Nữ GS-TSKH Toán học đầu tiên của Việt Nam

Bà Hoàng Xuân Sính, sinh 8 tháng 9 năm 1933; là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Suốt thời niên thiếu gia đình bà sống tại nhà số 102 phố Hàng Bông, Hà Nội. Mẹ của bà mất sớm khi bà mới được 8 tuổi, cha của bà là ông Hoàng Thúc Tấn sau đó đã tục huyền với một nữ doanh nhân về vải sợi. Ông và người vợ sau là những tư sản dân tộc, là nhà tài trợ và cơ sở cho báo Thanh Nghị, một tờ báo có quan điểm dân tộc tiến bộ thời bấy giờ. Học cấp 3 được một năm thì bà được gia đình gửi sang Pháp du học theo di nguyện của người mẹ đã mất. Đến bây giờ, bà Sính cũng không hiểu vì sao, mẹ bà - một người phụ nữ truyền thống chỉ quen thu vén cho gia đình lại có tư tưởng cách tân đến vậy.

Trước đó, em trai ruột của bà đã sang Pháp du học là ông Nguyễn Văn Phúc (Sau này ông Phúc đã trở thành một trong hai nhà khoa học của Việt Nam chế tạo được máy bay). Ông trở thành điểm tựa cho chị gái khi sang Pháp du học.

Học hết tú tài, bà thi lấy bằng Cử nhân khoa học rồi Thạc sĩ Toán học ở Pháp. Năm 1960, bà Sính quyết định trở về Việt Nam và làm giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày đó, Mỹ đang đánh phá miền Bắc ác liệt. Ban ngày, các giảng viên như bà vừa dạy học, vừa tránh bom. Đêm, bà thắp đèn dầu làm luận án Tiến sĩ. Năm 1974, bà Sính hoàn thành luận án và trở lại Pháp lấy bằng tiến sĩ. Bà chính là nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ bà nhắc tới điều này,...

Bà là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long, trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam (15/12/1988). Hiện nay bà là chủ tịch Hội đồng quản trị của trường. Bà cũng là người đề xuất thành lập Kovalevskaya ở Việt Nam, và hiện là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng.

Bà đã được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất để tôn vinh các cá nhân hoạt động trong ngành giáo dục; và được nhà nước Pháp trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm vì những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa hai quốc gia Pháp - Việt.

Nhân Kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh Nước CHXHCN Việt Nam, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Hội nữ trí thức Tp. Hồ Chí Minh xin giới thiệu một số bài viết (được trích dẫn lại thông tin của Website Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi GS. Hoàng Xuân Sính từng công tác) về chân dung Nhà khoa học nữ Việt Nam – Là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp quốc gia về toán học.

 Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính

Nghiên cứu toán học hiện đại ở làng quê 

Bất chấp việc các Tổng thống Mỹ Johnson, rồi Nixon tiếp tục “leo thang” ném bom dữ dội miền bắc Việt Nam, theo lời mời của GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước ta thời bấy giờ, một số nhà toán học rất nổi tiếng trên thế giới, trong đó có những người từng được tặng Huy chương Fields, vẫn nồng nhiệt tỏ rõ mối cảm tình của mình đối với Việt Nam, bằng cách đến đọc bài giảng về toán học hiện đại tại các xêmina mở giữa vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên - nơi nhiều trường đại học lớn sơ tán đến.

Trong số các nhà toán học ấy, chị Sính đặc biệt mến phục GS Alexandre Grothendieck, một chuyên gia về hình học đại số (algebraic geometry) người Pháp gốc Do Thái, được tặng Huy chương Fields năm 1966. Những bài giảng của vị giáo sư kiệt xuất mới 39 tuổi ấy cung cấp một cái nhìn bao quát về các mũi nhọn của toán học hiện đại, gợi ý cho chị hướng nghiên cứu thích hợp. Tuy nhiên, để viết được hoàn chỉnh một bản luận án tiến sĩ quốc gia (docteur d’État) dài mấy trăm trang, còn biết bao nhiêu công việc khó khăn, tỉ mỉ phải làm!

