Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”

Hội thảo do Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức  vào ngày 25/7/2015 tại Hội trường Thống nhất Thành phố với hy vọng làm sáng tỏ các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 về xây dựng công trình nhân tạo trên biển cũng như tác động của việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại và thương mại khu vực”.

Khu vực biển Đông đang trở thành một trong những điểm nóng của thế giới. Nơi tập trung của những yêu sách đối kháng, sự ngờ vực, căng thẳng và có nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế, thương mại và hợp tác kinh tế trong khu vực.

GS - TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về Hội thảo tại buổi họp báo chiều 24-7-2015

Thời gian qua và ngay trong hiện tại, Trung Quốc đã, đang thực hiện các hoạt động xây dựng và cải tạo với quy mô lớn các công trình xây dựng và tạo các đảo nhân tạo nhằm mục đích củng cố sự chiếm đóng trái phép đối với các đảo, bãi cạn và đá trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc là vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các cam kết giữa Trung Quốc với ASEAN theo Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002. Vì vậy, Trung Quốc đang bị sự phản đối, lên án mạnh mẽ từ phía các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Nhiều diễn đàn, nhiều cuộc hội thảo của nhiều nước đã minh chứng cho điều này, và cuộc Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”, do trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức cũng quan tâm thảo luận những thách thức từ những hoạt động nói trên của Trung Quốc trong khu vực; đồng thời tạo  diễn đàn cho các chuyên gia trong nước và quốc tế để chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề pháp lý, kinh tế và chính trị liên quan.

Tham dự Hội thảo có hơn 50 học giả, nhà khoa học, đặc biệt là các diễn giả đến từ Ấn Độ, Liên bang Nga, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Vương quốc Bỉ, Việt Nam và hơn 250 đại biểu khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

GS–TS–NGƯT. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Hội thảo; GS. Lê Minh TâmPhó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật Gia Việt Nam; GS-TS. Erik Franckx – Giám đốc Khoa Luật Quốc tế và Luật Châu Âu Đại học Vrije Universiteit Brussel (VUB); Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan – đồng Chủ trì Hội thảo.

Đề cập tới mục đích và tính cấp thiết của Hội thảo, GS–TS. Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh:

 “ Biển Đông, một biển lớn của Thái Bình Dương, với những tiềm năng to lớn về dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, thủy sản và du lịch, Biển Đông còn là tuyến đường biển quốc tế huyết mạch nhộn nhịp thứ hai của thế giới với hơn 45% khối lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua Biển Đông hàng năm. Vì vậy, Biển Đông được coi là vùng biển có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và thế giới. Tôi xin được mượn lời của cố Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Hay đã nói cách đây hơn một thế kỷ rằng, “Địa Trung hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai”. Cho đến nay nhận định này vẫn còn nguyên giá trị.

Chính vì vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng là nhân tố quan trọng để bảo đảm hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không, đó cũng chính là bổn phận, trách nhiệm và tâm nguyện của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, do quan điểm, lập trường và yêu sách về chủ quyền của các quốc gia trong khu vực còn nhiều khác biệt nên thời gian qua Biển Đông vẫn “đang cuộn sóng”. Đặc biệt, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014, Trung Quốc lại tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn tại 7 đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành vi này của Trung Quốc đã bị Việt Nam, Phillippines, các quốc gia trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Úc, ASEAN, EU, các nước công nghiệp phát triển G7 và công luận quốc tế phản đối mạnh mẽ.

Chúng tôi cho rằng, quan điểm chính trị và phản ứng của các quốc gia trong khu vực và thế giới đối với hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông có thể vẫn còn khác biệt nhưng tác động tiêu cực của hành vi này đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên thế giới.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Luật Gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tâo trên biển đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” với hy vọng làm sáng tỏ các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 về xây dựng công trình nhân tạo trên biển cũng như tác động của việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại và thương mại khu vực”.

      Hội thảo chia làm 2 phiên với 10 tham luận của các tác giả, gồm:

1. Xây dựng đảo nhân tạo theo quy định của Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc 1982 – Những vấn đề pháp lý và thực tiễn – TS. Ngô Hữu Phước, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

2. Xây dựng và lắp đặt các công trình thiết bị của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông – Nhìn từ khía cạnh luật pháp quốc tế - TS. Trần Thăng Long, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

3. Vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo: Tình trạng pháp lý – GS.TS. Erik Franckx trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế La Haye

4. Các vấn đề trong việc xác định quy chế pháp lý của đảo nhân tạo – TS.Alena I Ponkina, học viện Luật Quốc gia Kutafin Lawyer

5. Triển vọng của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm tạm thời chống lại những hành động đơn phương trên biển Đông: Vụ việc các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc – PGS.TS Batongbacal

6.  “Tác động tiêu cực của cá đảo nhân tạo của Trung Quốc”- Đô đốc Anup Singh, Phó Đô đốc Hải quân, Nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ

7. Xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông và ảnh hưởng của nó đối với hòa bình và an ninh khu vực – PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo

8. Ảnh hưởng từ hoạt động Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên vùng Biển trường Sa của Việt Nam đến hoạt động khai thác và bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản – PGS.TS Nguyễn Văn Vân, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

9. Đảo nhân tạo sự đe dọa trực tiếp đối với môi trường và sự mất mát của đánh bắt cá truyền thống trong tương lai – Aryio Bimmo, Imdonesia

10. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông dưới góc độ luật Môi trường – Ts.Phạm Văn Võ, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

Trong nội dung kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Minh Tâm khẳng định:

“Ở phiên thứ nhất, nhìn chung, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng, mặc dù Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển 1982 không có định nghĩa về đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên biển nhưng Công ước đã quy định khá chi tiết về vị trí, điều kiện, thủ tục xây dựng; quy chế pháp lý, quyền tài phán của quốc gia; vai trò và ảnh hưởng của đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên biển trong hoạch định và phân định biển; sự hình thành quy chế pháp lý của vùng nước an toàn xung quanh các đảo và công trình nhân tạo.

