“Như là huyền thoại” – Chương trình từ trái tim đến trái tim
Kế hoạch thực hiện chương trình “Như là huyền thoại” được BCH Hội Nữ trí thức Tp. Hồ Chí Minh nhất trí thông qua tại phiên họp BCH định kỳ lần 3 (ngày 28/5/2015). Và trong vòng 90 ngày, Ban Tổ chức đã phải tập trung, nỗ lực hoàn thành một khối lượng lớn công việc để cho ngày diễn ra sự kiện vào tối ngày 4/9 tại Nhà hát Thành phố thật trọn vẹn và ý nghĩa.
PGS-TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP phát biểu khai mạc
1- Đi tìm và chắp nối từng mảnh ký ức về Dì Nguyễn Thị Lựu (Tám Lựu), lãnh tụ của phong trào phụ nữ Sài Gòn những năm 1949 - 1954
Trong những ngày cuối tháng 7/2015, hai thành viên của BCH Hội Nữ trí thức Tp. HCM là nhà văn Trầm Hương và tôi đã tự lái xe hơi tìm về Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Nơi mà cách nay hơn 100 năm Dì Tám Lựu đã được sinh ra, lớn lên và tìm đến với cách mạng) để gấp rút tìm thêm tư liệu cho cuốn sách “Nguyễn Thị Lựu – Cuộc đời và sự nghiệp”.
Chúng tôi đã được “Thổ địa” - Nhà thơ Hữu Nhân (Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Đồng Tháp) dẫn đường và liên lạc với ông Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (THCS NTL), dù đang đi công tác xa ông vẫn bố trí người tiếp đón, cung cấp tư liệu; đồng thời nhà thơ Hữu Nhân cũng liên hệ nhờ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp sắp xếp lịch làm việc với mẹ ruột là cán bộ lão thành Lê Thị Vạn (là cháu gọi dì Tám Lựu bằng cô và là người biết khá rõ về cuộc đời hoạt động cách mạng của dì Tám).
Đến trường THCS NTL trong những ngày hè, nên thiếu vắng không khí rộn ràng của tiếng trống trường, nhưng chúng tôi vẫn được một thầy giáo và anh em bảo vệ nhiệt tình tiếp đón, hướng dẫn lên phòng truyền thống để thả hồn vào những kỷ niệm mà Trường đã cố gắng sưu tầm và gìn giữ. Một bát nhang trước di ảnh dì Tám đặt trên kệ thờ, bên dưới là bảng tiểu sử về dì Tám. Đối diện là tủ trưng bày một số tư liệu, hiện vật như cuốn sách “Tình yêu và ánh lửa”; bản nhạc bài hát truyền thống của Trường “ Bài ca trường Nguyễn Thị Lựu”, mà tác giả Nguyễn Duy Trung, cũng từng là học sinh của Trường NTL. Những lời ca mộc mạc nhưng chất chứa đầy cảm xúc tự hào của bao thế hệ học sinh được học tại ngôi trường mang tên NTL.
Thật xúc động khi được diện kiến bản photo chữ viết tay của dì Tám đứng ra bảo chứng, chịu trách nhiệm về bà Lê Thị Ngọc Hạnh, từng là Phó chủ tịch Mặt trận xã Vĩnh Ngươn và tham gia làm giáo viên xóa mù chữ trong phong trào bình dân học vụ sau cách mạng tháng 8/1945. Tờ giấy bảo lãnh ký ngày 24/4/1986, tức là 41 năm sau – Một thời gian đủ dài để người ta có thể quên đi nhiều thứ và từ chối những trách nhiệm lương tâm mà không ai có thể bắt buộc.
Đến thăm và làm việc với dì Lê Thị Huệ (Năm Vạn) chúng tôi càng xúc động hơn khi được nghe kể về những phẩm chất rất đáng kính của dì Tám. Một người được sinh ra và lớn lên trong gia đình địa chủ, giàu có, nhưng lại có tấm lòng thương yêu và hòa đồng với cuộc sống những người ở tầng lớp bình dân nghèo khổ, người có ý chí cách mạng kiên cường, có tình cảm hiếu thảo đặc biệt với cha mẹ (Dì Tám không thể thành thân với người chồng chưa cưới chỉ vì chưa có điều kiện về lạy và xin phép cha mẹ).