Nhiều người ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam thường cho rằng toán học là một ngành “vừa khó, vừa khổ, lại vừa khô”! Nhận xét đó có phần đúng, nhưng không đúng hoàn toàn. “Khó” và “khổ” thì đương nhiên rồi! Nhưng có “khô” hay không, thì còn tuỳ người nữa chứ! Đối với chị Sính, một định lý toán học đẹp cũng làm say lòng người chẳng khác nào một bài thơ hay của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Pushkin, Lermontov. Thế thì tại sao lại có thể coi là... “khô” được nhỉ?
Bản luận án tiến sĩ quốc gia hình thành dần dưới ánh đèn dầu trong gian nhà tranh trống trải ở một làng trung du bên bờ con sông Đáy. Mưa dầm dề dai dẳng. Gió mùa đông-bắc rét thấu xương. Vách liếp đan thưa, lắm kẽ hở. Ngọn đèn dầu lung lay trước gió. Chị Sính khoác tấm chăn chiên mỏng màu xám xỉn, ngồi co ro ghi lại những ý nghĩ mới nảy sinh trong đầu thành từng dòng, từng dòng luận án...

Bảo vệ luận án giữa “Thủ đô ánh sáng”

Và rồi chị được Nhà nước ta cho phép mang bản luận án ấy sang Paris bảo vệ để lấy bằng tiến sĩ quốc gia. Cuộc bảo vệ diễn ra tại Đại học Paris 7, thuộc hệ thống Sorbonne. Hội đồng chấm luận án gồm những nhà toán học nổi tiếng như GS Henri Cartan, Huy chương Fields, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; GS Alexandre Grothendieck, Huy chương Fields...

Chị bảo vệ bản luận án thứ nhất Gr phạm trù, trong hai tiếng rưỡi đồng hồ - bản luận án chị đã viết trong nhiều năm sơ tán tại một làng quê bên dòng sông Đáy. Chưa xong! Ngay sau đó, chị bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên. Bản luận án thứ hai này chị phải thực hiện tại Paris, chỉ trong vòng hai tháng, do Hội đồng Toán học nơi chị dự thi, ra đề cho chị để... “thử tài”! Cả hai bản luận án ấy đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại.

Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.

Tờ  tạp chí hằng tháng Phụ nữ Liên Xô xuất bản tại Moskva, số tháng 8/1975, trong chuyên đề về phụ nữ Việt Nam, đã dành nửa trang để giới thiệu nhà nữ toán học Hoàng Xuân Sính.

Nhà xuất bản Springer -  Verlag, một nhà xuất bản sách khoa học nổi tiếng thế giới có chi nhánh ở Đức, Anh, Mỹ, đề nghị chị chỉnh lý bản luận án thành một cuốn sách chuyên khảo để đưa in.

Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, chị Sính đã thông báo các kết quả nghiên cứu của chị tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 ở Vancouver (Canada).

Để khích lệ những tài năng khoa học nữ

Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy toán học, GS Hoàng Xuân Sính còn là người góp phần chủ yếu vào việc hình thành Giải thưởng Kovalevskaya trao tặng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam.

Năm 1985, TS Ann Koblitz nhận được số tiền nhuận bút về cuốn sách của chị nhan đề Về cuộc đời và các công trình của Sofia Kovalevskaya. Ann nảy ra ý định lập một quỹ khoa học mang tên Quỹ Kovalevskaya để khích lệ phụ nữ làm khoa học. Những người phụ nữ mà chị nghĩ đến đầu tiên là ở mấy nước đang tiến hành cách mạng gian nan: Việt Nam, Cuba, Nicaragua…

Tại sao TS Ann Koblitz lại đặt tên cho giải thưởng khoa học do mình sáng lập là Giải thưởng Kovalevskaya? Bởi vì, chị nhận thấy Sofia Kovalevskaya chính là tấm gương sáng láng về một người phụ nữ đam mê khoa học và có sáng tạo khoa học xuất sắc, một tấm gương không chỉ dành cho phụ nữ Liên Xô thời ấy, mà còn cho phụ nữ tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do trên thế giới.

Sofia sinh năm 1850 tại Moskva, có tên thời con gái là Korvin Krukovskaya, thuộc dòng dõi vua Mathias nước Hungary. Ở nước Nga sa hoàng, cũng như nhiều nước châu Âu khác thời ấy, con gái chưa được phép đặt chân đến trường trung học. Sofia phải học tại nhà với một vị gia sư, xong chương trình trung học phổ thông.

Cô muốn học lên đại học, nhưng không một trường nào tiếp nhận. Chỉ có con đường xuất ngoại sang Đức, may ra mới được học lên. Nhưng, thời ấy, người phụ nữ Nga muốn đi ra nước ngoài, phải theo chồng. Chỉ còn cách dựng lên một cuộc “hôn nhân giả”!

Cái khó là làm sao tìm được một chàng trai “lý tưởng” sẵn sàng chấp nhận đề nghị “điên rồ” của Sofia? Cuối cùng, cũng tìm ra chàng trai ấy, một anh sinh viên địa chất mang họ Kovalevsky. Làm “vợ hờ” của Kovalevsky, cho nên từ đấy, Sofia mang họ “chồng”. Nhưng sau khi qua khỏi biên giới Nga - Đức thì “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi/ tình nghĩa đôi ta có thế thôi”!...

