Lãnh tụ tinh thần của dân tộc Argentina

Eva Peron được biết đến như một nhà hoạt động chính trị tài ba, một diễn giả tài năng, một ngôi sao sáng chói trong giới truyền thanh Argentina, người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của phụ nữ, lãnh tụ tinh thần của người dân Argentina. Bà được người dân Argentina ngưỡng mộ vì đã đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ, đảm bảo lợi ích cho người lao động và thành lập các bệnh viện, các trại mồ côi.

                                              Maria Eva Duarte de Peron (1919 - 1952)

Eva Perón tên đầy đủ là María Eva Duarte de Perón, Maria Eva Ibarurgen hay còn được biết đến với cái tên Evita; là người vợ thứ hai của Tổng thống Argentina Juan Peron (1895–1974) và đã trở thành Đệ nhất phu nhân của Argentina từ năm 1946 cho đến khi bà chết vào 1952.

Evita sinh ra ở một thị trấn nghèo, miền đồng hoang Argentina. Là con út của một gia đình nghèo đông con, mồ côi cha ngay từ lúc mới chào đời. Mẹ Evita, một người phụ nữ nghèo khổ, phải lao động cật lực để nuôi 6 đứa con nhỏ, vì vậy bà đã không thể cho cô một tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường khác, cô đã từng phải nhặt than trên đường phố đem bán lấy tiền phụ giúp mẹ. Tuổi thơ của Evita là chuỗi những ngày đói khát, khổ cực. Đám trẻ con cùng trang lứa luôn, khinh bỉ gọi Evita là con hoang! Năm 15 tuổi, Evita và chị gái đã bị hai gã đàn ông thuộc giới thượng lưu thay nhau hãm hiếp trên đường phố. Điều đó gây nên sự căm phẫn sâu sắc trong cô đối với tầng lớp thượng lưu và nuôi ý chí quyết tâm thay đổi số phận, nắm quyền lực để đem lại quyền bình đẳng cho người nghèo.

Evita rời thị trấn bé nhỏ quê hương, lặn lội đến thủ đô Buenos Aires. Ở đó, Evita đã bươn trải đủ nghề để duy trì cuộc sống và nuôi chí hướng. Và số phận đã thực sự mỉm cười với Evita khi đạo diễn Lucas phát hiện ra chất giọng giàu tính biểu đạt của cô. Nghe theo lời khuyên của ông, Evita xin vào một trong những công ty phát thanh lớn nhất Argentiana - Công ty Eva Mundo. Ngay lập tức, chất giọng mượt mà, truyền cảm của Eva nhanh chóng được Công ty này khai thác triệt để.

Đúng vào ngày Eva tròn 20 tuổi, giọng nói của một cô gái từng sống những ngày khốn khổ ở một thị trấn nhỏ bé đã được cả đất nước biết đến. Công ty Eva Mundo tin tưởng giao cho Eva những chương trình ăn khách nhất như giải trí, quảng cáo. Các chương trình này tuy đem lại cho cô thu nhập, nhưng khó có cơ hội để cô thực hiện giấc mơ quyền lực. Do đó, Evita đề nghị Công ty cho cô được đảm nhiệm chương trình bình luận tin tức mang tên “Thời gian Argentina”.

Khi thực hiện chương trình này, Evita lập tức trở thành ngôi sao sáng chói, được bình chọn là người có ảnh hưởng lớn nhất giới truyền thanh Argentina và cô nhanh chóng thu hút sự chú ý của chính giới, được các báo, tạp chí dành cho những vị trí nổi bật. Các đảng phái đối lập cũng tranh nhau lựa chọn cô tuyên truyền cho sự nghiệp của mình. Và Evita nhanh chóng nắm bắt cơ hội thực hiện giấc mơ vươn tới quyền lực.

Năm 1943, chính biến quân sự xảy ra, chính phủ mới quyết định sử dụng đài phát thanh có tiếng nói của Evita để lôi kéo sự ủng hộ của công chúng. Cô được trả lương rất cao (30.000 peso). Danh tiếng của cô vượt khỏi đất nước Argentina sang tới Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp,...

Rất nhiều công nhân sau giờ làm việc đã đến trước cửa Công ty phát thanh để mong được nhìn thấy cô. Ngày nghỉ, nhiều đoàn công nhân ở các địa phương tới thăm và cảm ơn cô đã nói hộ tiếng nói của họ. Nhiều thư gửi tới tán thưởng chương trình của Evita,...

