Hội nghị bộ trưởng kinh tế TPP tại Hawaii - Thành công của Việt Nam ở nhiều góc độ

Hội nghị bộ trưởng kinh tế 12 quốc gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã khai mạc vào ngày 28/7 (rạng sáng 29/7 theo giờ Việt Nam) tại Hawaii, Mỹ và kéo dài tới ngày 31/7. Đây được hy vọng là đợt đàm phán cuối cùng để các bên có thể đạt được một thoả thuận chính thức và đưa TPP đi vào triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Hội nghị đã kết thúc sau 4 ngày đàm phán căng thẳng mà không đạt được thoả thuận như kỳ vọng. Thất bại so với với mục tiêu đã đề ra, nhưng phía Việt Nam thì đây lại là vòng đàm phán thành công ở nhiều góc độ.

Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương, khởi động đàm phán từ tháng 3/2010 cho tới nay có 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Japan, New Zealand, Peru, Sinhapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước tham gia Hiệp định TPP chiếm 40% sản lượng kinh tế của thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng hầu hết các ngành dịch vụ và vô vàn sản phẩm từ quần áo đến dược phẩm, từ xe ô tô đến sách vở, từ internet đến ngân hàng,…Ngoài mục đích loại bỏ thuế quan, thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu TPP còn bao quát một loạt các mối quan tâm phi thuế quan như sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về lao động, ngoài ra Hiệp định này còn liên quan đến những tác động quan trọng tới chính trị thế giới. Mỹ muốn TPP sẽ là điểm chốt mới của họ ở châu Á sau nhiều năm Mỹ đã lún sâu vào khu vực Trung Đông. Ngoài ra nhiều học giả còn cho rằng Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc.

       Đại diện 12 nước tham gia TPP đang đàm phán tại Hawaii (Mỹ). (Ảnh: Reutes)

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, đồng thời thúc đẩy tự do hóa thương mại và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, trong hay ngoài nước và so với Hiệp định WTO thì TPP cũng có nhiều điểm khác biệt. Các vòng đàm phán trong khuôn khổ TPP có phạm vi rộng hơn so với WTO, bao gồm thương mại hàng hóa, dệt may, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ và cả các vấn đề phi thương mại như là vấn đế mua sắm chính phủ, chất lượng lao động, môi trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Và đối với các nước tham gia WTO thì quá trình đàm phán là một chiều, các nước muốn gia nhập phải đưa ra cam kết với những điều lệ đã có, tuy nhiên để được gia nhập WTO cũng không hề dễ dàng, Việt Nam đã mất đến 12 năm đàm phán mới được kết nạp vào WTO. Trong khi đó trong TPP thì mỗi nước thành viên đóng vai trò đối tác đàm phán bình đẳng để cùng đưa ra cam kết chung. Tuy nhiên TPP cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chính sách và định hướng của các nước thành viên. Chính vì vậy TPP hiện được coi là Hiệp định của thế kỷ 21 hướng tới một sân chơi mới nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại đầu tư hội nhập vào kinh tế quốc tế.

TPP không chỉ là một Hiệp định thương mại tự do siêu lớn, hứa hẹn siêu lợi nhuận mà còn được ví như bông hồng nhiều gai, vì vậy để đạt được những lợi ích đó đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

Các nhà làm luật bày tỏ nhiều lo ngại đối với Hiệp định TPP chính là ở quy định. Các công ty, tập đoàn nước ngoài có khả năng đưa chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án, đặc biệt khi các quốc gia này đặt ra luật lệ, chính sách đi ngược lại với tiêu chí của TPP. Australia là quốc gia bày tỏ nhiều phản ứng với quy định này nhất. Hồi năm 2012, một loạt các tập đoàn thuốc lá kiện chính phủ Australia vì quy định nghiêm ngắt về đóng gói bao bì, mức phí đền bù mà các tập đoàn này đưa ra lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, và nếu không quy định kỹ càng thì điều khoản này sẽ khiến chính phủ gặp khó khi đưa ra bất cứ điều chỉnh nào về hệ thống luật thương mại. Bên cạnh đó các quy định về bản quyền thuốc gây lo ngại sẽ đẩy giá thuốc lên cao, và cả quy định về sở hữu trí tuệ sẽ phạt nặng người dùng nếu họ tải nội dung vi phạm bản quyền từ mạng internet.

Khó khăn còn nhiều nhưng theo nhận định chung, quyết tâm kết thúc đàm phán tại cuộc họp của các bên là rất lớn. Trong ngày khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng thương mại Nhật Bản và Đại diện thương mại Mỹ đã gặp nhau. Đến lúc này, Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất của TPP về cơ bản đã vượt qua được những bất đồng trong đàm phán song phương. Đây được coi là một động lực rất lớn để thúc đẩy đàm phán chung giữa các bên. Trong khi đó thì ở Nhật Bản, những người nông dân cũng đang đưa ra những ý kiến rất trái chiều về Hiệp định này.

