Phụ nữ Việt Nam hướng tới cộng đồng ASEAN 2015

Hội LHPNVN đang tích cực thúc đẩy sự tham gia đóng góp của phụ nữ cho việc hình thành và hợp tác trong Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.

 

Hội nghị của Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN tổ chức tại Malaysia năm 2014

Hợp tác về phụ nữ trong ASEAN

Sau 20 năm gia nhập ASEAN, với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào quá trình hợp tác ASEAN và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Cùng với nỗ lực đó. Hội LHPNVN đã tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương trong ASEAN ngay từ những ngày đầu gia nhập ASEAN. Về song phương, hiện nay Hội có quan hệ với tổ chức phụ nữ quốc gia của tất cả các nước ASEAN và qua đó mở rộng quan hệ với nhiều đối tác khác vì mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, bảo vệ quyền của phụ nữ Việt Nam trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài như lao động di cư, kết hôn quốc tế... Trong quan hệ đa phương, Hội là thành viên của Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO) từ năm 1996. Kể từ khi tham gia đến nay, Hội tham dự đầy đủ các cuộc họp thường niên Ban Lãnh đạo và Đại hội đồng ACWO (tổ chức 2 năm một lần) cũng như các hội nghị, hội thảo do ACWO tổ chức.

Theo cơ chế luân phiên của ACWO, Hội đã lần lượt giữ các chức vụ: Giám đốc, Thủ quỹ, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch và gần nhất là Chủ tịch ACWO nhiệm kỳ 2008-2010. Với vị trí này, Hội đã tổ chức thành công Đại hội đồng ACWO lần thứ 14 tại Hà Nội tháng 10/2010 với chủ đề “Tăng cường sự tham gia hiệu quả của phụ nữ vì một ASEAN hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững”.

Đề xuất của Hội về nội dung chủ đề các cuộc họp và các hoạt động trọng tâm thường được ACWO quan tâm đưa vào chương trình nghị sự: Sự chuẩn bị của phụ nữ hướng tới cộng đồng ASEAN 2015; sự tham gia của ACWO trong xây dựng báo cáo thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), Công ước CEDAW và Tuyên bố Bắc Kinh… Ngoài ra, phụ nữ các nước ASEAN có ấn tượng tích cực về cách làm sáng tạo và thành tựu mà Hội LHPNVN thu được trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, như tiết kiệm và tài chính vi mô, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp nữ…

Từ năm 2009 đến nay, Hội còn tham gia tích cực các hoạt động thường niên của Hội nghị Xã hội Dân sự/Diễn đàn Nhân dân ASEAN (ACSC/APF); cơ chế tham vấn của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) Việt Nam và khu vực. Đây là một kênh để Hội tăng cường hợp tác trong ASEAN về vấn đề phụ nữ và tăng cường khả năng tác động chính sách về phụ nữ.

Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, hội nhập tốt

Trong bối cảnh phụ nữ các nước trong khu vực đang tích cực tham gia tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, phụ nữ Việt Nam và Hội LHPNVN cũng không thể đứng ngoài cuộc. Với trách nhiệm và nguồn lực hiện có, Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Hội tích cực tuyên truyền để chị em hiểu rõ về cộng đồng ASEAN; giáo dục phụ nữ nâng cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức và tự bảo vệ mình trong bối cảnh hội nhập.

Hội còn đẩy mạnh các hoạt động tín dụng tiết kiệm, dạy nghề, giới thiệu việc làm và phát triển doanh nghiệp nữ. Năm 2014, Hội đã thu hút được trên 11 triệu hội viên tham gia hoạt động tiết kiệm với số dư nợ tiết kiệm là 4,2 nghìn tỷ đồng, tạo nguồn vốn tại chỗ cho chị em phát triển kinh tế. Các cấp Hội hiện có trên 350 chương trình, dự án cho phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình thương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng với dư nợ vốn trên 369,5 tỷ đồng với trên 105.000 thành viên vay vốn. Song song với hoạt động tài chính vi mô, việc hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, tận dụng triệt để các nguồn lực đang có của Hội và tích cực vận động nguồn lực mới phục vụ nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, tay nghề, chuyển giao kỹ thuật cho phụ nữ đáp ứng yêu cầu hội nhập... cũng được Hội quan tâm. Hiện Hội có 43 cơ sở dạy nghề trong toàn quốc. Phương thức dạy nghề không chỉ thực hiện tại các cơ sở mà còn phối hợp, liên kết với doanh nghiệp.

Nữ doanh nhân ASEAN tại hội thảo của Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN ngày 23/3/2015 ở Thái Lan

Bên cạnh đó, Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ: tác động chính sách, đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp ; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính và tín dụng; hỗ trợ tiếp cận thị trường; kết nối doanh nghiệp để dạy nghề và tạo việc làm sau học nghề cho lao động nữ; phát triển mạng lưới nữ doanh nhân. Hiện có Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam ở cấp Trung ương và 14 Hội/hiệp hội nữ doanh nhân và 567 CLB cấp tỉnh/thành. Quan trọng hơn, Hội nghiên cứu để có các hình thức tham gia lĩnh vực kinh tế đối ngoại, giúp nữ doanh nghiệp trong nước kết nối, hợp tác, tìm thị trường ở ngoài nước ; nâng cao nhận thức và kỹ năng của phụ nữ trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sắp sửa chính thức hình thành. Khi đó, ASEAN 2015 sẽ là cơ hội tốt cho sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Nguồn: PNVNĐT


Phần mềm giao nhận logistic