Đến Berlin, Sofia xin theo học nhà toán học Đức lừng danh Weierstrass. Được ông nhận làm học trò, nhưng cô không được tới giảng đường nghe ông giảng bài! Ông dạy Sofia mỗi tuần hai buổi, tại nhà riêng, suốt bốn năm liền. Bốn năm làm việc miệt mài, không thời gian giải trí, không để tâm đến việc ăn uống, thậm chí áo rách cũng chẳng hay, cuối cùng, Sofia viết xong bản luận án tiến sĩ Về lý thuyết phương trình đạo hàm riêng. Vì Sofia không được bước chân vào giảng đường đại học, cho nên GS Weierstrass phải thay mặt cô, đọc bản luận án trước hội đồng khoa học!

Thành công của Sofia Kovalevskaya tại Đức gây tiếng vang lớn  ở Nga. Thế nhưng, khi trở về nước, bà chỉ kiếm được chỗ dạy tại một trường trung học bình thường.

Một nhà toán học lớn người Thuỵ Điển bèn dùng uy tín của mình để bảo đảm cho bà được giảng dạy tại Đại học Stockholm, tuy nhiên, năm đầu phải dạy… không lương! Thế nhưng, do thành tựu toán học xuất sắc, chẳng bao lâu sau, bà được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Thuỵ Điển.

Bà mất năm 41 tuổi ở Stockholm trong “vinh quang và cay đắng” như tên một cuốn sách đã viết về bà...

TS Ann Koblitz muốn dùng tên tuổi một nhà nữ bác học Nga kiệt xuất, được dư luận Liên Xô thời ấy đánh giá rất cao, để đặt cho giải thưởng trao tặng những chị em phụ nữ làm khoa học xuất sắc ở Việt Nam, Cuba, Nicaragua… Bà tin chắc rằng việc sáng lập giải thưởng này hiển nhiên phải được phía Việt Nam - một đồng minh của Liên Xô lúc bấy giờ - nồng nhiệt hưởng ứng. Nào ngờ sự việc diễn ra không suôn sẻ như vậy!…

Không sợ “liên hệ với người Mỹ”

Tôi còn nhớ cái buổi chiều thứ bảy cuối tháng 4/1985 ấy - GS Hoàng Xuân Sính kể, Ban Quốc tế Hội Phụ nữ Việt Nam đã triệu tập một số chị em làm khoa học đến trụ sở của Trung ương Hội ở phố Hàng Chuối, Hà Nội, để thông báo tin vui về việc sáng lập Giải thưởng Kovalevskaya.

14 giờ cuộc họp mới bắt đầu, nhưng 13 giờ, tôi đã lo lắng tới trước để chuẩn bị. Thế nhưng, ôi thôi, chị Trưởng Ban Quốc tế của Hội, buồn rầu cho biết “trên” không cho phép, chẳng những thế, còn phê phán tôi “cả gan liên hệ với người Mỹ, mơ hồ chính trị”! Nói thế nào với chị em khoa học trong nước sắp đến họp bây giờ? Và, khó hơn nữa là nói thế nào để bạn Mỹ có thể hiểu được?

Tôi cố gắng trấn tĩnh để dò hỏi xem “trên” ở đây thuộc cấp bậc nào. Và được biết đó là ông vụ trưởng Y ở một cơ quan đối ngoại lớn… Đạp xe về nhà, lòng nặng trĩu. Hôm sau là chủ nhật, tôi dành hẳn một ngày để nghĩ xem mình phải làm gì. Chiều thứ hai, tôi đạp xe thẳng đến Phủ Thủ tướng, xin gặp Phó Thủ tướng thường trực Tố Hữu.

Thời ấy, vào Phủ Thủ tướng khá dễ, đến Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thì còn dễ hơn. Phó Thủ tướng Tố Hữu tiếp tôi ngay. Sau khi nghe xong câu chuyện, ông nhận định đây là việc rất nên làm, và hứa sẽ theo dõi, giải quyết.