Ngoài danh tiếng và tiền bạc, nghề phát thanh còn tạo cơ duyên để Evita gặp gỡ, gắn bó với Peron - người đàn ông có tuổi đời gấp đôi cô, sau đó ít lâu đã trở thành Tổng thống và đưa cô trở thành đệ nhất phu nhân Argentina.

Khi gặp Evita, Peron đã 49 tuổi, mang quân hàm thượng tướng, Perron là người có nhiều tham vọng trong quân đội, từng được đào tạo chuyên ngành quân sự ở châu Âu, là thần tượng của giới sĩ quan trẻ Argentina.

Sức hấp dẫn của ngôi sao truyền thanh khiến Peron mê mẩn. Hai người trò chuyện với nhau rất lâu và 6 tuần sau, Eva trở thành vợ của Peron.

Đám cưới của họ trở thành đám cưới lớn nhất trong lịch sử Argentina với sự có mặt của 3.000 quan chức cao cấp cùng với một biển người hâm mộ thuộc các tầng lớp nhân dân lao động. Song, cuộc tình của họ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới thượng lưu. Họ cho rằng, Evita không có quyền bước chân vào xã hội của họ.

Đã không ít lần, những thuyết khách đến gặp Peron đề nghị ông chia tay với Eva. Song những cản trở của giới thượng lưu chỉ càng làm cho tình yêu của họ trở nên nóng bỏng. Chính điều này đã làm cuộc sống của ông bị xáo trộn tới mức ông không thể ngủ yên, luôn bị những lời đe dọa qua điện thoại. Ông không bao giờ cảm thấy thực sự an toàn khi ở nhà.

Một năm sau lễ cưới, Peron tham gia tranh cử Tổng thống. Các chương trình phát thanh của Evita chỉ xoay quanh một chủ đề Peron: “Sự nghiệp vĩ đại của Peron”, “Tất cả của Peron”,...

Thông qua các chương trình cổ động phát trên sóng phát thanh, - Evita còn biên tập những tình tiết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Peron thành một kịch bản dài làm tiết mục trọng tâm của đài phát thanh, được đông đảo khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Evita cũng nhiều lần mời Peron tới phát biểu trên sóng của đài phát thanh của mình.

Ngoài ra, Evita còn tuyên truyền cho Peron trên xe điện, trong nhà thờ, bệnh viện và cả những khu nhà ở của dân nghèo,... Evita phân phát truyền đơn, viết sách, viết những bài bình luận thời sự ca ngợi chính sách xã hội của Peron,...

Các chương trình cổ động của Evita đều nhằm mục đích giành sự ủng hộ tuyệt đối của công nhân và các tầng lớp lao động nghèo khổ cho Peron. Sự mở rộng thanh thế của Peron khiến quân đội Argentina lo ngại.

Một số tướng lĩnh đã tiến hành một cuộc chính biến, bắt giam Peron. Đối mặt với cục diện xấu này, lập tức Evita liên lạc với các công hội, phát động hàng vạn công nhân thủ đô nổi dậy. Trước sức ép của phong trào công nhân, Peron được trả tự do.

Sau sự kiện này Peron trở thành thần tượng của nhân dân lao động. Công sức của Evita đã được đền đáp xứng đáng. Peron giành thắng lợi một cách dễ dàng trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành Tổng thống. Evita được Chính phủ phân công phụ trách các Bộ Lao động và Y tế và hệ thống phát thanh và báo chí.

Cô gái nghèo khổ ngày nào giờ đây đã thỏa sức thực hiện những mơ ước của mình. Và ngay khi khoác trên người những bộ cánh đắt giá nhất của các hãng thời trang danh tiếng nhất để công du ra nước ngoài bằng các phương tiện sang trọng nhất, bà vẫn rất chú trọng quảng bá hình ảnh của đất nước Argentina với thế giới. Hình ảnh của Evita cũng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. “Evita trở thành một chiếc cầu vồng nhiều màu sắc trên bầu trời Argentina”.