Về phương diện pháp lý, với điều kiện tuân thủ luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên biển là quyền của các quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng phải được thực hiện trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia cũng như biển quốc tế và đáy đại dương nhằm mục đích hòa bình. Ngược lại, việc xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trên các đá thuộc chủ quyền của quốc gia khác hoặc; hoặc xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia khác mà không được quốc gia chủ nhà cho phép hoặc; xây dựng trên các vùng biển tranh chấp, chồng lấn chưa được phân định nhằm mục đích thay đổi hiện trạng, mở rộng chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đe dọa, cản trở quyền tự do hàng hàng hải, tự do hàng không, nghiên cứu khoa học, phá hủy, phá hoại môi trường biển hoặc; xây dựng trên biển quốc tế và đáy đại dương nhưng ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền tự do trên biển quốc tế của các quốc gia khác là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.

Liên hệ với thực trạng xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Hội thảo đều đồng thuận với các nhận định cho rằng:

1. Luật quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982  không thừa nhận việc một quốc gia xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng lực cũng như bồi đắp, xây dựng các đảo và công trình thiết bị nhân tạo.

2. Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo nhằm củng cố yêu sách và tham vọng về chủ quyền của nước này tại các đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có cơ sở pháp lý quốc tế;

3. Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại các đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm bất kỳ mục đích gì, dân sự, kinh tế hay quân sự đều vi phạm các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002;

4. Hội thảo cho rằng, những biện pháp đối kháng của các quốc gia trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế trước hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là biện pháp thời có thể đem lại một hiệu ứng để ngăn chặn những hành vi tương tự có thể diễn ra trong tương lai.

 Đồng thời, hội thảo cũng thống nhất với nhận định rằng, phản ứng của các quốc gia trong khu vực và thế giới về hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông có thể còn một số khác biệt nhưng các quốc gia đều nhận thức rõ những tác động và ảnh tiêu cực của hành động này đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển mà các quốc gia trong khu vực và thế giới phải gánh chịu.

  Ở phiên thứ hai, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về các nội dung đã được các diễn giả trình bày trong các tham luận, nhất trí rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam có tác động đến các lĩnh vực cụ thể sau đây:

1.  Tác động đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

      Với việc xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc đã thiết lập một vùng biển rộng 12 hải lý với lập luận là “vùng an toàn” đối với cả vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo là hoàn trái với luật quốc tế và Công ước của LHQ về luật biển năm 1982. Tiếp đó, TQ lại tiến hành xây dựng các công trình dân sự và đặc biệt là các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo này để uy hiếp và đe dọa sử dụng vũ lực với bất kỳ tàu thuyền và máy bay của nước nào xâm phạm đến các vùng biển và vùng trời này. Điều đó đe dọa và tác động lớn đến hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới. Bởi vì, chính các hành động này của Trung Quốc đã buộc các quốc gia trong khu vực phải có những đối phó trên mọi phương diện trong đó có việc tăng cường mua sắm trang thiết bị vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh về quốc phòng của mình hoặc liên minh, liên kết với các quốc gia để bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi ích chính đáng của họ trên Biển Đông. Do vậy, nếu các quốc gia trong khu vực và thế giới không có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu hành vi này của Trung Quốc thì sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

2. Tác động đối với hoạt động đến quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, đến hoạt động kinh tế biển và đánh bắt thủy hải sản.

Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí rằng, với việc tuyên bố cấm tàu thuyền và máy bay hoạt động trong vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo và vùng trời trên chúng, Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải và tự do hàng của các quốc gia trong khu vực và thế giới theo quy định của Công ước quốc tế của LHQ về luật biển năm 1982. Đồng thời, với việc hủy hoại môi trường biển, hành vi xây dựng đảo của Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến hoạt động khai thác tài nguyên biển của các quốc gia trong khu vực.

3. Tác động đối với môi trường biển.

Dựa trên các văn kiện pháp lý quốc tế, các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã tác động xấu đến môi trường biển, vi phạm các Nguyên tắc của Tuyên bố Stockholm về môi trường con người, của Công ước của LHQ về luật biển 1982, của Công ước về đa dang sinh học 1992. Đặc biệt, hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã hủy diệt các rạn san hô, làm nhiệt độ nước biển tăng lên và điều đó làm cạn kiệt nguồn thức ăn cho các loài thủy hải sản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 300 triệu dân của các quốc gia ASEAN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả, và đại biểu tham dự hội thảo đều chung nhận định rằng, vì lợi ích và sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực và thế giới, các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982. Không bên nào được quyền hành xử đơn phương, áp đặt, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, để xây dựng các đảo và công trình thiết bị nhân tạo trái với trái với luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 , xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Đặc biệt là quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, các quốc gia trong khu vực phải tận tâm, thiện chí, hợp tác trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới”.

Theo GS.TS Lê Minh Tâm, kết quả của Hội thảo sẽ được Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp thành Kỷ yếu Khoa học. Các kiến nghị khách quan, khoa học của các học giả và đại biểu tham dự hôm nay sẽ được gửi cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam và cơ quan, tổ chức quốc tế trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Website ĐH Luật Tp. HCM

 


Phần mềm giao nhận logistic