyến, kiếm cái ăn dự trữ cho anh em nay mai về họp hành, sơ kết, tổng kết, chị vào rừng hái trái xoay, sốt rét thế mà cũng một gùi oằn vai, đi ba ngày núi, xuống vùng bán sơn địa Tí, Sé đổi gạo cõng về. Gạo đổ vào kho, để dành. Còn mình thì ăn rau rừng...
Hôm gặp tôi, Quý đưa cho tôi một cái truyện ngắn:
- Anh đọc hộ, em mới viết xong.
Đó chính là truyện ngắn “Hoa rừng”. Quý viết trong những ngày “giữ nhà” một mình, chắc là vừa đuổi khỉ vừa viết.
Cho tôi nói điều này: Thật bất công nếu không gọi chị là một người Anh hùng!
Được đi đồng bằng chuyến đầu, chị lao xuống vùng sâu, rất sâu. Quả thật lần đó bàn chuyện chuyến đi của Quý, tôi rất ngại. Dẫu sao chị chưa quen chiến trường. Kinh nghiệm cho tôi biết những anh em mới vào chiến trường thường dễ hy sinh, và thường hy sinh ngay trên đường đi khi chưa kịp đến điểm công tác.
Trên đường đi, anh bị ba cái bất lợi lớn: Một là chưa hiểu quy luật hoạt động của thằng địch tại chỗ, hai là chưa thuộc địa hình, có bất trắc dễ chạy bậy, ba là cũng chưa quen dân, chưa hiểu nên nương tựa vào đâu lúc cần. Đáng lý ra Quý chưa nên đi sâu quá như vậy... Nhưng chẳng ai ngăn nổi Quý.
Chị đâm sâu xuống tận vùng biển Bình Triều, Bình Dương, rồi vượt qua vùng Hội An sông nước mênh mông, để ra vùng đông Duy Xuyên. Đây là địa bàn của bọn Nam Triều Tiên. Quý đến Xuyên Tân thì gặp càn. Chị ở hầm bí mật. Với Nam Triều Tiên, có một kinh nghiệm, chúng nó càn rất lì, rất dai. Chúng có thể nằm im, mai phục một chỗ, tuyệt không động tĩnh, một tuần, hai tuần. Quý nằm hầm hai ngày, một đêm. Đêm thứ hai, thấy yên tĩnh quá, chị ngoi lên. Một loạt đạn Nam Triều Tiên quật ngã chị.
Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp đồng chí của chị đều ở xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi:
- Con!...
Nguyên Ngọc (Nguồn: ANTĐO)
- TPHCM chúc mừng GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận "Giải Nobel Châu Á"
- Toàn cầu chỉ 5 phụ nữ đoạt giải toán học cao nhất trong 90 năm qua
- 3 nghiên cứu ứng dụng đoạt Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2023
- Nữ sinh 13 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi học tiến sĩ
- 5 điều làm nên giải Nobel Y Sinh của bà Katalin Karikó sau 40 năm nhiều cay đắng
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024