Là vợ tổng thống, Evita Perón có uy tín lớn để vận động cho các quyền của phụ nữ và nâng cao mức sống những người cùng khổ. Bà đã có những dấu ấn, đóng góp nhất định cho đất nước nhất là dành những tình cảm cho người nghèo. Cuối những năm 40, Argentina là một đất nước giàu có và tràn trề hy vọng. Evita đã thúc đẩy những luật mới, cho phép phụ nữ Argentina lần đầu tiên được đi bầu cử và trẻ em vô thừa nhận được hưởng những quyền bình đẳng. Bà thành lập quỹ Eva Peron quyên góp tiền xây 1000 ngôi nhà và chăm sóc y tế cho người nghèo. Người nhập cư và dân nghèo rất mến mộ bà, người ta gọi bà là “Người mẹ dân tộc”, “Thánh Evita”. Năm 1952, Evita nhận tước hiệu "người lãnh đạo tinh thần của đất nước".

Nhiều học giả cho rằng, đằng sau một nhà lãnh đạo thành đạt thường có người vợ thông minh đóng vai một trợ thủ đắc lực. Điều này thật đúng với Peron - Tổng thống đất nước Argentina.

Gần như đã trở thành thông lệ, khi người đàn ông tranh cử ngôi vị cao nhất đất nước, các bà vợ luôn cùng chồng “xung trận”. Song, sử dụng đài phát thanh quốc gia để cổ động cho chồng tranh cử như cách Evita đã làm thì thật là chuyện “xưa nay hiếm”!

Trên diễn đàn chính trị quốc tế, Evita cũng đạt được tiếng tăm và thành công rất lớn. Tuy còn rất trẻ nhưng với tài năng chính trị thiên phú đã giúp bà có một thái độ bình tĩnh quan sát thế cục, có những biện pháp giải quyết hiệu quả.

Tháng 11/1951, Argentina tổ chức tổng tuyển cử nhiệm kỳ mới, Eva được đề cử ứng viên Phó tổng thống, trở thành đối tác tranh cử với chồng. Phía quân đội gây sức ép đòi bà từ bỏ tranh cử. Vì chồng, Evita đã chấp nhận, và Peron đã dễ dàng đắc cử Tổng thống lần thứ 2.

Evita cố gắng thay đổi thân phận và vươn tới đỉnh cao quyền lực, song bà đã không thể thay đổi được số mệnh. Ngày 26/7/1952, Đài Phát thanh quốc gia Argentina loan một tin khiến hàng triệu người dân lao động Argentina sửng sốt và đau buồn tột độ: “Evita Peron, linh hồn của quốc gia, tinh thần của dân tộc đã từ trần vì bệnh ung thư!”.

Lễ quốc tang được tổ chức ngay sau đó, mỗi ngày Argentina dành 5’ để mặc niệm Evita. Vì những đóng góp lớn lao của bà; Liên đoàn lao động và Bộ Lương thực đã gửi yêu cầu đến Giáo hoàng Pope Pius XII xin phong Thánh cho bà; Bộ trưởng Bộ Y tế ra lệnh lắp một cái ghế có chiều cao bằng đúng chiều cao Evita đặt ngay trong Văn phòng Bộ và thắp sáng suốt một tiếng đồng hồ vào ngày 26 hàng tháng là ngày Evita qua đời.

Vì quá yêu quý bà mà khi đó ở Argentina, người ta nói với nhau rằng Evita bị ốm vì bà đã đi đến những nơi khốn cùng nhất, ôm hôn quá nhiều người yếu ốm, người bị hủi, và những người bị lao phổi.

Với 2 vết rạch nhỏ duy nhất - một ở cổ, một ở gót chân, toàn bộ máu trong thi thể của Evita được thay bằng cồn nguyên chất và glycerine, một hợp chất có khả năng chịu được nhiệt độ tới 140 độ C. Cồn sẽ hút nước từ các mô, glycerine giúp cơ thể trông vẫn sống động như thật. Các công đoạn ướp xác chỉ thực hiện trong một đêm để ngày hôm sau trưng bày cho người dân đến viếng. Hàng triệu người Argentina đã đổ ra đường đến dự lễ tang của bà trong niềm thương tiếc vô hạn.

Qua đời ở tuổi 33, Evita trở thành huyền thoại, người ta nói về bà như một vị thánh, và hình ảnh Evita trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nếu ai đó cố tình chạm vào những gì mà bà để lại trên thế gian. Dường như có một thứ vô hình nào đó vẫn  thuộc về Evita, cái người ta gọi là quyền lực sau khi chết. Người ta còn dự định xây một lăng mộ để vinh danh bà, lăng mộ sẽ là bức tượng lớn hơn cả Tượng Nữ thần Tự Do tại Mỹ. Tuy nhiên trước khi nó được hoàn thành, năm 1955, khi Tổng thống Juan Peron bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, Argentina rơi vào chế độ độc tài quân sự. (Có thể thấy, sau khi Evita mất, quyền lực của ông Peron suy giảm nhanh chóng).

