Bạc bẽo phận đời những người “vợ nước” Ấn Độ

Tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt khiến nhiều đàn ông ở miền tây Ấn Độ lấy thêm những bà vợ để có người lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Họ là những phụ nữ góa hoặc bị chồng bỏ và được gọi với cái tên thật tội nghiệp: "paaniwaali bais" hay "vợ nước".

Nhìn những cơn mưa nặng hạt, cô Mallika Kapur, phóng viên của kênh truyền hình CNN khó có thể tin được việc thiếu nước đang là một vấn đề tại ngôi làng Denganmal hẻo lánh, chỉ cách Mumbai 150 km.

Ông Sakharam Bhagat, một cư dân của làng và là chồng của ba bà vợ cho biết: “Chúng tôi phải đi bộ rất xa để lấy nước sinh hoạt, khi 6 đứa con của tôi còn nhỏ, ai dám để chúng một mình chứ”.

Đó là câu chuyện của vài năm về trước, và từ cái khó ông đi tới một giải pháp: Vợ của ông là bà Tuki được coi là không đảm đang, do đó ông cưới thêm vợ thứ hai, và thứ ba. Tất cả đều chung một mái nhà.

Ông Sakharam Bhagat cho biết lý do phải lấy người vợ thứ ba: "Tôi cần ai đó để lấy nước cho cả nhà. Tôi kết hôn chỉ vì mục đích đó. Vợ cả của tôi quá bận rộn với con cái trong khi người vợ hai luôn ốm yếu buộc tôi phải lấy thêm người thứ ba".

Bà Tuki, người vợ cả cũng thừa nhận: “Ông ta cưới họ chỉ vì nước” và đây cũng là lý do bà chấp nhận hai bà vợ thứ, bởi đàn ông chỉ có con với vợ cả, còn các bà vợ thứ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp nước cho gia đình. Tại Ấn Độ, chế độ đa thê là bất hợp pháp, nhưng hiện tượng này lại đang phổ biến ở làng Denganmal, vì phụ nữ không khan hiếm bằng nước ở vùng hẻo lánh này.

Phóng viên Mallika Kapur chỉ vào cái “chuồng” này và cho biết: “Tôi vừa được biết đây là phòng tắm của họ, để trả lời cho thắc mắc của tôi thì họ bảo là không có nước thì lấy đâu ra vòi nước chứ”.

Hình ảnh những người phụ nữ đội thùng nước dưới cái nắng 40 độ C đã trở nên quen thuộc, mỗi ngày là một hành trình gian nan đi tìm nước. Nếu ban ngày nóng quá họ sẽ đi vào ban đêm. Người dân địa phương nói rằng, những người "vợ nước" hay bị hói, choáng váng và không thể có con.

PV. Mallika Kapur cho biết thêm: “Do trời mưa nên họ có thể tìm lấy nước ở chiếc giếng này, nó chỉ cách xa làng khoảng 10 km. Vào những ngày khô hạn họ phải đi bộ tới một con sông, cả đi lẫn về có thể mất đến 12 tiếng đồng hồ”.

Vất vả có lẽ không đủ để miêu tả cảm giác mà những người phụ nữ này đang trải qua, trên đầu họ không chỉ là hàng chục lít nước mà còn phải gánh sự định kiến lâu đời. Nếu như nước là lý do để đưa ông Sakharam kết duyên với những người phụ nữ này thì ngược lại những người “vợ nước” cũng có lý do của mình, đó là một tấm chồng. Vì những bà “vợ nước” thường là quả phụ hoặc người bị chồng bỏ, họ bị coi là gánh nặng trong xã hội, một tư tưởng còn tồn tại ở những vùng nông thôn xa xôi tại Ấn Độ. Vì vậy, họ chấp nhận làm “vợ nước” là để có một mái nhà, thức ăn, nước,… Và trên hết đó là sự sắp đặt có lợi cho cả đôi bên.

Ngoài nghĩa vụ trách nhiệm hàng ngày đi lấy nước, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc những đứa con không phải do mình sinh ra,… thì những người "vợ nước" không có quyền lợi gì, họ phải đồng ý làm việc theo sự sắp xếp của vợ cả. Họ cũng phải chấp nhận việc không được chia tài sản trong gia đình và không được ngủ chung giường với chồng khi vợ cả còn sống.

Khánh Tâm tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic