Nước mắt người giữ tiếng quê hương

Trong một cuộc phỏng vấn mà cả nhân vật lẫn phóng viên đều không kìm được xúc động, tôi đã hỏi người phụ nữ với vẻ ngoài lam lũ ấy về dự định trở lại Việt Nam sinh sống. Bà trả lời: "Cô không về đâu con! Cô về thì lấy ai dạy tụi nhỏ học tiếng Việt!?".

Trong số những học viên tham gia Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2015 tại Hà Nội, có hai người phụ nữ tuổi khoảng lục tuần luôn đồng hành trong các hoạt động. Đó là hai Việt kiều Campuchia, bà Nguyễn Thị Sương (sống ở tỉnh Pre Sihanouk) và bà Thạch Thị Lan (sống ở Thủ đô Phnom Penh).

Nhìn hai người phụ nữ có vẻ ngoài đầy khắc khổ, yếu đuối cùng đôi bàn tay chai sạn vì mưu sinh ấy, không ai có thể hình dung, trong cuộc sống bươn chải nơi đất khách quê người, họ vẫn tận dụng tối đa quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để dạy tiếng Việt cho những đứa trẻ đang chịu nhiều thiệt thòi khi phải sống xa quê hương.

Dạy học vì cái Tâm

Học viên Nguyễn Thị Sương sinh năm 1952 ở Long Thành (Đồng Nai). Bà lấy chồng người Campuchia rồi theo ông sang định cư ở tỉnh Pre Sihanouk từ năm 1980. Nơi đây có rất đông người Việt Nam sinh sống nhưng phần lớn đi làm thuê nên không có điều kiện đưa con đến trường. Đó chính là lý do mà từ lâu, Hội Việt kiều Campuchia phải vất vả vận động các thầy cô giáo có chuyên môn, cũng như bà con trong cộng đồng, những ai có lòng nhiệt tình và khả năng tiếng Việt tương đối tốt, thử làm giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em tại đây.

Năm 2009, theo đề nghị của Tỉnh hội Việt kiều tại Pre Sihanouk, bà Sương nhận lời đứng lớp, dù lúc đó chưa có chút kinh nghiệm giảng dạy nào. Bà kể lại: "Trước đó, ở tỉnh có khá nhiều thầy cô dạy tụi nhỏ học tiếng Việt. Nhưng vì dạy học không lương nên mọi người bỏ dần, dù rất thương bọn trẻ. Lớp học ban đầu rất lộn xộn làm tôi cũng thấy lúng túng. Đến khi quen rồi, tôi tự tìm ra cách kiểm tra, phân chia lớp để việc dạy - học hiệu quả hơn".

Thế là, gần bảy năm nay, hàng ngày, cô giáo Nguyễn Thị Sương đều đặn lên lớp uốn nắn từng câu chữ tiếng Việt cho những học trò nhỏ. Mỗi ngày của cô giáo Sương bắt đầu từ 4h30. Sau khi nấu cơm cho hai cháu nội, bà đạp xe đến chỗ làm. Hơn 7h, xong việc, bà lại đạp xe về để thu xếp việc nhà rồi đến 10h30 đến lớp dạy bọn trẻ học tiếng Việt. Có những lúc, lớp học lên tới 50 học sinh. Thấy vắng em nào, cô giáo Sương lại đạp xe đến tận nhà để tìm hiểu lý do và động viên học sinh của mình trở lại lớp.

Trong số các Việt kiều ở Pre Sihanouk, bà Sương có hoàn cảnh khá khó khăn. Toàn bộ gia đình nhà chồng bà đã bị giết hại trong thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ. Cách đây tám năm, người con trai của ông bà cũng qua đời, để lại hai đứa cháu nội. Cách đây hai năm, trước khi qua đời, chồng bà trăn trối: "Mình đưa con về Việt Nam đi! Tôi đi rồi, chẳng còn ai bảo vệ mình". Sau khi qua đời, bà Sương một mình vừa làm thuê kiếm tiền nuôi hai đứa cháu mồ côi, vừa tranh thủ dạy học không lương cho lớp học tiếng Việt của cộng đồng.

