Chúng ta đang tự mãn về bình đẳng giới
TTO - Trong cuốn sách mới xuất bản của mình Tư duy và chia sẻ (NXB Trẻ, tháng 2-2015), bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nhắc tới những “định kiến ngọt ngào”, những “bức trần vô hình” như rào cản kìm hãm sự phát triển của phụ nữ. Là người theo đuổi việc thúc đẩy nữ quyền từ lâu, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng VN vẫn còn những bước dài phải đi trong lĩnh vực này.
Bà là người luôn lên tiếng mạnh mẽ về bình đẳng giới. Đâu là những quan ngại của bà về lĩnh vực này hiện nay?
Chuyện này tôi từng nói nhiều lắm nhưng có cơ hội thì tôi vẫn lên tiếng. Tại sao? Vì qua thời gian và trải nghiệm, tôi đi đến kết luận là chúng ta đang tự mãn về bình đẳng giới. Thời gian làm ở Quốc hội khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện sự tự mãn đó: nhiều người cho rằng bình đẳng giới ở VN có còn gì để làm nữa đâu, cơ bản là ổn rồi, các loại luật có hết rồi. Nhưng cũng như các luật khác, các luật bình đẳng giới, các văn bản pháp quy về bình đẳng giới chưa được thực hiện tới nơi tới chốn.
Nhìn xuống thì dễ lắm, rất nhiều nước thua mình, đặc biệt các nước bị gọng kìm của tôn giáo kìm hãm phụ nữ. Nhưng khi nhìn lên thì thấy ta mới chỉ trên trung bình, chưa đến cái đích mà đúng ra ta phải đạt được. Giống như khi nói về thành quả kinh tế, nhìn lui thì thấy mình đi con đường rất dài nhưng nhìn tới thì thấy mình đi còn chậm quá. VN có những nền tảng mà lẽ ra ngày nay khiến ta phải đứng cao hơn trong xếp hạng về bình đẳng giới.
Đâu là nguyên nhân của sự tự mãn này, thưa bà?
Tôi phát hiện rằng có sự bảo thủ. Bảo thủ có khi không nói hẳn thành lời nhưng thể hiện rất rõ ràng của không ít nam giới, đặc biệt trong giới viên chức quan chức và đáng buồn hơn nữa, ngay trong chính chị em. Tôi có viết trong lời giới thiệu cuốn sách Lean In (Dấn thân) của Sheryl Sandberg (CEO của Facebook) là có những định kiến ngọt ngào với phụ nữ và có những phụ nữ vui vẻ làm tù binh của những định kiến đó. Ta chưa vươn tới việc phá những định kiến ngọt ngào đó.
Ví dụ, hiện tôi nghe Tổng liên đoàn Lao động đang định thúc đẩy phong trào phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phong trào này đã có giá trị lịch sử nhất định, nhưng bây giờ cả đất nước, xã hội, phụ nữ và đàn ông đã khác rồi. Đây là một xã hội mà nam cũng như nữ đều phải giỏi việc nước, đảm việc nhà, tại sao không có khẩu hiệu nào kêu gọi đàn ông mà chỉ hướng vào kêu gọi chị em? Phụ nữ lúc xưa có thể số đông ở nhà làm nội trợ, nhưng giờ đa số đã làm việc như nam giới. Kêu họ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nghĩa là kêu họ giỏi hơn nam giới. Đây là một khẩu hiệu cần được bổ sung và hiện đại hóa.
Dường như những phụ nữ thành công một chút thì hay bị “phê” là cứng rắn hoặc mạnh mẽ quá, hoặc một số đánh giá là họ đàn ông quá?
Đó chính là định kiến. Tôi nghĩ đàn ông và phụ nữ khác nhau về phong cách. Tôi không kêu gọi phụ nữ phải từ bỏ phong cách của mình. Phần tính cách nào không hạn chế, cản trở, kìm hãm sự vươn lên của phụ nữ thì cứ nên phát huy. Tôi tin rằng số phụ nữ cố tình thể hiện các hành vi như đàn ông chắc không nhiều. Điều quan trọng nhất vẫn hãy là chính mình, nghĩa là người có bản lĩnh, có phong thái, những quá trình, những đặc thù con người riêng.
