Nữ văn sĩ Mỹ Harper Lee: chỉ hai lần cất tiếng hót?
Harper Lee sinh ngày 28/4/1926, là nhà văn người Mỹ rất nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer năm 1961 “Giết con chim nhại” (To Kill a Mockingbird) - đề cập đến những vấn đề đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà tác giả quan sát thấy ở quê nhà Monroeville, bang Alabama (Mỹ) thuở còn thơ ấu. Những tưởng bà chỉ có duy nhất một “đứa con tinh thần” để đời thì mới đây Nhà văn đã có tuyên bố gây sửng sốt cho văn đàn thế giới và độc giả hâm mộ, Harper Lee khẳng định bà sắp cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai với tên gọi chính thức Go Set a Watchman. Tác phẩm lấy bối cảnh 20 năm sau những gì đã diễn ra trong Giết con chim nhại, và vẫn tiếp tục viết về sự phân biệt chủng tộc diễn ra ở Mỹ.
Nữ nhà văn Mỹ Harper Lee nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đạt giải Pulitzer năm 1961 “Giết con chim nhại” (To Kill a Mockingbird).
To Kill a Mockingbird là sáng tác đầu tay của Lee. Tác phẩm lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama trong những năm 1930. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson - một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng - Mayella Ewell.
Bối cảnh và một số nhân vật trong tác phẩm được rút từ cuộc đời thực. Finch là tên thời con gái của mẹ Lee còn nhân vật Dill được lấy nguyên mẫu từ Truman Capote.
Nhân vật người kể chuyện là Scout - con gái của luật sư Finch - một đứa trẻ thông minh và hay quan sát. Scout bắt đầu câu chuyện từ khi cô bé mới 6 tuổi. Mẹ mất sớm, Scout luôn tìm mọi cách ganh đua với người anh trai Jem. Một ngày, hai đứa trẻ gặp Dill - một người bạn 7 tuổi. Sau đó, chúng trở nên thân thiết với Boo Radley - một con người sống ẩn dật, khép mình khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Qua một loạt sự kiện vui, buồn những đứa trẻ dần rút ra được bài học phải - trái, về sự công bằng và lòng trắc ẩn. Lần theo dòng trần thuật của Scout, người đọc chắc chắn rằng cô bé sẽ không bao giờ giết con chim nhại hoặc trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Scout kể chuyện bằng giọng kể trẻ thơ nhưng cô bé có những phân tích về người lớn và những hành động của họ như là một người đã trưởng thành.
Bên cạnh tuyến truyện thứ nhất kể về Boo Radley, người bị coi là loạn trí, còn có tuyến truyện thứ hai về Tom Robinson. Một ban hội thẩm đoàn gồm 12 người da trắng đã phớt lờ những cuộc điều tra cần thiết, vội vàng buộc cho Robinson cái tội mà anh không bao giờ phạm phải: cưỡng hiếp. Atticus, người được chỉ định làm luật sư bào chữa cho Tom, thua tại tòa án. Tom tìm cách bỏ trốn và bị bắn chết. Bob Ewell, bố của Mayella mới chính là người đánh đập và hãm hiếp cô. Khi Atticus phát hiện ra sự thật, Bob đã tấn công con ông - Jem và Scout. Hai đứa trẻ được Boo Radley cứu thoát. Radley đã đánh Bob Ewell đến chết. Atticus và Calpurnia - một người đầu bếp da đen trong tác phẩm - dần dà trở thành những nhân vật trung tâm đại diện cho một xã hội không có thành kiến, phân biệt chủng tộc. Trong tác phẩm có câu: “Con chim nhại chẳng làm gì nên tội, chúng chỉ hót cho chúng ta những giai điệu đẹp. Không phá phách vườn tược, không hại đến hoa màu, chúng chỉ dâng hiến cho chúng ta những lời hát từ trái tim. Đó là lý do vì sao, giết con chim nhại là một tội ác”. Cuốn tiểu thuyết của Lee còn nhấn mạnh, trẻ em sinh ra vốn mang bản chất hướng thiện, coi trọng sự công bằng, chúng chỉ hấp thu những thành kiến xã hội trong quá trình lớn lên giữa cộng đồng.
