Số phận long đong của phụ nữ và trẻ em gái tỵ nạn Syria

Một  khía cạnh khác của thỏa thuận hạt nhân Iran khiến người ta không thể không nhắc đến là tác động của nó đối với tình hình khu vực Trung Đông vốn đang lâm vào tình hình khủng hoảng nghiêm trọng do sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tại Syria với sự xuất hiện của IS như đổ thêm dầu vào cuộc nội chiến, khiến hàng triệu người dân nước này buộc phải rời bỏ nhà cửa đi tha hương. Người ta chạy trốn khỏi  bạo lực và giết chóc chỉ để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng không ngờ rằng rủi ro và cạm bẫy vẫn đang chờ đợi trước mắt.

Nesrin – 16 tuổi đang trốn chạy khỏi sự bạo hành của người chồng Thổ Nhĩ Kỳ. Người phụ nữ trẻ và đứa con nhỏ tìm được nơi trú ẩn trong ngôi nhà tạm với cha mẹ và anh chị em, họ đều là những người tỵ nạn từ Syria. Nếu không có sự hiện diện của Giáo sĩ  Adurrahim Celik, một người bạn của gia đình, Nesrim có lẽ đã không dám nói chuyện với người lạ về những gì đã xảy ra với em.

Nesrim cho biết: “Chồng tôi đã ném tôi và đứa bé ra đường, bố chồng tôi đánh tôi và đứa trẻ, thậm chí có lần ông ấy còn dí khẩu súng lục vào đầu tôi”.

Cha mẹ Nesrim đã gả em cho người Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy tiền, đây đang trở thành một xu hướng gia tăng khi mà ngày càng có nhiều người đan ông Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bỏ tiền để lấy vợ hai người Syria, hầu hết họ không muốn công khai người vợ này.

Giáo sĩ Hồi giáo Adurrahim Celik cho biết: “Hầu hết những người đàn ông không muốn tổ chức một lễ cưới bình thường mà chỉ là nghi lễ tôn giáo, điều đó giúp họ dễ dàng hơn khi bỏ vợ một lần nữa. Nhiều người nói rằng họ muốn một người vợ hai người Syria nhưng chỉ muốn bí mật. Tôi luôn luôn hỏi họ, có phải phụ nữ Syria không xứng đáng như phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ? Tại sao họ không có quyền như nhau?”.

Gaziantep – Thành phố có 1.5 triệu dân, chỉ cách biên giới Syria 100km. Thành phố này đã đón nhận hơn 250.000 người tỵ nạn từ cuộc chiến ở Syria, ba phần tư trong số họ là phụ nữ và trẻ em, hầu hết là những phụ nữ góa chồng; chồng của họ đã chết trong cuộc nội chiến. Trong cơn tuyệt vọng, họ tự biến mình thành những con mồi.

Một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người phụ nữ này có thể mua được giá rẻ để làm vợ, hoặc làm vợ hai vì một số người không thể lấy vợ theo cách bình thường, họ quá ốm yếu hoặc quá già”.

Những cuộc hôn nhân như vậy có thể diễn ra với giá chỉ 1500 EURO. Tuy nhiên đối với nhiều người tỵ nạn đó là một khoản tiền lớn và họ sẵn sàng để con em mình đi lấy chồng dù không có bất kỳ sự tìm hiểu nào, hậu quả là những trường hợp như cô gái Nesrim không còn là hiếm.

Một phụ nữ Syria cho biết: “Tôi sẽ không gả con gái của mình, họ chỉ lợi dụng con gái của mình hai hoặc ba tháng, sau đó họ sẽ trả về”.

Đa thê là bất hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiều đàn ông nước này không quan tâm tới điều đó.

Buôn bán phụ nữ là nghề đang nở rộ dọc theo biên giới Syria. Ngay bên ngoài trại tỵ nạn, những kẻ môi giới hôn nhân đã treo những bức ảnh  phụ nữ và bé gái, họ sẽ được một khoản hoa hồng nếu giao dịch thành công. Những người bán hàng trước các trại tỵ nạn xác nhận rằng buôn bán phụ nữ là chuyện thường ở đây.

Một người đàn ông bán hàng rong cho biết: “Những người đàn ông quan tâm đến đây thường xuyên và hỏi xung quanh, sau đó những người trong trại giúp họ tìm một cô gái hay một phụ nữ”.

Ước tính không chính thức cho thấy, có hàng ngàn phụ nữ Syria đã bị bán làm vợ, rất ít người lên tiếng về vấn đề này. Giáo sĩ Hồi giáo Celik luôn trách đồng nghiệp của mình, ông nói rằng khi họ cho tiến hành những cuộc hôn nhân không rõ ràng đó, họ trở thành những kẻ đồng lõa.

Giáo sĩ Celik cũng cho biết thêm: “Lễ cưới thực hiện theo nghi lễ Hồi giáo sẽ không hợp pháp nếu không có nghi lễ dân sự, không giáo sỹ Hồi giáo nào có quyền ban phước cho một cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vài tháng”.

Sau khi trốn chạy khỏi bạo lực ở quê hương, giờ đây những người phụ nữ tỵ nạn phải đối mặt với nạn bạo hành và phân biệt đối xử nơi đất khách. Nesrim nói rằng em cảm thấy mình bị coi như hạng người thấp kém, em cho biết: “ Một vài ngày trước chồng tôi gọi và nói anh ấy sẽ lấy một người phụ nữ làm vợ đàng hoàng, một người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mẹ của Nesrim cho biết: “Đàn ông không ngừng theo đuổi tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bất kỳ đứa con nào lần nữa”. Nhưng Nesrim không dám chắc về điều đó, em muốn tự mình trông coi đứa em gái của mình vì một số người đã đưa ra cái giá để lấy cô gái 13 tuổi về làm vợ.

                             Em gái 13 tuổi của Nesrim

Những cuộc hôn nhân được sắp đặt và nhuốm màu trao đổi như trên không hề xa lạ gì tại nhiều nơi trên thế giới, và kết cục của chúng thường ít khi có màu hồng. Những người thiệt thòi nhất lại chính là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đó là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Theo VTV.vn

 


Phần mềm giao nhận logistic