Những mẩu chuyện về nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đối với công tác phụ nữ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An – giàu truyền thống cách mạng, cô bé Nguyễn Thị Vịnh, (tức Nguyễn Thị Minh Khai ) tham gia cách mạng khi mới ở tuổi trăng tròn; Nguyễn Thị Minh Khai là người con gái cách mạng đầu tiên sang nước Nga – Xô viết và trở thành học viên của Trường Đại học Phương Đông; chị là đại biểu trẻ nhất tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần VII (1935); và là đại biểu thanh niên Việt Nam đầu tiên dự Đại hội Quốc tế thanh niên lần thứ VI,…Cuộc đời chị là tấm gương sáng ngời của tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do của đất nước, đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.
Năm 1936, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đông Phương – nước Nga và dự Đại hội Quốc tế thanh niên lần thứ VI, chị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị trở về tổ quốc hoạt động. (trước đó là đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập).
(1910 – 1941)
Hành trình trở về Tổ quốc, chứng kiến bao cảnh đau lòng khi những người dân nghèo, trẻ em vô tội bị làm mồi cho cá mập hoặc chết chìm dưới biển bằng những trò tiêu khiển, mua vui của đám nhà giàu, chị rút ra kết luận: “Quạ ở đâu cũng đen”; chứng kiến cuộc đấu tranh chống nguy cơ phát xít, đòi bánh mì, áo mặc, tự do của công nhân – nhân dân lao động nghèo khổ tại Pari,…càng thôi thúc trái tim nhiệt huyết của chị muốn mau chóng được làm việc, được cống hiến cho cách mạng. Trên đường trở về, chị luôn ghi nhớ lời dặn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trước khi lên đường là không được chép tay tài liệu, mà phải học thuộc lòng nên ngày nào chị cũng ôn lại và khắc ghi trong đầu ba quan điểm của bản Chỉ thị mà chị có trách nhiệm truyền đạt lại khi về đến tổ quốc. Nội dung ba quan điểm của Chỉ thị như sau:
1- Tình hình thế giới đang có nhiều thuận lợi. Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền. Ban Trung ương của Đảng ta cần dời ngay về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ để lại một bộ phận rất nhỏ để liên lạc với quốc tế.
2- Nhóm Trotskyste đã ra mặt phản động. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyệt đối không được thỏa hiệp với chúng về mọi mặt.
3- Nguy cơ phát xít, nguy cơ chiến tranh đang đe dọa đời sống nhân loại, cần lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít, chống chiến tranh.
Những Chỉ thị và ý kiến chỉ đạo quý báu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là kim chỉ nam định hướng cho chị trong suốt thời gian hoạt động ở Nam Kỳ với trọng trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn những năm 1936 – 1940.
Trong vai trò Bí thư Thành ủy, chị Minh Khai có nhiều công lao trong việc lãnh đạo phong trào công nhân ở Sài Gòn, phong trào nông dân ở lục tỉnh và đất tranh rất tích cực chống nhóm Trotskyte trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, xây dựng, phát triển phong trào phụ nữ, đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ, xây dựng hạt nhân nòng cốt, phát triển đảng viên, trực tiếp biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp cho nhiều đối tượng,... Đặc biệt, chị là tấm gương của tinh thần hòa mình, sâu sát quần chúng, cơ sở, luôn tin tưởng và biết khích lệ, hướng dẫn quần chúng, cán bộ nữ hăng hái nhận nhiệm vụ cách mạng giao phó.
Phụ nữ phải tham gia viết báo
Trong một cuộc hội nghị cán bộ phụ nữ Giải phóng (tháng 10/1936), tổ chức ở nhà chị Tư Giả, xã Bà Điểm, Hốc Môn, Tp. Hồ Chí Minh (lẽ ra là cuộc họp toàn kỳ nhưng vì số đại biểu không đủ hai phần ba nên chuyển thành lớp huấn luyện chính trị) nhiều cán bộ nữ từ các tỉnh về họp rất háo hức, chờ đợi sự xuất hiện của chị Năm Bắc (Nguyễn Thị Minh Khai) vừa đi xuất dương về. Chị Hai Hưởng vừa vào đến lớp học thì đưa mắt nhìn và tưởng chị Mười Thập là chị Năm Bắc nên buột miệng hỏi có phải là chị Năm Bắc không? Chị Mười Thập là đại biểu từ Mỹ Tho về họp cũng đang muốn tìm xem ai là Năm Bắc? Nhưng cả hai đều không ngờ chị Năm Bắc đã có mặt rất sớm, đang hiện diện trong lớp học với bộ đồ bà ba, khăn rằn vắt vai, ngồi trò chuyện với từng cán bộ nữ rất thân mật gần gũi nên không ai nhận thấy khoảng cách và sự khác biệt của một cán bộ cấp cao. Chị em càng cảm phục hơn khi chị Năm Bắc cầm tờ báo tiếng Anh dịch tin tức thời sự để thông tin cho chị em. Chị Năm Bắc đã biến lớp tập huấn trở nên gần gũi với mọi người, ai cũng tham gia phát biểu như cuộc trò chuyện giữa những người thân lâu ngày mới gặp nhau, ngày nào lớp học cũng kết thúc rất khuya.