Lòng rưng rưng khi đứng trước khu đất trống bỏ hoang, xưa kia là ngôi nhà, vườn cây xanh rợp bóng mát cùng nhà thủy tạ trên sông của gia đình dì Tám. Cảnh cũ, người xưa đều đã mất cứ đeo đẳng, thôi thúc, động viên chúng tôi phải cố gắng tái sinh, truyền dẫn đến những lớp người hôm nay và mai sau cảm nhận sâu sắc bài học về sự hy sinh, cống hiến của những người phụ nữ yêu nước, phấn đấu suốt đời vì lý tưởng cách mạng đã lựa chọn.
Với tình cảm đó, Nhà văn Trầm Hương đã miệt mài biên khảo, chấp bút trong vòng hơn một tuần; còn tôi thì đọc và biên tập lần thứ nhất trong khi ngồi trên máy bay về Nha Trang làm giỗ Ba tôi. Tôi vốn đã vụng chuyện bếp núc lại thêm cớ danh chính biên tập sách nên hầu như tôi chẳng phụ chuyện giỗ chạp cùng các chị em dâu; ngoài việc ra mộ thắp nhang cho Ba, tôi đã vùi đầu một ngày, một đêm để kịp chuyển cho nhà in. Sau khi nhà in chỉnh sửa, dàn trang tôi lại mất chừng đó thời gian để biên tập lần thứ 2; song song là việc chọn ảnh làm hình bìa, chọn thiết kế bìa, so sánh, đọ tới, đọ lui để sao cho vừa ý nhất. Dù thời gian gấp nhưng chúng tôi vẫn tỉ mỉ, chăm chút từng câu chữ, từng sự kiện, từng chi tiết để cố gắng đảm bảo chính xác ở mức tối đa về nội dung và đẹp về hình thức. Đến cuối ngày 01/9, trước khi diễn ra Chương trình hai ngày, nhà in đã chuyển cho chúng tôi những thành phẩm đầu tiên.
2- Kịch bản sân khấu hóa Năm cánh sao trời
Lựa chọn nhân vật lịch sử để hình tượng hóa trên sân khấu là vấn đề mà BCH Hội rất cân nhắc. Nhưng thật may, khi chúng tôi giới thiệu 5 vị nữ anh hùng của thế kỷ XX thì tất cả ủy viên BCH trong phiên họp định kỳ lần 3 đã nhanh chóng thống nhất, đó là Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh; Bà mẹ VNAH – Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Rành; Liệt sĩ – Bí thư TU Sài Gòn, Chợ Lớn những năm 1936 – 1940 Nguyễn Thị Minh Khai; Anh hùng LLVTND - Nữ tướng Nguyễn Thị Định; Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Lê Thị Riêng. Đây là những nhân vật có một phần đời gắn bó và cống hiến sự nghiệp cách mạng tại Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, thử thách với chúng tôi là làm sao trong thời lượng 60 phút phải chuyển tải cho người xem cảm nhận được những phẩm chất tiêu biểu của 5 nhân vật? Vì vậy quá trình xây dựng kịch bản như con thoi từ TP. Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ, từ Hoa Kỳ về Thành phố,… Bởi người tham gia viết kịch bản với chúng tôi và cũng là đạo diễn Chương trình sân khấu hóa là ĐD - NS Nguyễn Thị Minh Ngọc (Hiện chị đang sống cùng chồng ở Mỹ).