Tôi cho rằng xã hội và truyền thông nên tránh việc củng cố các định kiến cũ. Ví dụ, trong các bộ phim vẫn thấy chủ yếu toàn thông điệp nhắn nhủ chị em nhiều hơn là các anh, thông điệp nhắn nhủ các anh thì chủ yếu nhắn nhủ chuyện... không ngoại tình. Một người đàn ông không ngoại tình vẫn có những việc có thể khiến vợ buồn hoặc khó chịu, từ việc không chia sẻ việc nhà đến thái độ ứng xử với vợ. Hầu hết những người vợ ngày nay cũng ăn học như chồng, cũng mang tiền về nhà như chồng, nên thể hiện sự tôn trọng, quan tâm phải là hai chiều.
Khi làm trong Quốc hội, bà đã nhiều lần lên tiếng về chuyện bình đẳng tuổi hưu nhưng đến giờ vấn đề vẫn còn nguyên. Có vẻ chuyện này không có tiến triển gì trong suốt 15-20 năm qua?
Theo tôi biết thì Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ đều đã đưa lại vấn đề này. Ở quỹ bảo hiểm xã hội, phó tổng giám đốc là nữ cũng ủng hộ, nhưng cuối cùng theo tôi được biết là đề án này bị chặn lại, không lấy lý do là chị em chỉ nên làm đến 55 tuổi hay là không cần sự đóng góp của chị em sau 55 tuổi mà vấn đề bị lái qua khía cạnh ngân sách chịu không nổi về lương bổng. Nhưng phân tích từ phía quỹ bảo hiểm xã hội cho biết điều này hoàn toàn khả thi về mặt ngân sách. Đơn giản vì phụ nữ làm thêm thì chính họ cũng đóng góp thêm cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Khi tôi còn ở Quốc hội, có những ý kiến lập luận rằng phải tạo đầu vào cho thanh niên, hàm ý chị em cứ đòi ở lại là chặn lối việc làm của thanh niên. Tôi từng nêu ý kiến về việc này, đề nghị giải pháp rất dễ dàng là cả nam và nữ cùng nghỉ ở tuổi 58, đàn ông làm bớt hai năm và phụ nữ làm thêm ba năm, việc bù qua bù lại về mặt ngân sách không ảnh hưởng nhiều. Còn về tạo đầu vào thì trách nhiệm này là của cả nam giới lẫn phụ nữ. Tiếc là có những vị ở vị trí then chốt quyết định vấn đề này trong bộ máy nhà nước có vẻ vẫn chưa thông vấn đề. Họ ủng hộ chuyện giữ nguyên hiện trạng.
Có lúc tôi nghe đề xuất sẽ rút ngắn khoảng cách còn hai năm: phụ nữ 60 nhưng mà đàn ông tăng lên là 62 tuổi. Đây là điển hình của tư duy gia trưởng. Nếu thật sự quan tâm đến phụ nữ, phải tạo điều kiện để những phụ nữ nào muốn nghỉ trước từ 55-60 tuổi tự do lựa chọn thời điểm nghỉ. Ai không đăng ký nghỉ thì tiếp tục làm đến 60 tuổi. Các nước trên thế giới và trong khu vực đã bỏ chênh lệch tuổi hưu, tại sao mình đứng vào thiểu số? Không có bất cứ cơ sở nào cho những liệu pháp kiểu “nửa chừng xuân” như thế, ngoại trừ tâm lý duy trì cái thế đề cao nam giới.
"Tại sao phụ nữ không phải là người đứng đầu? Ta thấy nhiều phụ nữ ở các vị trí chính quyền mang tính chất điều hành kinh tế thì chỉ làm vị trí số hai mà thôi. Phải nói là tỉ lệ phụ nữ làm bộ trưởng và cấp bộ trưởng của VN thuộc loại tốp cuối của thế giới. Tôi thấy cái đó không xứng đáng với một đất nước tiên phong về nhiều mặt xã hội như VN. Đó là sự tụt hậu, kìm hãm chị em." |
Ngoài chuyện vai trò trong gia đình, chuyện tuổi nghỉ hưu thì vấn đề đảm bảo bình đẳng giới ở VN còn những gì khiến bà không hài lòng?