Hàng nghìn nông dân Nhật Bản ngày 27/7 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Tokyo để yêu cầu Chính phủ bảo vệ các mặt hàng nông sản chủ chốt -  Ảnh: Kyodo

Với ông Yasuhiro Shibasaki, ba đời gắn bó với nghề nông, hàng ngày vẫn miệt mài gắn bó trên cánh đồng lúa của mình tại Minamiboso phía đông nam Tokio. Cũng như nhiều nông dân Nhật khác, mối bận tâm lớn của ông hiện tại là những ảnh hưởng từ việc ký kết hiệp định thương mại TPP. Ông Shibasaki bày tỏ sự lo ngại: “Nông dân Nhật từ lâu đã sản xuất đủ gạo cho nhu cầu của người dân, nếu Hiệp định được thông qua thì chúng tôi còn phải nhập khẩu gạo từ các nước khác nữa. Khi đó các nông dân làm ăn nhỏ lẻ như tôi biết sống sao?”

Nếu TPP thông qua thì Nhật Bản sẽ phải tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Mỹ từ 50.000 tấn lên 70.000 tấn mỗi năm. Tuổi trung bình của người nông dân Nhật Bản là 67 tuổi, nhưng thế hệ người trẻ lại chẳng mấy mặn mà với nghề nông vì nguồn thu nhập quá ít ỏi chẳng đủ trang trải cuộc sống.

Khác với ông Shibasaki, ông Tadamichi Saito lại cho rằng TPP sẽ mở ra một cơ hội lớn cho sản phẩm thịt bò thượng hạng của Nhật Bản thâm nhập vào thị trường châu Á, ông cho biết: “TPP chắc chắn sẽ hoàn tất, thay vì lo lắng thì tôi thấy tốt nhất nên chuẩn bị tinh thần và kế hoạch cho các bước tiếp theo”.

Theo nguồn tin từ các bàn đàm phán, về cơ bản các bên đã thống nhất với nhau được khoảng 4-5 chương rất quan trọng trong gói thoả thuận về TPP. Đó là các chương về đầu tư, mua sắm chính phủ, thương mại điện tử và môi trường. Tuy nhiên, các  bộ trưởng vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong 2 lĩnh vực chủ chốt: một là mở cửa thị trường đối với các sản phẩm sữa và đường; hai là thời hạn bảo hộ bản quyền đối với các bằng sáng chế dược phẩm hữu cơ.

Trong cuộc đàm phán song phương giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman vào chiều tối ngày thứ 3 của Hội nghị, phía Mỹ đã thể hiện sự linh hoạt trong vấn đề tiếp cận thị trường và xuất xứ hàng hóa; Mỹ cũng đã có nhượng bộ với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may; cùng với đó, hai bên cũng đã thống nhất chủ trương trong đàm phán về vấn đề lao động.

Trong khi đó, thông tin lọt ra từ các bàn đàm phán cho biết nước Mỹ đang gây sức ép, thậm chí tuyên bố là phải hoàn tất đàm phán trong ngày 31/7, nước nào không chấp nhận được cuộc chơi thì sẽ ở lại, lỡ chuyến tàu TPP lần này, và TPP không nhất thiết cứ phải đủ 12 nước, và các bộ trưởng sẽ không nhóm họp trở lại cho đến khi nào những khác biệt còn lại chưa được các đoàn đàm phán cấp dưới xử lý xong.

Đến chiều tối ngày 31/7, sau 4 ngày họp, Hội nghị bộ trưởng kinh tế các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP tại Hawaii đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Lý do là các bên không vượt qua được những bất đồng trong một loạt vấn đề gai góc, liên quan đến lợi ích sát sườn của từng thành viên. Như vậy triển vọng đạt được Hiệp định TPP vào tháng 7 này đã lỡ hẹn. Một Hiệp định được đặt với cái tên là Hiệp định thương mại của thế kỷ 21, bởi các tiêu chuẩn đàm phán khắt khe và ở trình độ cao chưa từng có. Tuy nhiên các phóng viên thường trú truyền hình VN theo dõi kỳ họp này cho biết là các bên vẫn tỏ ra ít nhiều lạc quan về triển vọng của Hiệp định TPP trong thời gian tới.

Phiên họp báo kết thúc Hội nghị, một tuyên bố kết thúc đàm phán như kỳ vọng đã không thể đạt được, thay vào đó là tuyên bố ngắn gọn khoảng 10 dòng với những nội dung rất chung chung. Thất bại so với mục tiêu đã đề ra nhưng các bên, đặc biệt là phía Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan cho rằng TPP vẫn còn có cơ hội.

Ông Michael Froman: “Sau hơn một tuần họp bàn hiệu quả, chúng tôi đã tạo được những tiến bộ ý nghĩa và sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết số rất ít những vấn đề vướng mắc còn lại, tạo tiền đề cho việc kết thúc đàm phán về TPP”.