Cho đến cuối tháng 7, Kịch bản đã tạm gọi là hoàn tất, các điểm nhấn trong mỗi trích đoạn của từng nhân vật đã được thống nhất. Với Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh là cuộc đối thoại của Bà với tên mật thám trong đêm trước ngày tờ báo Nữ giới chung bị đình bản; tinh thần tự tôn dân tộc của Nữ sĩ đã làm thức tỉnh lương tâm tên mật thám. Với nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai là tinh thần quả cảm trước giờ phút bị xử bắn; và tấm lòng nhân hậu của bà đối với đồng bào, đồng chí, với người thân, cha mẹ, với người chồng cùng chí hướng, đặc biệt là với Hồng Minh, con gái bé bỏng phải dứt sữa mẹ khi mới lọt lòng. Với Bà mẹ VNAH – AHLLVTND Nguyễn Thị Rành là tâm trạng khi nhận tin báo tử của hai người cháu nội, ngoại; và hơn thế, má luôn phải chôn chặt những nỗi đau trong tim, nỗi đau của 10 lần tiễn con cháu đi, 10 lần khóc thầm lặng lẽ, để cùng đồng bào, đồng đội vững vàng đối mặt và vượt qua những thử thách cam go vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh. Với AHLLVTND Lê Thị Riêng là khoảnh khắc đau thương khi bà phải nhận tin báo tử người chồng trong hoàn cảnh thương nhớ quay quắt hai con nhỏ đang gửi ở miền Bắc xa xôi. Trong nỗi chơi vơi, đau buồn đó, trái tim nhân hậu của bà vẫn tỏa sáng tình cảm đối với tất cả những người mẹ phải xa con, vợ phải xa chồng,…Với AHLLVTND – Nữ tướng Nguyễn Thị Định là những suy tư, lời tự vấn của người mẹ sau hơn một phần hai thế kỷ cống hiến và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của cách mạng, nhưng vì việc chung mà cứ lần lữa, chưa làm được một việc cho vong linh đứa con trai duy nhất là mang hũ cốt của con về an táng tại quê nhà.
Hình tượng SKH Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh
Hình tượng SKH Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai
Hình tượng SKH Bà mẹ VNAH - AHLLVTND Nguyễn Thị Rành
Hình tượng SKH AHLLVTND - Liệt sĩ Lê Thị Riêng
Hình tượng SKH AHLLVTND - Nữ tướng Nguyễn Thị Định
Sau công việc phân vai để diễn viên đọc và cảm nhận nhân vật là tập trung “nước rút” cho tập vở. ĐD Vũ Minh đã thuê sân khấu Nón Lá để trực tiếp tổ chức và hướng dẫn diễn viên tập vở. Còn ĐD Minh Ngọc thì theo dõi và đạo diễn qua mạng Sky, mãi cho tới sáng 24/8 chị mới về đến Tp. HCM. Chiều ngày 27/8, chúng tôi và MC xem “phúc khảo”; sáng ngày 30/8, hai MC làm việc với đạo diễn; sáng ngày 4/9 chạy chương trình chính thức tại Nhà hát Thành phố. Cứ mỗi một cuộc là một lần các kịch bản lại được sửa, cắt tỉa, tuy nhiên anh chị em diễn viên, MC đều rất ý thức về sự thay đổi này nên luôn cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Đặc biệt trong buổi sáng chạy chương trình tại Nhà hát TP, sự có mặt của chị Chủ tịch Hội Nữ trí thức, các chị trong Ban Thường trực Hội cùng những lời góp ý cho các diễn viên từng chi tiết nhỏ đã khích lệ, động viên tinh thần các anh chị em diễn viên rất lớn.
Những cố gắng, nỗ lực của cả tập thể đã góp phần quan trọng đưa đến thành công cho đêm diễn tối ngày 4/9. Rất nhiều báo chí tập trung đưa tin tuyên truyền. Báo Tuổi trẻ đã viết: “…Chương trình nghệ thuật Như là huyền thoại do Hội Nữ trí thức TP.HCM tổ chức vào đêm 4-9 tại Nhà hát Thành phố như một thông điệp yêu nước gửi đến các giới”. Còn HTV thì đưa tin: “….Chương trình đã khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng sinh động của tinh thần "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Không những vậy, chương trình còn là dịp thể hiện tấm lòng, tình cảm tri ân của Hội Nữ trí thức TP tôn vinh tinh thần yêu nước, đức hi sinh của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”.