Trong mười buổi tối làm việc của lớp huấn luyện, các đại biểu sôi nổi thảo luận những vấn đề như giai cấp là gì? Vô sản chuyên chính là gì? Và sôi nổi nhất vẫn là bàn đến nhưng nội dung công tác vận động phụ nữ và công tác sắp tới. Chị Minh Khai quan sát chị Hai Hưởng thấy có dáng dấp như một học sinh mới ra trường nên hỏi chị Hai Hưởng có biết viết báo không? Chị Hai Hưởng nghe hai chữ viết báo thì bèn nói: “Bảo tôi làm việc gì mà nhảy vào lửa tôi cũng làm được, nhưng viết báo thì chịu thua, tôi ngồi hàng tháng nặn óc cũng không ra”. Chị Minh Khai quay sang phân tích rõ chủ trương của Đảng là đấu tranh công khai trên báo nhằm chống lại những luận điểm của nhóm Trotskyte và nhóm cải lương. Vì vậy phụ nữ sẽ tham gia viết báo cho tờ báo của Đảng để góp tiếng nói mạnh mẽ trên diễn đàn ngôn luận.
Lớp huấn luyện qua mau, mọi người trở về mang theo hình ảnh người đồng chí lãnh đạo thân thương, nhưng hơn hết là những bài giảng sâu sắc, dễ hiểu của chị Minh Khai về đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, giải phóng phụ nữ,… nó không chỉ có giá trị nâng cao nhận thức chính trị, mà còn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các cán bộ nữ xóa dần tự ti, mặc cảm, dám đương đầu, thử thách với những công việc khó khăn, kể cả những việc khó hơn “nhảy vào lửa” là viết báo.
Đào tạo cán bộ ngay trong phong trào công nhân
Vào những năm 1936-1939, Phong trào đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương lên mạnh. Chi bộ Đảng Hãng thuốc lá Cotap (đa phần là công nhân nữ) đã tổ chức cuộc đấu tranh bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm với gần năm trăm công nhân. Cuộc đấu tranh căng thẳng vì chủ hãng không nhượng bộ, chúng phóng xe hơi chạy khắp Sài Gòn – Chợ Lớn để tuyển thợ mới. Khi thợ mới đến, công nhân nhà máy tập hợp ngoài xưởng cương quyết không cho vào và đòi thực hiện yêu sách. Cuộc đấu tranh giằng co sang tới ngày thứ ba vẫn chưa có hồi kết (công nhân chỉ ăn cháo cầm hơi nhưng vẫn giữ vững tinh thần đấu tranh), Chi bộ Đảng đã họp hai đêm liền để bàn cách tiếp tục đấu tranh. Tập thể Chi bộ gồm năm người, Bí thư là cô Liên, mười chín tuổi được mời đến gặp đồng chí “thượng cấp”. Cô Liên rất đỗi kinh ngạc khi nhìn thấy đồng chí bí thư Thành ủy chỉ hơn mình chừng dăm, bảy tuổi, người nhỏ nhắn, mắt sáng, tinh nhanh và trang phục như người làm công cho hiệu buôn Hoa Kiều. Liên báo cáo tình hình với đồng chí Bí thư Thành ủy về việc vận động tiền ủng hộ công nhân trong lúc bãi công thì không khó, nhưng khó nhất là thiếu người đi tuyên truyền giải thích cho số thợ mới, vì vậy đề nghị tăng cường thêm cán bộ tuyên truyền ở trên Thành về giúp phong trào đấu tranh của công nhân. Nghe vậy chị Minh Khai hỏi và chỉ các ủy viên trong Chi bộ: “Sao không đào tạo những người này? Chính họ sẽ là những người tuyên truyền giỏi mà đồng chí đang cần đó”. Câu hỏi bất ngờ làm cho cô Liên lặng im suy nghĩ; chị Minh Khai phân tích để cô Bí thư trẻ tin vào khả năng của nữ công nhân. Chị nói hầu hết các nữ công nhân đều làm việc từ lúc mười bốn, mười lăm tuổi, có người còn sớm hơn, nữ công nhân bị bóc lột, đánh đập, hà hiếp nặng nề nên rất căm uất chủ xưởng. Những nỗi bất bình đó, nếu ta biết khéo léo hỏi han, chia sẻ cùng chị em, tin tưởng chị em thì sẽ có nhiều hạt nhân nòng cốt đến với Chi bộ, để Chi bộ đào tạo thành những người cán bộ tuyên truyền giỏi. Cả buổi gặp hôm ấy, chị Minh Khai nói chuyện rất nhiều với cô Bí thư Chi bộ trẻ về sự cần thiết và cách đào tạo cán bộ từ chính trong phong trào công nhân.