Tôi đạp xe về nhà, vừa uống xong ngụm nước, thì đã thấy ông vụ trưởng Y, người đã từng phê phán tôi gay gắt về thái độ “mơ hồ chính trị”, nay không hiểu sao lại tự ý đến nhà tôi. Tôi chưa rõ ông ấy đến có việc gì, thì ông đã tủm tỉm cười, nói rằng Phó Thủ tướng Tố Hữu cử ông tới hỏi về Giải thưởng Kovalevskaya. Nghe tôi trình bày, ông hứa sẽ giải quyết nội trong… sáng hôm sau!
Các bạn Mỹ nhường cho chị Sính quyền chọn mẫu huy chương và tấm bằng của giải thưởng. Trong một tiệm kim hoàn ở Mỹ, ông chủ hiệu đưa cho chị Sính một số mẫu để chọn. Chị hài lòng nhất là mẫu Ngọn đèn tri thức. Nhìn nó, chị ao ước các nhà khoa học Việt Nam rồi đây sẽ được xã hội chăm sóc để có thể toàn tâm toàn ý làm việc dưới “ngọn đèn tri thức”…

Hơn hai thập niên đã trôi qua. Sau bước đầu trắc trở, việc trao tặng Giải thưởng Kovalevskaya diễn ra đều đặn hằng năm, góp phần khích lệ các tài năng khoa học nữ Việt Nam.

Hàm Châu - Theo bee.net.vn

 

Chuyện nhà nữ toán học đầu tiên ở Việt Nam

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính lâu nay thường được gọi là “Nhà toán học nữ đầu tiên của Việt Nam”. Công chúng, hầu như ai cũng hơn một lần được nghe nhắc đến tên bà, nhưng chuyện về bà, những giai thoại xung quanh cuộc đời nhà khoa học nữ danh tiếng thì lại rất ít người được tỏ tường. Và bởi thế, chỉ riêng cụm từ GT-TS Hoàng Xuân Sính đã gợi lên những tò mò háo hức khá đặc biệt ở bao người hâm mộ bà, dù chưa một lần gặp mặt,…

Tra từ điển Tiếng Việt trên mạng về Hoàng Xuân Sính, nữ GS - TS toán học đầu tiên của Việt Nam, có ghi rõ: "Bà là cháu gái nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn". Hoàng Xuân Hãn không chỉ là giáo sư toán học, mà người ta còn biết đến ông như một nhà Việt Nam học, và là người soạn thảo, ban hành chương trình trung học Việt Nam đầu tiên. Nhưng ông là người ở mãi tít thôn Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Nghệ Tĩnh. Còn cô Sính thì sinh ra trong một gia đình trung lưu ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Vậy hai người có sự chung gì về dòng máu, huyết thống?!. Vì nghĩ cô là cháu gái GS Hoàng Xuân Hãn mà người ta đã đương nhiên đổi quê quán cho cô có nguồn gốc ở La Sơn - Nghệ Tĩnh. Sự việc chẳng phải thế!

Trong làng của GS Hoàng Xuân Hãn, tất cả đàn ông đều mang họ và đệm là Hoàng Xuân. Còn, tại làng Cót nơi cô Sính sinh ra thì tất cả trẻ của dòng họ khi cất tiếng khóc chào đời nếu là con gái đều được ông bà mang cho họ đệm Hoàng Xuân. Tại sao cô nghiễm nhiên trở thành "cháu gái" GS danh tiếng Hoàng Xuân Hãn, chuyện thế này.

Vào năm 1941, nơi gia đình ông Hoàng Thúc Tấn (cha của Hoàng Xuân Sính) sinh sống ở con phố cổ Hà Nội, 102 phố Hàng Bông, chính là cơ sở sản xuất báo Thanh Nghị. Tờ báo tập hợp những học giả yêu nước và giới trí thức đất Hà thành. Trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ bị thực dân Pháp và phát xít Nhật đô hộ, những nhà trí thức lớn như Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Phan Anh,... đã cùng nhau trải lòng mình trên diễn đàn báo Thanh Nghị để nói lên chính kiến của những con người sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp độc lập dân tộc. Ông Hoàng Thúc Tấn, và vợ là một nhà kinh doanh sợi đã tài trợ vốn liếng cho tờ Thanh Nghị. Ông cũng không ngần ngại dùng nhà mình làm nơi ra vào hội họp của nhiều nhân sĩ đất Hà thành.

Lúc này cô bé Sính đang học bậc tiểu học. Ngày ngày cô được tiếp xúc với các chú, các bác Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn... Chính tài năng và nhân cách của các chú, các bác đã lan tỏa sang cô bé Sính khi đó mới còn chúm chím tóc đuôi gà. Hai cây đại thụ của ngành giáo dục nước nhà, GS Vũ Đình Hòe và GS Hoàng Xuân Hãn đã có thời gian 5 năm, từ năm 1941 đến 1945, lập đại bản doanh tờ Thanh Nghị ngay dưới mái nhà của gia đình cô bé Sính. Cả hai ông đều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có những đóng góp to lớn vào nền giáo dục nước nhà. Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim. GS Vũ Đình Hòe chính là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Hai nhà trí thức tài ba và cấp tiến này ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường mà cô bé Sính lựa chọn. Trong cái nôi đó, ít nhiều sự ham học cùng với tư tưởng tiến bộ đã nảy mầm ngay trong cô Sính ngay từ ngày còn thơ bé.