Năm 1957, Chính quyền mới đã cho di dời thi thể Evita ra khỏi khu trưng bày, đưa đến một địa điểm bí mật với hy vọng diệt trừ hậu họa. Trong 16 năm sau đó không ai hay biết thi thể của bà lưu lạc nơi đâu? Đến năm 1971, người ta mới biết chính xác nơi chôn cất Evita là một hầm mộ ở Milan – Italy, dưới tên gọi là Maria Maggi. Ngay sau đó thi thể của bà được đưa về Tây Ban Nha - nơi chồng bà đang sống lưu vong. Năm 1973, ông Juan Peron trở về nước và mang theo di hài của vợ mình, ông qua đời một năm sau đó.

Khi người vợ thứ ba của ông Juan Peron lên làm Tổng thống, bà đã cho xây dựng một một đài tưởng niệm để đặt thi hài của Evita cùng cố Tổng thống Juan Peron cạnh nhau. Nhưng đến năm 1976, cuộc đảo chính quân sự lại nổ ra, đẩy những người dân Argentina rơi vào “biển máu”. Lần này, Evita đã được gia đình kịp thời cất giấu tại khu mộ của gia tộc Duarte trong nghĩa trang La Recoleta (Buenos Aires) trước khi bị quân đội đảo chính đánh cắp lần nữa.

Để bảo vệ thi hài của Evita, Chính phủ Argentina xây dựng một lăng mộ kiên cố, đến mức nó có thể chịu được sức công phá của vũ khí hạt nhân. Tại đây, thi hài của bà yên nghỉ trong một hầm mộ xây bằng đá cẩm thạch, sâu 5 mét dưới lòng đất, đánh dấu sự kết thúc bốn chuyến phiêu lưu ròng rã gần 20 năm. “Đừng khóc cho tôi, Argentina, tôi sẽ luôn ở gần bên các bạn” - đó là câu nói huyền thoại được khắc trên bia mộ của bà.

Nhân dân lao động Argentina tôn vinh bà là “Thánh mẫu”; Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner – người được xem là Evita mới của Argentina cũng cho rằng thế hệ phụ nữ của mình mang một món nợ đối với Evita Perón và xem bà là:

  • "Tấm gương sáng của lòng nhiệt tình và ý chí chiến đấu"
  • "Là một biểu tượng mang tính văn hóa và lịch sử đối với toàn thể dân chúng Argentina"
  • "Bà có rất nhiều kẻ thù, đồng thời cũng được nhiều người mến mộ nhất. Bà là người bị xúc phạm nhiều nhất, bị lăng mạ và coi thường nhiều nhất nhưng cũng là người được sùng kính nhất. Một người bị xỉ nhục nhiều nhất nhưng hôm nay vinh quang bất diệt".

Nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber đã làm cho bà trở nên bất tử bởi bản nhạc kịch nổi tiếng “Evita”. Và một bộ phim cùng tên qua sự diễn xuất của ca sỹ Madonna cũng được thực hiện. Với vai diễn này, Madona đã đoạt giải Quả cầu vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Ở Mỹ La tinh Evita trở thành biểu tượng cho tinh thần cách mạng như Fidel Castro hay Che Guevara. Bà là biểu tượng cho những người có sức ảnh hưởng và niềm tin mãnh liệt vào một thế giới tốt đẹp hơn, bà là hiện thân của đức tin dâng hiến vì dân nghèo, những người bị tước bỏ tất cả và bị chà đạp trong xã hội.

Một bức chân dung khổng lồ cao bằng tòa nhà 10 tầng của Evita được khai trương tại thủ đô Buenos Aires cao 31m và rộng 24m, nhìn xuống một đại lộ tấp nập cắt ngang trung tâm thủ đô Buenos Aires, miêu tả bà Evita xinh đẹp với búi tóc đặc trưng của bà. Sự tôn vinh này lấy cảm hứng từ bức tượng Che Guevar nổi tiếng trên Quảng trường Cách mạng – Thủ đô Lahabana của Cuba.

 

Thi hài bà Evita trải qua 4 lần di chuyển.

Khánh Tâm tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic