Mô hình làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp

Trong bối cảnh thanh niên nông thôn thường ra thành phố tìm việc thì có một chàng thanh niên có Bằng cử nhân đại học với mức thu nhập khá ổn định trên thành phố lại lội ngược dòng về quê lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đặc biệt hơn khi anh lại tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để làm nguồn năng lượng hữu ích cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Trước kia vỏ trấu là thứ phế phẩm nông nghiệp thường bị vứt hay đốt bỏ, nhưng giờ đây tất cả vỏ trấu đều được thu mua để tái sản xuất. Sau khi đưa vào dây chuyền sản xuất, vỏ trấu bình thường đã trở thành củi trấu, nguyên liệu được dùng trong sản xuất nông nghiệp.

Ở miền Nam mô hình sản xuất củi trấu có lẽ không hiếm, nhưng ở miền Bắc thì đây được xem là mô hình đầu tiên, và người mở xưởng sản xuất này là chàng thanh niên trẻ Lê Trường An ở Nam Định. Anh An cho biết: “Động lực trực tiếp là thấy trong miền Nam có một số cơ sở đã làm và họ rất thành công, bên cạnh đó mình có tìm hiểu một số nước châu Á, các nước phương tây là những nước phát triển nhưng họ tận dụng gần như là triệt để các nguồn phế phẩm nông nghiệp để sản xuất thành những sản phẩm có ích. Và từ đó mình quyết tâm làm bằng được”.

Củi trấu không chỉ dùng trong sản xuất công nghiệp, mà còn được người dân dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt kết hợp đun củi trấu với bếp sinh học Agrinet cũng do anh An nghiên cứu ra có thể giúp người dân tiết kiệm được 30% chi phí so với bếp đun củi truyền thống; tiết kiệm từ 40 -50% so với đun bếp than tổ ong, than bùn. Bà Trần Thị Thủy, xã Giao Long, huyện Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Trước đây nhà tôi cũng thường sử dụng than tổ ong, nhưng vì  than tổ ong độc hại nên gia đình mới chuyển sang dùng củi trấu và thấy rất tiện lợi, rất có ích, đun nấu rất nhanh. Nói chung là dân trong xóm hầu hết đều dùng bếp sinh học đun bằng củi trấu”.

Sau ba năm hoạt động, doanh thu từ bếp sinh học và củi trấu đã giúp anh An thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra xưởng sản xuất của anh cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động nông thôn.

Ông Đỗ Hoài Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Giao Long, huyện Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Đây là một mô hình chúng tôi cho rất là hữu ích vì ở quê chúng tôi sản phẩm phụ từ nông nghiệp như rơm, rạ, nhất là trấu thường bỏ không nhưng đến bây giờ trấu được đưa vào sản xuất để phục vụ lại chính cho đời sống của bà con, thì đây là mô hình tốt. Cơ sở của anh An tuy là bước đầu nhưng tôi đánh giá là rất có hiệu quả”.

Trong cuộc sống, người có hoài bão và chí hướng là điều đáng quý, 25 tuổi đời, có trong tay tài sản hàng tỷ đồng, và mặc dù còn nhiều vất vả phía trước, nhưng với chàng thanh niên trẻ này khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giúp đỡ bà con nông dân luôn là động lực lớn nhất khiến anh luôn không ngừng phấn đấu.

Theo VTV.vn

 


Phần mềm giao nhận logistic