3- Những người góp phần quan trọng tạo nên thành công cho CT “Như là huyền thoại”
Để có được những thành công đó, trước hết phải kể đến nhân tố quyết định là công tác tổ chức, sự hỗ trợ giúp sức của tập thể Ban Thường vụ và cán bộ, nhân viên THPN. Các anh chị đã không quản thời gian, làm việc cả trong ngày thứ 7, chủ nhật; sự cố in sai thư mời của nhà in đã kéo dài thời gian và làm mất công tốn sức của anh chị em nhưng cuối cùng mọi việc đều được khắc phục nhanh chóng; ngày diễn ra CT được nhóm tiếp tân tổ chức khá bài bản từ khâu tiếp đón đại biểu đến bưng bê trên sân khấu,…
Một yếu tố cũng vô cùng quan trọng là vấn đề tài chính. Khi nhìn bản dự trù kinh phí lên gần 400 triệu đồng tôi thật sự lo lắng, nhưng được sự động viên của chị Chủ tịch Hội, nên tôi đã khá là vững tâm để chuyên tâm nghiên cứu công tác tổ chức, suy nghĩ ý tưởng cho họa sĩ thiết kế font sân khấu, thư mời, bandrol, pano, thư cảm ơn, bảng tiền tượng trưng,… Đặc biệt là đầu tư cho kịch bản Sân khấu hóa và kịch bản tổng thể CT. Nói như vậy để thấy vai trò công sức của chị Chủ tịch Hội là hết sức quan trọng, chị đã nhận một nhiệm vụ quan trọng nhất, trực tiếp đi vận động được 740 triệu đồng cho Quỹ học bổng và tổ chức thực hiện CT tối ngày 4/9.
PGS-TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP, thay mặt BCH nhận bảng tiền tương trưng 400 triệu đồng từ nhà tài trợ chính, Trường Quốc tế Mỹ
GS-TS. Mai Hồng Quỳ, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP, thay mặt BCH nhận bảng tiền tượng trưng 100 triệu đồng từ nhà tài trợ Cty TNHH Hoàng Phúc Quốc tế
Ths. Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP, thay mặt BCH nhận bảng tiền tượng trưng 50 triệu đồng từ nhà tài trợ Hội Nữ doanh nhân TP
TS. Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP, thay mặt BCH nhận bảng tiền tương trưng 50 triệu đồng từ nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín
Ths. Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức TP, thay mặt BCH nhận 2 bảng tiền tượng trưng 50 triệu đồng từ nhà tài trợ Cty CP Thanh niên - nhà tài trợ Cty Lê Hà; và bảng tiền tượng trưng 20 triệu đồng từ nhà tài trợ Cty CP Thẩm mỹ Toàn diện Quốc tế.
Mặc dù không đến dự CT Như là huyền thoại, nhưng LH Hợp tác xã Thương mại Tp. HCM đã chuyển 40.000.000 đồng ủng hộ Qũy học bổng Vì nữ SV vượt khó, học giỏi.
Điều cuối cùng tôi muốn nói và cũng là lời cảm ơn đó là sự tham dự đông đảo của nhiều giới đại biểu, từ Bà mẹ VNAH, các nữ anh hùng LLVTND, nữ AHLĐ, các bộ lão thành, các cựu nữ tù chính trị, cán bộ Hội,… đến các hội viên Hội Nữ trí thức, các nữ sinh viên, nữ thanh niên,v.v…Đặc biệt có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Trưởng đại diện VP Phía Nam Hội LHPNVN, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động Tp, Hội LHPN TP,…Cùng sự tham dự của Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Đồng Tháp và cán bộ lão thành Lê Thị Huệ, là khách mời giao lưu trong CT giới thiệu sách Nguyễn Thị Lựu – Cuộc đời và sự nghiệp.
Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà, UV Ban chấp hành TW Đảng - Phó Bí thư Thành ủy tặng hoa tôn vinh Bà mẹ VNAH - AHLLVTND Nguyễn Thanh Tùng
Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Trung ương Hội LHPNVN tặng hoa tôn vinh các nữ AHLLVTND - AHLĐ - Cựu nữ tù chính trị
Các đồng chí lãnh đạo giao lưu cùng CLB Nữ nghệ sĩ trong tiết mục Lung linh lẽ sống, bài hát truyền thống phụ nữ TP. HCM
CB lão thành Lê Thị Huệ trong chương trình giao lưu giới thiệu sách Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp
Các đồng chí lãnh đạo tặng học bổng cho 24 tân nữ sinh viên năm học 2015 - 2016
Chương trình "Như là huyền thoại" là một sự kiện văn hóa của Hội Nữ trí thức TP mừng kỷ niệm 70 năm Tết Độc lập của dân tộc; Chương trình đã khép lại nhưng dư âm của những cảm xúc đẹp còn đọng lại trong tim bao người.
Khánh Tâm
Ảnh: Phùng Huy - Khánh Tâm
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024