“Phụ nữ không chỉ biết lo làm vợ, làm mẹ!”

(TBKTSG Online) - “Nếu coi phụ nữ chỉ dừng lại ở việc làm vợ, làm mẹ là chưa đầy đủ. Phụ nữ trước hết, phải là con người với đầy đủ ý nghĩa của từ này,” Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, chia sẻ trong cuộc thảo luận sáng ngày 12-9, xoay quanh cuốn Bí ẩn nữ tính (tác giả Betty Friedan, Nguyễn Vân Hà dịch, ĐH Hoa Sen & NXB Hồng Đức vừa ấn hành) trước học giới quan tâm tới vấn đề nữ quyền.

Bí ẩn nữ tính, theo tác giả Betty Friedan khảo sát và mô tả, chính là điều kiện, niềm tin và thể chế âm ỉ khiến người phụ nữ ở nước Mỹ thập niên 1960 đánh rơi các mục tiêu lớn hơn của cuộc đời và vai trò xã hội để “quay về nhà”, tự giới hạn mình, loay hoay với những trách nhiệm thuộc về gia đình. Cuốn sách mổ xẻ nguyên nhân điều gì đã làm cho tình hình nữ quyền ở Mỹ đã phát triển rất mạnh mẽ  từ khoảng 1930 bỗng dưng “đi xuống” vào các năm 1950-1960?

Với câu chuyện nữ quyền ở Việt Nam, từ góc độ cá nhân, bà Phượng cũng cho rằng mình may mắn được sinh trưởng trong một gia đình và giáo dục trường học tiến bộ, một phần do tính cách riêng cho nên cuộc đời bà đã thoát khỏi “bí ẩn nữ tính” rất dễ dàng so với những người cùng thế hệ. Trong quá trình tham gia nghiên cứu giảng dạy về làn sóng nữ quyền thứ nhất ở Việt Nam, TS. Phượng tự nhận là “cảm thấy có lỗi, day dứt” khi nghĩ rằng phụ nữ được học, có quyền, có ý chí thì phải có trách nhiệm giải phóng cho những phụ nữ khác.

Cũng theo TS. Bùi Trân Phượng, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng đấu tranh nữ quyền. Làn sóng thứ nhất từ 1918-1945) nhưng vì nhiều lý do chính trị, xã hội, ý thức nên từ chỗ phát triển rất mạnh mẽ, làn sóng này đã “đi xuống chân sóng”. Làn sóng thứ hai là trong thời kỳ cách mạng (1945-1975) – chính vì đây là thời kỳ chiến tranh, phụ nữ là nạn nhân của nhiều xáo trộn giá trị. Và làn sóng thứ ba của nữ quyền lẽ ra xuất hiện trong thời kỳ tái thiết đất nước sau chiến tranh, song vì xã hội Việt Nam còn nhiều vấn đề bận tâm khác nên câu chuyện nữ quyền bị đẩy lùi về hậu trường phát triển.

Bà Bùi Trân Phượng cũng như nhiều chuyên gia nghiên cứu có mặt đều cho rằng, đặt vấn đề nghiên cứu nữ quyền trong thời đoạn này là cần thiết để giúp người phụ nữ Việt Nam thoát khỏi cái bóng đôi khi là từ định kiến, từ sự “tự huyễn hoặc” của “bí ẩn nữ tính”, “sự bình yên giả tạo” để giúp họ tìm thấy những mục tiêu lớn hơn trong đời sống, có nhiều việc hơn để làm trong cuộc đời, có thể mưu cầu hạnh phúc và đóng góp hiệu quả cho xã hội.

Thạc sỹ Lê Thị Hạnh (Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội, ĐH Hoa Sen) cho rằng, cuốn sách Bí ẩn nữ tính còn tính thời sự không chỉ với xã hội Việt Nam mà còn với xã hội toàn cầu. Xã hội Mỹ của thập niên 1960 với sự “thoái trào” của nữ quyền có nhiều nét tương đồng với hình ảnh phụ nữ được gán cho các thiên chức, định kiến đến tổ chức lao động trong xã hội Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Sự khuấy động của những nghiên cứu, thăm dò, lý luận trong cuốn sách là rất cần thiết. Câu chuyện tác giả Betty Friedan bên cạnh viết sách, luận chiến, còn trực tiếp xuống đường tham gia vào các hoạt động kêu gọi nữ quyền cũng cho thấy cần có sự gắn kết giữa nghiên cứu lý thuyết và hoạt động thực tiễn.

Cũng theo thông tin từ Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội, thời gian tới, câu lạc bộ Kim Anh (Kim Anh là bút danh của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai khi ký dưới những bài báo kêu gọi, bảo vệ nữ quyền – NV), nơi sinh hoạt học thuật về nữ quyền sẽ hoạt động sôi nổi hơn, đồng thời xúc tiến thành lập tủ sách Kim Anh thuộc ban Tu thư ĐH Hoa Sen để những công trình lý thuyết nữ quyền kinh điển thế giới được giới thiệu nhiều, hệ thống hơn đến độc giả Việt Nam.

Trước khi cuốn Bí ẩn nữ tính của Betty Friedman được ấn hành, ban Tu thư ĐH Hoa Sen cũng đã cho xuất bản hai tác phẩm thuộc chủ đề sách nữ quyền đó là: Nam nữ bình quyền (Đặng Văn Bảy) và Ba đồng ghi-nê (Viginia Woolf).

Nguyễn Vinh


Phần mềm giao nhận logistic