Năm 1948, Hoàng Xuân Sính học hết cấp II. Thời đó trường trung học rất ít, cả Hà Nội chỉ có một trường cấp II Trưng Vương cho nữ sinh và cấp II và III Chu Văn An cho nam sinh. Nếu cô gái nào muốn học cấp III thì phải vào Chu Văn An học chung với nam. Bây giờ nam nữ học chung là bình thường, nhưng thời đó không dễ dàng cho nữ sinh vì nhiều khi muốn hỏi bài nhưng lại không dám hỏi bạn nam.

Cũng phải nói rằng ngoài hai trường Trưng Vương và Chu Văn An, còn có Trường Albert Sarraut mà chính quyền Pháp đã xây dựng cho học sinh Pháp, người Việt cũng có thể học được. Cô Sính đành phải ghi tên vào học  Trường Chu Văn An, trường dành riêng cho học sinh nam. Cô còn nhớ, lớp chỉ có hai bàn dành cho nữ, còn lại là các dãy bàn của các học sinh nam.

Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ, tiếng Anh và Pháp, Hoàng Xuân Sính sang Pháp lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành toán học. Cô Sính chọn khoa Toán chứ không phải là một ngành nào khác, bởi theo sự lựa chọn của gia đình, cả cha và mẹ cô đều khuyên răn các con rằng để xây dựng đất nước học giỏi môn khoa học là thực sự rất cần thiết. Và, đơn giản, cô thấy trong các môn học thì toán là "dễ học" nhất. Nhưng trước khi lên đường sang Pháp lấy bằng tú tài 2, đã có một câu chuyện đặc biệt thú vị về cô Sính mà ít ai ngờ.

Năm cô 15 tuổi, bà cụ theo cách kể của cô (thực chất là mẹ kế, vì mẹ ruột cô mất năm cô 8 tuổi), mở một tiệm nhỏ bán lụa may áo dài mang tên Tấn Thanh. Trong tiệm duy nhất chỉ có một người thợ. Một sáng, người thợ xin phép gia đình ông bà chủ về quê một tháng. Ngay khi người thợ ra về, tiệm đồ lụa nhà cô lại đón một tiểu thư khuê các đến chọn lụa và ngỏ ý muốn cắt may ở ngay tại tiệm. Mẹ cô Sính đang định giải thích với cô gái, ông thợ cắt may đang trên đường về quê dễ một tháng nữa mới lên, thì cô bé Sính xuất hiện và cam đoan với mẹ cắt may được. Thế là cô bé Hoàng Xuân Sính hý hoáy đo đạc cẩn thận rồi ghi số đo ra một cuốn sổ. Một tuần sau, tấm áo dài may xong và mọi người trong gia đình đều hồi hộp đợi người đến thử. Điều đặc biệt, tấm áo dài đầu tiên mà cô bé Sính cắt may lại chính là để phục vụ cho cô dâu mặc trong ngày cưới.

Thì ra, bấy lâu, Sính đã lẳng lặng quan sát người thợ may từ khâu đo, đến việc cắt và việc máy. Vốn tinh tế lại khéo tay, nên tấm áo dài sau khi khoác lên người tiểu thư đã tôn vẻ đẹp đài các kiêu sa, lại thêm phần gợi cảm, thanh lịch.

Cô tiểu thư nọ vô cùng ưng ý và kể lại... Thế là nhiều người tò mò kéo đến cửa tiệm, ngỏ ý muốn được mặc thử chiếc áo dài của bé Sính cắt may. Ai cũng nhận ra, tấm áo dài đầu tiên của bé Sính cũng có chút gì khác với các áo dài đang thịnh hành lúc bấy giờ. Hồi đó, áo dài may cổ thấp, cao nhất chỉ khoảng 2,5 cm, và tất cả đều rập khuôn một kiểu dáng áo suông, buông thõng. Vốn ưa phá cách, nên Sính đã nghiên cứu ra chiếc áo dài cách điệu nhưng cũng rất nền nã, duyên dáng. Cô nào gầy, cổ nhẳng xương xương, Sính mạnh tay cho cổ cao lên đến 3 cm, hoặc 4cm.

Trần Mỹ Hiền 


Phần mềm giao nhận logistic