Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa (thứ 2 phải qua) và Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa (bìa phải) trao đổi cùng đại biểu bên lề Hội thảo
 

Hơn 70 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các đảng chính trị, tổ chức hoạt động vì bình đẳng giới, các nhà nghiên cứu đến từ Lào, Campuchia, Indonexia, Hàn Quốc, Mỹ… đã đến dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị”, ngày 25/8, do Hội LHPNVN và Quỹ châu Á (The Asia Foundation) phối hợp tổ chức, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh: Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những giải pháp thực tế của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về vấn đề tăng cường sự tham chính của phụ nữ, vừa đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ; làm rõ những nguyên nhân thành công/chưa thành công, những khó khăn cản trở và những giải pháp hỗ trợ cần có để tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, HĐND và những hỗ trợ để nữ đại biểu cơ quan dân cử hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
 
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế các nước qua 4 phiên với nội dung: Các sáng kiến, giải pháp của Đảng, Quốc hội; của chính phủ; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các cơ quan dân cử.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh: Qua một ngày thảo luận, các đại biểu đã đặt ra 16 vấn đề, tập trung vào câu hỏi lớn nhất và còn tồn tại mãi là làm thế nào để phụ nữ có đại diện nhiều hơn nữa trong cơ quan dân cử, trong chính trị. Trong đó, vai trò nhiệm vụ của Hội LHPNVN được trao đổi, hiến kế nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm quý báu của đại biểu từ các nước về vấn đề: Hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, thực hiện chính sách, trách nhiệm của gia đình, xã hội và các tổ chức, vấn đề nhận thức của phụ nữ, sự ủng hộ của nam giới với phụ nữ tham chính…. Trên cơ sở đó, Hội LHPNVN, các Bộ, ngành có liên quan kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia có chính sách, can thiệp để đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam; cụ thể là đạt chỉ tiêu nữ đại biểu Quốc hội, HĐND trong kỳ bầu cử năm 2016.


    H. Hòa/Báo Phụ nữ Việt Nam