Bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số

Mạng xã hội, nơi mà mọi người thoải mái chia sẻ những thông tin cá nhân, gia đình với bạn bè của mình, nhưng đó cũng có thể là những người mà bạn chưa từng quen biết. Và khi những người lạ lại có thể biết mọi thông tin về bạn và gia đình bạn thì đồng nghĩa với rất nhiều mối nguy hiểm vô hình cũng đang tiềm ần.

Một trong những mối nguy hiểm đã được cộng đồng cảnh báo, đó là việc chia sẻ cởi mở thông tin con cái bạn về thời gian, thói quen, những sở thích, thậm chí cả địa chỉ nhà trường con cái đang theo học. Hoặc phụ huynh đăng tải ảnh của con mình nhưng không được sự đồng ý của các em đều có thể để lại những hậu quả rất khó lường. Tuy nhiên ít ông bố, bà mẹ nào có thể lường hết được các mối nguy hiểm này.

Chị Đỗ Thị Biên Thùy ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội có hai con nhỏ, từ khi chị sở hữu chiếc smartphone thì việc lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng yêu của các bé đã trở thành một thói quen. Tự hào về con chị còn thường xuyên chia sẻ những bức ảnh lên facebook cá nhân mọi lúc, mọi nơi.

Chị Biên Thùy chia sẻ: “Một số những bức ảnh thấy nó hay nó đẹp thì đưa con lên face, cũng có cái vui và hạnh phúc khi mà con được khen ngợi. Tôi nghĩ là nguy cơ thì không có vì khi mà con ngoan, con khỏe, con xinh thì đưa lên để mọi người cùng biết, cùng khen ngợi, cùng vui với mình”.

Em Trịnh Thị Phương Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, em đang rất giận mẹ, khi mẹ đã đăng những bức hình riêng tư của em lên mạng. Xấu hổ với bạn bè vì những hình ảnh không mong muốn bị chia sẻ. Giờ em đã chặn những facebook của hầu hết những người thân trong gia đình. Và nó đã tạo ra khoảng cách giữa em với chính những người trong nhà.

Em Phương Linh bức xúc nói: “Em cảm thấy rất là bực bội bởi vì là đó là những bức ảnh em muốn giấu đi nhưng gia đình lại luôn up lên facebook cho mọi người xem”.

Mới đây ngày 21/5/2015, một facebooker có tên  Ernesto Fuentes đăng bài viết cảnh báo một vụ bắt cóc và bán bé gái 5 tuổi người Mỹ với giá 5000 đô cho một kẻ mắc chứng ấu dâm, chứng bệnh của những kẻ muốn có những hành vi dâm ô với trẻ nhỏ.

Theo câu chuyện này, kẻ xấu đã lần ra dấu vết của bé gái chỉ bằng việc kết bạn trên facebook với mẹ của bé, khi người mẹ chụp ảnh con gái và đăng lên facebook trong sáng đầu tiên cô bé đi học, thì ngay lập tức, bức ảnh đã bị kẻ xấu lưu vào trong điện thoại và gửi đến 60 người đàn ông khác trên toàn thế giới. Người mẹ này không chỉ cung cấp hình ảnh cô bé cho một kẻ buôn trẻ em, mà còn đưa cho hắn tên và địa chỉ chính xác nơi cô bé học. Câu chuyện này đã trở thành một lời cảnh tỉnh, và ngay lập tức đã được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên facebook. Và còn đó những câu chuyện đau lòng khác.

Ngày 29/5/2015, bé gái Izabel Laxamana mới 13 tuổi sống tại Washington đã nhảy cầu tự tử, nguyên nhân của vụ việc đáng tiếc này là do bố cô bé đã tung một clip phạt con gái lên Youtube như một bài học để dạy con, không ngờ mục đích giáo dục của ông bố đã khiến cô tìm đến cái chết để tránh khỏi áp lực từ những người xung quanh.

TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vừa thực hiện một nghiên cứu liên quan đến tác động của công nghệ thông tin đến đạo đức lối sống. Trong đó có một phần liên quan là những ảnh hưởng của gia đình đối với thanh thiếu niên khi mà cung cấp cho họ những nhận thức về những cái nguy hiểm hay tích cực của mạng công nghệ thông tin thì gần như là bố mẹ không biết, không ý thức được điều này”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết: “Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đang trong quá trình sửa đổi, đang trình Quốc hội góp ý kiến. Trong Luật này cập nhật những vấn đề mới đang diễn ra ở cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi đưa ra hai vấn đề: Một là nhấn mạnh quyền bí mật riêng tư của trẻ em. Thứ hai là quy định chặt chẽ những biện pháp, và xử lý những vi phạm về việc xâm hại và lạm dụng trẻ em thông qua môi trường mạng”.

Rất khó để biết được kẻ nào đang có ý đồ xấu trên mạng, và đối tượng chúng nhắm đến lại là con bạn, hãy cân nhắc trước mỗi lần post lên con trẻ. Làm sao vẫn có thể chơi facebook, lướt Webter nhưng không tạo ra những nguy cơ trực tiếp hay gián tiếp gây nguy hại tới chính con em mình.

Việc bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số hiện nay đang đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là với những người làm luật. Hiện  Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội đã hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi và đang trình Quốc hội để chờ phê duyệt. Trong đó nội dung về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ những quyền riêng tư cá nhân của trẻ nhỏ đã được quy định khá chi tiết trong Dự thảo lần này. Theo đó, điều 7, khoản 17 của Dự thảo Luật có quy định rõ nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của trẻ em khi không được sự đồng ý của cha mẹ trẻ em, người giám hộ và sự đồng ý của trẻ em theo quy định của pháp luật, không vì lợi ích của trẻ em.

Dự thảo này sau khi được các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến và chính thức thông qua sẽ có những văn bản dưới Luật quy định rõ hơn về các biện pháp xử lý khi vi phạm quyền này của trẻ em. Hy vọng rằng với những quy định cụ thể trong Luật, trẻ em sẽ được bảo vệ toàn diện hơn trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Ngày 14/8/2015, UB Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi, nhiều nội dung trong Dự thảo đang cần ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét.

 

Theo VTV.vn


Phần mềm giao nhận logistic