Viết báo chống lại thuyết “Phụ nữ hồi gia”
Một ngày tháng 9/1938, các đại biểu nữ về dự lớp huấn luyện chính trị ở gần Sài Gòn, hôm đó chị Minh Khai cũng tham dự. Thấy có mấy tờ báo mới, mọi người xúm quanh đọc và sôi nổi thảo luận. Có được nền nếp như vậy là nhờ chị Minh Khai nhắc nhở: “Chị em mình lúc rảnh nên lo đọc báo để hiểu thêm điều nọ, điều kia”. Hôm đó, trên tờ báo Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương phát hành số 17-18 tháng 9/1938 (phát hành ở Sài Gòn), đăng liên tiếp hai bài của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh tranh luận với bài báo của nữ sĩ Tuyết Dung đăng trên tờ tuần báo Đọc (phát hành ở Hà Nội) nội dung bài báo là ra sức thuyết phục phụ nữ quay về lo toan chuyện nội trợ, chăm sóc con cái chứ không nên tham gia vào việc vận động phụ nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ,…
Để tranh luận lại những lý lẽ của Tuyết Dung, tác giả Kim Anh đã trình bày quan điểm về giải phóng phụ nữ, nhiệm vụ của phụ nữ trong thời đại hiện nay là gì?...Tác giả viết: “Nếu mỗi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực mà bỏ công việc xã hội thì công việc giải phóng phụ nữ không biết đến đời nào sẽ thực hiện được?
Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mọi người.
Cuộc vận động phụ nữ đã phát triển khắp thế giới và đã đưa tới cho phụ nữ Liên bang Xô viết những thành tích vẻ vang”.
Ở phần kết, tác giả Kim Anh trình bày rõ ràng quan điểm của mình về đấu tranh chống lại Thuyết “Phụ nữ hồi gia” của phát xít Hitler. Tác giả cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của những điều kết luận đầy cám dỗ của Tuyết Dung, xem đấy là sự lừa gạt khéo léo, là ru ngủ phụ nữ yên phận làm nô lệ cho chồng con trong gia đình. Đồng thời tác giả cũng kêu gọi chị em đấu tranh chống lại những hủ tục của đạo đức phong kiến, chống lại lý luận của phát xít Hitler, tích cực tham gia công việc xã hội, quản lý việc quốc gia. Tác giả đã trích dẫn câu nói của Lê Nin: “Mỗi một người đàn bà nấu ăn phải tham gia quản lý nhà nước. Giải phóng đàn bà ra khỏi bếp núc để kiến thiết xã hội”. Tác giả Kim Anh viết: “Một dân tộc mà bọn tu mi còn nằm khoanh trong xó bếp, chưa biết quan tâm tới tiền đồ quốc gia xã hội, phụ nữ đang bị giam hãm nơi gia đình xó bếp, mà nữ sĩ Tuyết Dung lại xướng to lên cái thuyết “Phụ nữ hồi gia”, đó thật là trái ngược với trào lưu thế giới và trình độ tiến hóa của dân tộc. Nên chi, tôi và chị em Sài Thành phải tuyên chiến với nữ sĩ Tuyết Dung, tức là tuyên chiến với học thuyết phản động của phong kiến, của tư bổn, của phát xít vậy. Muốn xem rõ vấn đề phụ nữ và câu trả lời cho nữ sĩ Tuyết Dung một cách đầy đủ, các bạn đọc hãy tìm quyển “Vấn đề phụ nữ” do “Tân Dân thư xã” xuất bản”.
Các cán bộ nữ trong cuộc họp hôm đó bàn tán rất nhiều về tác giả Kim Anh là ai mà có nhiều lý luận để đối chọi chống lại thuyết “Phụ nữ hồi gia” phản động của phát xít Hitler? Họ không thể ngờ rằng đồng chí Bí thư Thành ủy bận trăm công ngàn việc lại quan tâm viết báo, đấu tranh giải phóng phụ nữ.
Sau hai bài báo trên chị Minh Khai còn có nhiều bài báo khác về vấn đề phụ nữ đăng trên tờ Dân chúng, trong đó phải kể đến bài “Vấn đề giải phóng phụ nữ” đã gây tiếng vang trong dư luận bạn đọc không chỉ ở Nam Kỳ mà cả Bắc Kỳ. Trong lúc có những phong trào vận động “Nữ quyền” theo quan điểm cải lương tư sản và tiểu tư sản thì bài báo của chị Minh Khai đã vạch ra phương hướng rõ ràng cho cuộc vận động giải phóng phụ nữ theo quan điểm của giai cấp vô sản.
Khánh Tâm tổng hợp
- TPHCM chúc mừng GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận "Giải Nobel Châu Á"
- Toàn cầu chỉ 5 phụ nữ đoạt giải toán học cao nhất trong 90 năm qua
- 3 nghiên cứu ứng dụng đoạt Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2023
- Nữ sinh 13 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi học tiến sĩ
- 5 điều làm nên giải Nobel Y Sinh của bà Katalin Karikó sau 40 năm nhiều cay đắng
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024