- Trong chuyện bất bình đẳng còn có chuyện đề bạt trong bộ máy nhà nước. Đề bạt trong bộ máy cứ “nhốt” chị em vào trong vài ba lĩnh vực gọi là “truyền thống” của phụ nữ, ví dụ không cần đoán cũng sẽ biết bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ tiếp tục là một phụ nữ. Theo cái nghĩa đúng đắn về chính trị thì không lẽ Chính phủ mình không có người nữ nào, nhưng phụ nữ sẽ lãnh đạo công việc gì hay sẽ luôn là Bộ Lao động - thương binh xã hội, gần đây là Bộ Y tế?
Trong lúc đó tôi thấy phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước là nữ, thứ trưởng Bộ Tài chính là nữ, phó tổng giám đốc Quỹ Bảo hiểm xã hội nhà nước là nữ, thứ trưởng Bộ Công thương là nữ. Tại sao không phải là người đứng đầu? Ta thấy nhiều phụ nữ ở các vị trí chính quyền mang tính chất điều hành kinh tế thì chỉ làm vị trí số hai mà thôi. Phải nói là tỉ lệ phụ nữ làm bộ trưởng và cấp bộ trưởng của VN thuộc loại tốp cuối của thế giới. Tôi thấy cái đó không xứng đáng với một đất nước tiên phong về nhiều mặt xã hội như VN. Đó là sự tụt hậu, kìm hãm chị em.
Tôi quan sát một số phụ nữ từng làm thứ trưởng thì tôi tin họ có thể làm bộ trưởng không thua gì các anh. Cái cần là phải bớt thành kiến về năng lực của chị em. Phụ nữ đã lèo lái được những tập đoàn lớn như Vinamilk, REE thì không lý gì không thể làm được bộ trưởng. Tôi mong sẽ sớm có ngày có bộ trưởng tài chính là nữ, bộ trưởng khoa học - công nghệ là nữ hay bộ trưởng tài nguyên - môi trường là nữ, thậm chí Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - đầu tư... Tại sao không? Điều chưa thật sự bình đẳng ở chỗ VN vẫn nằm trong cái tốp quá thấp về mặt tham chính của phụ nữ.
Tôi mới phỏng vấn bà đặc sứ khoa học Mỹ, bà ấy ấn tượng vì ở VN có nhiều nhà khoa học nữ. Theo bà đặc sứ thì có vẻ như môi trường ta, sự tham gia của phụ nữ là tốt hơn so với Mỹ?
Phụ nữ VN nói chung có nền tảng tham gia rộng và vững chãi. Nhưng cái yếu vẫn là nhóm ở trên đỉnh cao quá ít, như một người chân to, thân to mà cái đầu thì quá bé. Nếu quan sát ở tầng thứ ba trở xuống thì quốc tế sẽ thấy VN có nhiều phụ nữ tham chính, nhưng tỉ lệ này giảm rõ rệt ở tầng thứ hai và lên tầng trên cùng thì gần như không có. Ngay trong Đảng cũng thế, tỉ lệ nữ ở trung ương ít lắm so với tỉ lệ đảng viên.
Lỗi đó là của đàn ông hay phụ nữ?
Trong xã hội ta thì chủ yếu là do đàn ông và một phần do đàn bà. Vì những người ngồi ở vị trí chủ chốt trong bộ máy quyền lực để tạo thay đổi đều là đàn ông.
Trong doanh nghiệp có nhiều chị em thành công vì không gian đó mở hơn, phụ nữ ở đó có thể thể hiện nhiều hơn, có thể vươn lên mà ít bị cản trở hơn. Trong bộ máy nhà nước hành chính, nhà nước chính trị nhiều lực cản hơn. Nhưng công bằng mà nói, về phía phụ nữ, đôi khi vẫn còn thụ động, an phận hoặc ngần ngại, hoặc không biết cách, thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, chuyện bồi dưỡng, hướng dẫn cho chị em cũng rất quan trọng.
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024