“Giết con chim nhại” nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới với 10 triệu bản được tiêu thụ (Lee đã không bao giờ tái bản), và được chuyển thể thành phim, biến Lee từ một “dân thường” thành nữ nhà văn được giới truyền thông săn đón nhưng bà rời New York, về Monroeville sống một cuộc đời lặng lẽ.
Harper Lee là minh chứng về một hình thức gây dựng sự nghiệp khác thường đối với một nhà văn chân chính. Được coi là một trong những nhà văn sống ẩn dật nhất thế giới, Lee đã nhiều lần được trao bằng danh dự nhưng luôn từ chối phát biểu trước công chúng. Bà đã viết một cuốn tiểu thuyết thuộc hàng kinh điển và ngay lập tức tạo nên một cơn sốt trong xã hội. Thế nhưng cho đến giờ, kể từ khi cuốn sách được phát hành vào năm 1960, Lee vẫn chưa hề cho ra thêm một tác phẩm thứ hai.
Im thin thít và lặn mất tăm
Nữ nhà văn Harper Lee lựa chọn cách sống lánh xa mọi sự tung hô và tán thưởng, từ chối mọi cuộc thăm viếng của giới báo chí và các giao tiếp xã hội từ hơn 5 thập kỷ trước. Câu trả lời nổi tiếng của bà khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn của phóng viên là: “Không chỉ bây giờ mà khi xuống đến địa ngục, cũng không”. Giờ đây, đã ở tuổi 89, số lần xuất hiện trước công chúng của Harper Lee chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng không quá một bàn tay.
Năm 2005, trong một lần “đổi gió” kỳ lạ, Harper Lee đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo chí và chia sẻ rằng suốt thời gian sống lánh xa truyền thông và độc giả hâm mộ, bà đã âm thầm theo học đại học tại một chuyên khoa nghiên cứu văn chương của… chính mình. Tại đây, bà luôn được tiếp cận những góc nhìn mới mẻ của sinh viên đối với văn chương của bà, đó là cách để Harper Lee nhìn thấy sự tương tác của tác phẩm đối với đời sống đương đại.
Harper Lee luôn cố gắng bảo toàn sự riêng tư cá nhân, sống khiêm tốn ở vùng quê Monroeville trong một trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Thỉnh thoảng người ta thấy bà cho vịt ăn hoặc chơi bài tại sòng bạc Wind Creek Casino gần đó, nơi không ai nhận ra bà là nhà văn nổi tiếng. Sự tồn tại của bà là cả một điều bí ẩn đối với công chúng.
Chính vì thế, sự tồn tại của bà là cả một điều bí ẩn đối với công chúng. Trong lời mở đầu bản sách xuất bản năm 1977 tại Matxcơva, tiến sĩ Nadiya Matuzova đã nhầm lẫn tai hại khi ca ngợi bà với âm hưởng “điếu văn”: “Mặc dù, Harper Lee không sống được đến lễ sinh nhật lần thứ 50 nhưng kiệt tác của bà - cuốn tiểu thuyết tiếp nối truyền thống xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng Mark Twain, William Faulkner, Erskine Caldwell và các tác giả khác - sẽ mãi mãi thuộc về di sản văn học Mỹ”. Sự thực là tác giả của Giết con chim nhại vẫn sống, và tiếp tục xa lánh giới truyền thông bằng lời từ chối được rút gọn đã thành thương hiệu: “Ở địa ngục, cũng không”.
Cho tới nay, Giết con chim nhại (xuất bản lần đầu vào tháng 7/1960) vẫn là tác phẩm duy nhất của Harper Lee. Kiệt tác này nhanh chóng đưa nữ nhà văn trở thành một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất thế giới với “một lần động bút”. Harper Lee đã quan sát hết sức kỹ lưỡng và viết ra những lời tiên tri. Trái ngược với những cuốn tiểu thuyết tình cảm sớm nắng chiều mưa, bà đã tạo ra một bản cáo trạng thuyết phục của lịch sử đấu tranh giữa các chủng tộc ở Mỹ tại một thời điểm vô cùng nhạy cảm.
Một cảnh trong phim "To Kill a Mockingbird " (Ảnh: talrton).