Đàm phán TPP chưa thể kết thúc, theo đánh giá là do vẫn còn có hai nhóm bất đồng lớn mà các bên chưa thể xử lý, đó là vấn đề mở cửa thị trường cho ô tô, thị trường nông sản và thời hạn bảo hộ bản quyền các dược phẩm y tế hữu cơ. Ngoài ra sự thay đổi quan điểm của một số bên trong đàm phán và phút cuối cũng khiến việc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Ông Akira Amari, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản cho biết: “Lợi ích của các quốc gia tham gia đàm phán rất khác nhau trong vấn đề sở hữu trí tuệ và chưa thể hoàn tất đàm phán đi tới tuyên bố cuối cùng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên truyền hình VN tại phiên họp báo, đại diện thương mại Mỹ cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về cuộc họp cấp bộ trưởng TPP vòng tiếp theo. Còn Bộ trưởng thương mại Nhật Bản thì hy vọng các bộ trưởng kinh tế TPP sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng 8.

Thỏa thuận kết thúc đàm phán TPP cuối cùng thì vẫn chưa đạt được, sự khác biệt về quan điểm giữa các bên vẫn còn nhiều, thế nhưng nói như Bộ trưởng thương mại New Zealand tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị thì tuy khó khăn còn nhiều nhưng chẳng bên nào muốn rời khỏi bữa tiệc TPP cả và như vậy thì cơ hội vẫn chưa hoàn toàn hết.

Riêng đối với Việt Nam thì đây là vòng đàm phán thành công ở nhiều góc độ, đặc biệt là bước tiến cơ bản trong đàm phán TPP song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Những mục tiêu chúng ta đặt ra trong đàm phán TPP  về cơ bản đã đạt được những bước tiến rất lớn. Sau rất nhiều nỗ lực, đến thời điểm bế mạc Hội nghị, Việt Nam về cơ bản hoàn thành việc tham gia đàm phán với 11 nước thành viên TPP, trong đó công tác đàm phán song phương với Hoa Kỳ một việc chiếm nhiều thời gian, công sức nhất, đã cơ bản hoàn tất trong vòng đàm phán này.

Ông Michael Froman: “Tôi nghĩ rằng việc chúng ta đàm phán trong suốt thời gian qua là rất quan trọng đối với quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, lý do là vì lãnh đạo cao nhất của hai nước đã gặp nhau và đưa ra một tầm nhìn chung trong quan hệ song phương, và việc đạt được thỏa thuận song phương về TPP như chúng ta đã làm được trong tuần vừa qua và cuối cùng là ký kết Hiệp định TPP về sau này thực ra là rất phù hợp với chủ trương triển khai tầm nhìn chung đó”.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: “Với Hoa Kỳ chúng ta đã thỏa thuận được tất cả các nội dung có liên quan đến TPP như ông Đại diện thương mại Hoa Kỳ đã phát biểu với phóng viên của truyền hình Việt Nam. Và như vậy Việt Nam và Hoa Kỳ đã có thể cùng nhau thống nhất về tất cả các vấn đề và thông qua đó giúp cho việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thương mại giữa hai nước trong thời gian tới”.

Việc hoàn tất cơ bản nội dung đàm phán song phương TPP với Hoa Kỳ là kết quả không chỉ của sự nỗ lực, kiên trì của các thành viên hai đoàn đàm phán mà còn là thành quả của sự quyết tâm và thiện chí chính trị ở cấp cao nhất của hai nước. Trong chuyến thăm vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, các nội dung liên quan đến đàm pháp Hiệp định TPP là một trong những chủ đề được đề cập thường xuyên nhất trong các cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn  Phú Trọng với Tổng thống Obama, các nghị sĩ chủ chốt tại hai viện quốc hội cũng như lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Kết thúc đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng là nội dung chính trong tuyên bố chung sau chuyến thăm. Sự thống nhất về chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước đã được cụ thể hóa trong vòng đàm phán Hawaii lần này thông qua hoạt động tích cực, hiệu quả của đoàn đàm phán Việt Nam tại Hawaii.

Ông Michael Froman: “Tôi thật sự rất ấn tượng với các nhà đàm phán Việt Nam, ấn tượng đối với những đề xuất sáng tạo của họ ở trên bàn đàm phán, ấn tượng với những thiện chí của họ. Dù là đại diện của một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn so với các nước đối tác còn lại nhưng vẫn sẵn sàng tham gia vào TPP, đối đầu với những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, cũng như góp phần hoạch định luật chơi chung cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21”.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: “Tôi tin rằng 11 thành viên của TPP đã đánh giá rất cao thái độ xây dựng, tinh thần trách nhiệm cũng như quan điểm tiếp cận và xử lý các vấn đề một cách hài hòa, một cách phù hợp của đoàn Việt Nam chúng ta trong suốt thời gian đàm phán hơn 6 năm”.

Mặc dù các nội dung chi tiết trong đàm phán TPP song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ chưa thể được công bố cho tới chừng nào Hiệp định TPP chính thức được ký kết, nhưng thông tin từ hai đoàn đàm phán đã gợi ý từ một thỏa thuận toàn diện trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các điều kiện đặc thù về chính trị, kinh tế và xã hội của hai nước để từ đó có những nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của hai nước.

Khánh Tâm tổng hợp từ VTV

 


Phần mềm giao nhận logistic