Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp

Bà Nguyễn Thị Lựu (23.9.1909 - 11.10.1988) quê xã Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tham gia cách mạng từ năm 1927; năm 1928 bà được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập . Bà từng  được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách: Thường vụ Tổng Công hội Đỏ Xứ ủy Nam Kỳ khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hoà bình TP. Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Trí vận; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Xứ ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Phó Tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội các khóa II – III – IV. Cuộc đời bà rạng rỡ đôi đàng về sự nghiệp cách mạng kiên trung, bất khuất; về tình yêu, thủy chung. Tên bà được đặt cho một Trường trung học cơ sở  và một con đường trong Thành phố Cao Lãnh. 

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Lựu (mà thế hệ chúng tôi vẫn gọi với cái tên gần gũi là Dì Tám Lựu) tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Quốc hội - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7/1979. Bà là một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ,…Bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ, trung kiên của bà  là ẩn số cho những người thế hệ sau, khi tìm hiểu về những người phụ nữ dấn thân đầu thế kỷ XX. Tài sản quý báu nhất bà mang theo suốt cuộc đời là bức tranh “Uyên ương thêu dở”- đó là chiếc áo gối bà đang thêu cho ngày thành hôn của mình thì nghe tin người yêu hy sinh. Nỗi đau, niềm nhớ thương đã phải chôn chặt trong tim, chiếc áo gối – bức tranh thêu dở được cất dưới đáy va-ly cho đến lúc bà đi vào cõi vĩnh hằng, những người bạn thân thiết của bà mới tìm thấy và nó trở thành hiện vật kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Bức tranh thêu dở của bà đã làm xúc động bao trái tim những khách tham quan và luôn thôi thúc chúng tôi không ngừng tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của bà . Cuộc đời cách mạng với nhiều kỳ tích nhưng khi mất đi, bà không có gia đình, không con cái bên cạnh. Di ảnh của bà được Tịnh xá Ngọc Phương rước về và hàng năm tổ chức giỗ tưởng niệm bà. Ở nơi bà yên nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố, mộ bà cũng được các Đoàn viên thanh niên Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thăm viếng và chăm sóc.

Để góp một việc làm thiết thực ghi nhớ công ơn nhà cách mạng lão thành đã cống hiến tất cả tinh hoa cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng; Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức  thực hiện ấn phẩm “ Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp”.

Nhà văn Trầm Hương là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Hội đi tìm lại, chắp nối từng mảnh ký ức từ lâu bị vùi sâu trong lớp bụi thời gian. Các chị về Đồng Tháp, quê hương Dì Tám Lựu, tìm lại dấu vết năm xưa và không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những đoạn bờ sông bị sạt lở, nhiều ngôi nhà ven sông xưa kia sầm uất thì nay không còn do bị nước cuốn trôi. Ngôi nhà thời thơ ấu của Dì Tám Lựu cũng cùng số phận, những thăng trầm lịch sử, sức công phá lạnh lùng của thời gian đã xóa sạch mọi dấu vết.

Dù vật đổi sao dời, nhưng Dì Tám Lựu vẫn không bị quên lãng. Đi trên con đường mang tên Nguyễn Thị Lựu, đến thăm ngôi trường mang tên Dì, qua ký ức những người cùng thời với Dì (hiếm hoi còn được sống đến hôm nay), chúng tôi cảm nhận người con gái Nguyễn Thị Lựu năm xưa vẫn hiện hữu, tràn đầy sức thanh tân. Dì đang hoá thân vào cuộc sống hôm nay, trong những gương mặt trẻ thơ đang hướng tới ngày mai...

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945-2015); Hội Nữ Trí thức Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng gửi đến bạn đọc xúc cảm  của thế hệ con cháu trước tấm gương kiên trung, bất khuất của một người phụ nữ đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước. Chúng tôi mong xúc cảm của những người đang được sống hôm nay  truyền dẫn được đến bạn đọc vẻ đẹp vĩnh hằng của một người phụ nữ Việt Nam - một vẻ đẹp thầm lặng toả sáng, bất chấp những lớp bụi thời gian.

Cuốn sách “Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp” là sự phản ánh trung thực, sinh động tình cảm uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào về giới của lớp người con cháu vẫn luôn chan chứa bầu máu nóng, rung động và trân trọng những giá trị cao đẹp của quá khứ để cố gắng khắc họa vẻ đẹp sống động - chân dung người phụ nữ từng là Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Nỗ lực của  tác giả và nhóm biên soạn thật đáng trân trọng.

Trong quá trình thực hiện ấn phẩm, chúng tôi không tránh được những sai sót. Rất mong bạn đọc đón nhận và góp ý để cuốn sách được phong phú, đầy đặn và hoàn hảo hơn.

                                                   Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2015

                  PGS-TS. Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Tp. Hồ Chí Minh

 

 


Phần mềm giao nhận logistic