Sau đó, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1962. Cả cuốn tiểu thuyết và bộ phim dường như đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều luật sư hơn là đối với các nhà phê bình văn học - điện ảnh. Lee đã tự học luật và cuốn tiểu thuyết đã trở thành trung tâm của nhiều cuộc tranh luận về vai trò của các ngành nghề, đặc biệt là bản chất tự nhiên của luật sư bào chữa hay luật sư tham gia vào các vấn đề có tầm quan trọng của xã hội và chủng tộc.
Có một điều thú vị là hơn nửa thế kỷ đã qua từ khi sách được xuất bản lần đầu và mỗi năm Giết con chim nhại vẫn lặng lẽ bán được 750 nghìn bản. Tuy nhiên sau đó, cuốn tiểu thuyết gai góc này thường chỉ được dành một câu chú thích ngắn hoặc làm tài liệu tham khảo nhỏ trong các nghiên cứu quan trọng của miền Nam nước Mỹ cũng như văn học Mỹ thực thụ. Hiện tại, mới chỉ có một bản tiểu sử nghiêm túc về Harper Lee và một bài tiểu luận phát hành vào cuối năm 2007.
Rõ ràng, nữ nhà văn đã thành công trong việc bảo vệ chính mình hơn nửa thế kỷ qua và sống cuộc sống mà bà lựa chọn. Trong tuyên bố hiếm hoi gần đây, một bức thư cho tạp chí của nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey, bà gợi ý cách ngừng liên quan đến cuộc sống hiện đại như Lee đã thực hiện: “Trong một xã hội đa dạng, nơi con người có máy tính xách tay, điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod và tâm trí như một căn phòng trống, tôi vẫn lê bước cùng với những cuốn sách”.
Sự thờ ơ đó rõ ràng là cần thiết đối với bà. Đến nay, đã có nhiều phỏng đoán, nhưng chưa một ai nhận được câu trả lời chính thức từ tác giả cho câu hỏi: Vì sao Lee từ chối mọi giao tiếp xã hội và chưa bao giờ tiết lộ ý định sẽ viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai?
Lần thứ hai… cất tiếng hót
Vì chỉ cho ra mắt một tác phẩm duy nhất nên nhiều người nảy sinh nghi ngờ tác phẩm Giết con chim nhại không phải của Harper Lee. Bà đến từ một trong những ngôi trường văn học giàu có nhất của thế kỷ 20 ở miền Nam nước Mỹ, lại là hàng xóm từ bé của Truman Capote - một nhà văn miền Nam vô cùng tên tuổi. Điều đó khiến cho một số nghiên cứu đặt ra câu hỏi: Phải chăng Giết con chim nhại là một sản phẩm cộng tác theo cách mà Lee và Capote đã từng làm với một số cuốn truyện ngắn trước đó?
Chưa hết, sự nổi tiếng quá nhanh khiến nữ nhà văn bị cuốn vào một vụ bê bối được báo giới đặt tên là “Cướp con chim nhại”. Harper Lee đã phải đấu tranh trong một thời gian rất dài để giành lại bản quyền cuốn tiểu thuyết của đời bà. Trong đơn kiện, Lee tuyên bố đã bị lừa ký giấy đồng ý nhượng quyền sở hữu tác phẩm cho người đại diện văn học của mình tên là Samuel Pinkus - một người cộng sự và bạn thân tín lâu năm của Lee.
Trước đây, Samuel Pinkus là một người đáng tin cậy và bạn đọc quan trọng của Giết con chim nhại ngay từ khi tác phẩm còn chưa hoàn thành. Trong một thời gian dài, Lee đã rất tin và yêu quý Pinkus. Một dẫn chứng là khi được trao tặng Huân chương Tự do vào năm 2007 nhờ những đóng góp cho nền văn học Mỹ, bà đã trao lại cho Pinkus giữ.
Thế nhưng, vì lòng tham nên Pinkus đã tìm mọi cách xoay sở để chuyển quyền sở hữu hàng loạt các tác phẩm văn học (trong đó có Giết con chim nhại) bằng nhiều thủ thuật tinh vi. Việc bị Pinkus lừa trong những năm gần cuối đời cũng là một bi kịch đối với nữ nhà văn khi bà rơi vào tình trạng không minh mẫn. Sự suy giảm thị lực khiến bà chỉ đọc được những tài liệu được in chữ khổ rất lớn.