Càng thương tụi nhỏ không có giấy tờ để học trường công Campuchia, cũng chẳng viết được con chữ tiếng Việt cho đến nơi, đến chốn, bà Sương lại càng gắng gượng duy trì lớp học của mình. Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, thời gian biểu của bà kín giờ dạy học, làm thêm, việc nhà, chăm sóc hai cháu nhỏ…

Bà bảo: "Tôi là người Việt Nam. Tôi không bỏ được văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bộ đội thì cầm súng giữ biên cương Tổ quốc còn tôi thì cầm cây viết để bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc mình. Vào những ngày lễ, tết của Việt Nam, các con tôi đều thu xếp công việc để trở về tụ họp với gia đình".

Vị Hiệu trưởng của bốn điểm trường

So với cô giáo Sương, cô giáo Thạch Thị Lan phần nào có những điều kiện thuận lợi hơn về mặt vật chất do đảm nhiệm công việc dạy tiếng Việt ở Thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, với một phụ nữ gần 60 tuổi, việc hàng ngày vừa bươn chải khắp 4 điểm trường bằng xe buýt, xe ôm để dạy trẻ em Việt kiều; vừa tranh thủ dạy tiếng Việt cho sinh viên Campuchia vào giữa trưa và chiều tối để kiếm sống thì khối lượng công việc quả là quá sức.

Mỗi ngày, bà Lan dạy học ở trường của Hội Việt kiều từ 7h30 đến 10h30. Ngay sau đó, bà lại đứng lớp dạy thêm tiếng Việt cho các sinh viên Campuchia. Đến chiều, bà trở lại trường của con em người Việt dạy học trong 3 tiếng đồng hồ, để đến 16h30 lại dạy kèm cho tới tối. Bà bảo: "Không riêng tôi mà tất cả các giáo viên dạy tiếng Việt tại trường của Hội Việt kiều đều có điều kiện hết sức khó khăn và gần như không còn chút thời gian nào để nghỉ ngơi".

Bà Lan cho biết, người Việt ở đây đa số đi làm thuê, bán hàng rong để kiếm sống. Trẻ em người Việt chủ yếu học miễn phí trong trường của Hội Việt kiều. Riêng bốn điểm trường mà tôi phụ trách, thời điểm số học sinh thấp nhất như hiện nay vẫn có khoảng 500 em.

Theo bà, hiện nay, có một khó khăn là gần như 100% các cháu không có giấy tờ hợp pháp nên không được đến trường Campuchia. Vì vậy, con số thất học rất đông. Trước tình hình đó, Tổng hội người Việt ở Campuchia đã mời cô giáo Campuchia về trường, dạy cho con em người Việt. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải một khó khăn là cô giáo Campuchia không biết tiếng Việt, các cháu người Việt thì chưa nghe được tiếng Campuchia.

Vì thế, trong lớp học tiếng Việt của mình, cô giáo Thạch Thị Lan vừa dạy các con học tiếng Việt, vừa uốn nắn cả tiếng Campuchia. Bà bảo: "Tôi nói với bọn trẻ là các con phải ráng học tiếng Campuchia để đi học thì đời sống mới khá lên được, chứ thất học thì rồi lại đi làm thuê. Nhưng các con cũng không được quên tiếng Việt vì người Việt không được quên nguồn cội của mình".

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi đã đến giờ các học viên trở lại lớp Tập huấn. Nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt hai người phụ nữ khắc khổ ấy, tôi hỏi: "Cuộc sống ở đấy vất vả quá, nếu được tạo điều kiện, các cô có về Việt Nam không?"

Cô giáo Lan trả lời tôi bằng ánh nhìn xa xăm, còn những giọt nước mắt bất chợt lăn khỏi khóe mắt đầy vết chân chim của cô giáo Sương: "Cô không về đâu con. Cô về thì ai dạy tụi nhỏ học tiếng Việt?".

                                                                         Theo Thế giới và Việt Nam


Phần mềm giao nhận logistic