Ý kiến của một số chuyên gia về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Bà Đinh Thị Bạch Mai, TU viên - ĐB Quốc hội - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ TP phát biểu đề dẫn
Chiều ngày 28/8/2015, tại trụ sở cơ quan Hội LH Phụ nữ Tp. HCM; Hội Nữ trí thức TP. HCM phối hợp cùng Hội LH Phụ nữ TP. HCM tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Đồng chủ trì Hội thảo có bà Đinh Thị Bạch Mai, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Thành phố, đại biểu Quốc hội; Ths. Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP, đại biểu Quốc hội; và Ths. Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch Thường trực Hội LH Phụ nữ TP.
LS. Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, nguyên Chánh tòa Hình sự, Tòa án TP. HCM
Các chuyên gia là các luật sư, luật gia, cán bộ giảng dạy luật trường đại học, cán bộ ngành tòa án, lãnh đạo phòng Pháp chế Công an TP,… đã tới dự và tập trung tham luận 8 vấn đề trọng tâm, gồm: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; Bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; Chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Điều 35 và 36 dự thảo); Lựa chọn phương án hình phạt trục xuất; Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; Bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; Bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.
LS. Lý thị Tố Mai, Phó Chủ nhiệm CLB Nữ luật sư đoàn TP. HCM
Song song với lắng nghe các tham luận tại Hội thảo, Ban tổ chức còn phát phiếu đến từng đại biểu để tham khảo ý kiến về từng vấn đề cụ thể. Kết quả như sau:
- 100% ý kiến đồng tình với việc quy định tội phạm hình sự của pháp nhân trong thời điểm hiện nay là cần thiết vì nếu không quy định sẽ dẫn tới tình trạng núp bóng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng; và đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về phạm vi trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
- 90.90% ý kiến đồng tình với quy định tại Điều 12 của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (Điều 311) và tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về việc không áp dụng quy định chuyển đổi hình phạt hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Khoản 4 – Điều 35 & Khoản 5 - Điều 36) đối với tội phạm bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng; đồng tình việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; và đồng tình việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.
- 72.72% ý kiến đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa.
- 63.63% ý kiến đồng tình là trước mắt chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi do pháp nhân thực hiện, xảy ra tương đối phổ biến và thực sự gây bức xúc trong nhân dân, bao gồm 15 tội phạm được quy định trong Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); và đồng tình với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét hỏi hoặc lập công lớn (Điểm C khoản 3 Điều 39 Dự thảo).
- 54.54% ý kiến đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về 32 tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự; đồng tình với quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên; đồng tình với quy định về chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Khoản 5 - Điều 36); và đồng tình với phương án 2 quy định về hình phạt trục xuất; đồng tình với quy định về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng.
- 45.45% ý kiến đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy,…; và đồng tình với phương án 2 quy định về vấn đề giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm (Khoản 3 Điều 63).
- 18.18% ý kiến đồng tình với phương án 1 quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về chuyển đổi hình phạt tiền, thành hình phạt tù có thời hạn (Khoản 4 - Điều 35).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nguyên Phó GĐ Sở LĐTBXH TP. HCM
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với những bổ sung, sửa đổi các vấn đề nêu trên cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình, thậm chí ngay cả những vấn đề được đại biểu đồng tình nhất trí cao thì cũng còn những băn khoăn lo ngại, cụ thể như sau:
1- Đồng tình với việc quy định tội phạm hình sự của pháp nhân trong thời điểm hiện nay, nhưng các ý kiến cũng rất băn khoăn, đã là pháp nhân thì không nên có “vùng cấm” như phương án 1 của Điều 2 “….Quy định này không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.”, mọi pháp nhân phạm tội phải bình đẳng trước pháp luật.
2- Đồng tình với các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng một số ý kiến đề nghị nên đưa vấn đề này ra khỏi Bộ Luật Hình sự, để quy định trong một văn bản khác.
3- Trong số 45.45% người được hỏi đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy,…nhưng trong số đó vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn: Có nên bỏ tử hình đối với tội phạm vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt ma túy và tội chủ mưu cướp giật hay ko? Vì trong tình hình hiện nay tình hình cướp giật rất nhiều, đặc biệt vấn nạn ma túy đang hủy hoại từng gia đình, nhất là lớp thanh thiếu niên, trong khi kẻ đầu nậu không bao giờ ra mặt. Nếu không xử tử hình tội phạm vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt trái phép ma túy thì không bao giờ kẻ tòng phạm khai ra kẻ chủ mưu. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt, vì hiện nay tội phạm này rất nhiều.
4- Trong số 63.63% người được hỏi đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét hỏi hoặc lập công lớn (Điểm C khoản 3 Điều 39 Dự thảo) thì ngay trong số đó cũng còn có ý kiến không đồng tình bỏ án tử hình với tội phạm tham nhũng, vì tham nhũng là tội rất khó phát hiện và phần tài sản phạm tội xác định được chỉ là phần nổi của tảng băng; đặc biệt tham nhũng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến nền chính trị, đến lòng tin của nhân dân, uy tín của Đảng, của chính quyền nên phải xử nghiêm. Hơn nữa, trong điều kiện trình độ quản lý của ta còn non kém, cộng thêm với tâm lý của người phương Đông xử lý công việc thường nghiêng về tình cảm thì cần có những điều luật nghiêm khắc để răn đe, hạn chế quốc nạn tham nhũng hiện nay. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đồng ý bỏ tử hình tội tham nhũng, nhưng phải quy định rõ hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân và không được ân xá để không còn có cơ hội “ngựa quen đường cũ”. Tóm lại, đối với tội tham nhũng thì không được khoan nhượng. Vì vậy, cũng có nhiều ý kiến đề nghị hình phạt đối với tội tham nhũng và hối lộ là cấm giữ chức vụ vĩnh viễn, không nên quy định thời gian phục hồi .
5- Trong số 54.54% người được hỏi đồng tình với quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên, thì cũng còn có ý kiến chỉ đồng ý nếu phạm các tội không phải là hiếp dâm trẻ em và chứa chấp, vận chuyển, chiếm đoạt trái phép ma túy.
6- Đa số các ý kiến không đồng tình và bày tỏ bức xúc với phương án 1 quy định của Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) về chuyển đổi hình phạt tiền, thành hình phạt tù có thời hạn (Khoản 4 - Điều 35). Nếu quy định điều luật này sẽ tạo bất bình đẳng trong xã hội, những người nghèo sẽ bị đi tù, còn người có tiền phạm tội thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
7- Về bổ sung một số tội phạm mới, các ý kiến cũng đề nghị giải thích rõ khái niệm “Tội khiêu dâm”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Trương Thị Ánh hứa tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý tại Hội thảo và trong phiếu tham khảo để báo cáo lên Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh tổng hợp và báo cáo cho Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Khánh Tâm
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024