Trên thực tế, Harper Lee không nhớ nhiều thứ và có thể ký vào bất kỳ thứ gì mà bất kỳ ai đặt trước mặt, nên vô tình đã ký tên chuyển nhượng bản quyền cuốn tiểu thuyết duy nhất từng viết ra trong đời cho Samuel Pinkus. Tuy nhiên, cuối cùng công lý đã thuộc về Harper Lee, và bản quyền cuốn sách đã thuộc về bà. Đích thân Pinkus đã ký nhượng lại cho Lee, cùng một khoản bồi thường lợi nhuận có được từ cuốn sách để nữ nhà văn… dưỡng già.
Sau chuyện này, Harper Lee càng trở nên kín tiếng. Những kẻ hoài nghi sẽ nói rằng với một cuốn tiểu thuyết vẫn bán được hàng triệu bản mỗi năm sau hơn nửa thế kỷ phát hành, Harper Lee hầu như không cần thiết phải sáng tác thêm một tác phẩm thứ hai. Nhưng đối với một nhà văn, sự sáng tác không giống như một vụ đầu tư.
Việc một tác giả tự nguyện chấm dứt nghiệp viết lách sau một tác phẩm thành công quả thực là điều hiếm có. Điều thường thấy nhiều hơn là một nhà văn bị khủng hoảng sau một thành công lớn duy nhất. Gánh nặng của danh tiếng và những lời tán dương đè nặng lên vai họ, đặc biệt là lên khả năng sáng tạo. Việc cân bằng nhận thức về sự thành công trong quá khứ với trách nhiệm cần phải tạo ra những tác phẩm mới không phải là điều mà nhà văn nào cũng làm được. Và có lẽ, khi thành công càng lớn thì khó khăn sẽ càng nhiều.
Harper Lee sống rất có phong cách, và bà biết khi nào cần phải lên tiếng. Trong một tuyên bố mới gây sửng sốt cho văn đàn thế giới và độc giả hâm mộ, Harper Lee khẳng định bà sắp cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp, với tên gọi Go Set a Watchman. Tác phẩm lấy bối cảnh 20 năm sau những gì đã diễn ra trong Giết con chim nhại, và vẫn tiếp tục viết về sự phân biệt chủng tộc diễn ra ở Mỹ.
Được biết tác phẩm này dày 304 trang và được xuất bản lần đầu với số lượng hai triệu bản vào tháng 7/2015. Giới phê bình nhận định: Ai từng đọc và yêu Giết con chim nhại thì sẽ muốn đọc “phần hai” này ngay lập tức, bởi đây cũng là một tiểu thuyết độc lập và có sức ảnh hưởng rất riêng.
Thực tế, Harper Lee đã viết cuốn Go Set a Watchman từ trước khi thực hiện Giết con chim nhại. Trong suốt những năm qua, Harper Lee tưởng rằng bà đã đánh mất bản thảo Go Set a Watchman cho mãi tới gần đây mới tìm lại được.
Harper Lee chia sẻ trong thông cáo báo chí: “Thuở đó, tôi là người lần đầu cầm bút, vì vậy tôi làm những gì mà nhà xuất bản khuyên, và liền viết cuốn Giết con chim nhại. Tôi không hề biết bản thảo Go Set a Watchman vẫn còn cho tới hôm nay. Sau khi cân nhắc và do dự nhiều, tôi đã đưa bản thảo cho những người mình tin tưởng, và nhận được phản hồi rất tốt. Tôi kinh ngạc và thực sự hài lòng khi cuốn sách này giờ đây sẽ được xuất bản sau nhiều năm… ngủ im dưới lớp bụi dày của thời gian”.
Liệu đây có phải lần cuối cùng Harper Lee cất tiếng hót? Mọi phỏng đoán vẫn chỉ là giả thiết vì sau 55 năm bà mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ hai.
Bảo Khánh tổng hợp
- TPHCM chúc mừng GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận "Giải Nobel Châu Á"
- Toàn cầu chỉ 5 phụ nữ đoạt giải toán học cao nhất trong 90 năm qua
- 3 nghiên cứu ứng dụng đoạt Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2023
- Nữ sinh 13 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi học tiến sĩ
- 5 điều làm nên giải Nobel Y Sinh của bà Katalin Karikó sau 40 năm nhiều cay đắng
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024