Tìm lại giấc mơ hành trình trên nước Mỹ
"Tìm lại giấc mơ hành trình trên nước Mỹ" của tác giả Võ Thị Kim Loan, hội viên danh dự Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh. Chị hiện là bác sĩ làm việc tại Bệnh viên O’ Connor Bắc California, và như một Trợ lý giảng dạy thực tập ở Trường Đại học Cộng đồng Foothill; chị là thành viên của Hiệp Hội Hô hấp Hoa Kỳ ( AARC) và Tiểu Bang California (CSRC); chị cũng là thành viên Hội Hồi sức Cấp cứu Việt Nam.
"Tìm lại giấc mơ hành trình trên nước Mỹ" sẽ được Hội Nhà văn Thành phố, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố phối hợp tổ chức ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ số 202 Võ Thị Sáu, Quận 3; vào lúc 9g00 ngày 10/10/2015. Tác giả chọn Ngày kỷ niệm một năm thành lập Hội Nữ trí thức TP. HCM (10/10/2014 - 10/10/2015) để giới thiệu cuốn sách như một lời cảm ơn chân thành gửi đến BCH Hội Nữ trí thức Thành phố đã đón nhận chị vào tổ chức Hội.
Lời Mở và Lời Cảm tạ...
Kính thưa các bạn độc giả,
Cám ơn sự trải nghiệm cuộc đời đã cho tôi một cơ hội để trở thành người viết sách, mà trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Cám ơn các bạn đã dành cho tôi thời gian để ngồi đọc những dòng chữ của tôi, dù nó thật khô khan, hay có những lỗi lầm trong ý nghĩa cuộc sống, mà các bạn có thể thốt lên rằng “mất thời gian quá, chuyện này ai cũng biết”.
Không đầy ba trăm trang giấy, gói ghém một cuộc hành trình dài hơn mười năm-một cuộc đời của một con người thì quá chật chội, nhưng cũng đủ cho các bạn hiểu về một khía cạnh nào đó của con người tha phương, khao khát cháy bỏng tìm lại ước mơ của mình... Không đơn giản nhưng cũng không quá phức tạp, và không quá nguy hiểm cho một con người có nghị lực muốn thay đổi ý tưởng sống của chính mình trên “Miền Đất Hứa”.
Một xã hội văn minh, một cuộc sống tự do, với nền kỹ thuật bậc nhất của nhân loại, “Thung Lũng Điện Tử”- Ai cũng mơ ước được nhìn tận mắt, được sờ bằng chính bàn tay, được sống và làm việc bằng chính khả năng của mình ở nơi này. Nhưng ít ai hiểu hơn rằng, khi có được những cái như vậy, thì liệu mình có đứng vững vàng để bước với đôi chân của mình, hay chấp nhận đi bằng cách nương tựa vào “phép thắng lợi tinh thần” nào đó; hay tự nhủ đừng nên thử sức mình vì cuộc sống quê nhà cũng có có sẵn những điều kinh ngạc, những cái “sẵn sàng” mà không cần mạo hiểm...
Như các bạn biết tôi lớn lên trên mảnh đất của đồng bằng Nam Bộ, mọi thứ điều thật đơn giản. Tuổi thơ lớn lên với khái niệm thời gian là mặt trời mọc và mặt trời lặn. Ngày qua ngày, nhìn con nước lớn ròng làm bầu làm bạn...Ruộng vườn là nơi quanh năm suốt tháng của tuổi thơ...Như một người ngồi dưới đáy giếng, chỉ nhìn bầu trời không lớn hơn cái mái nhà tranh...Nhưng rồi...
Một hôm tôi nhận ra rằng thế giới chung quanh mình không phải là mái nhà tôi ở , mà nó rộng hơn cái làng vì nó còn có cái Quận , cái Tỉnh, cả nước Việt nam, và cả thế giới nửa. Sách vở và thầy cô đã giúp mở cửa cho cái bộ não của tôi và cộng với lòng ham muốn khám phá thế giới quanh mình...Chỉ có học tập mới cho tôi cơ hội đạt đến ước mơ của mình, và từ đó từng bước chân tôi bước lên những nấc thang của cuộc đời...Thành công và thất bại luôn xen kẽ với nhau, một điều tôi tin rằng khi tôi đặt mục tiêu thì tôi phải chạm tới.
Nhưng may mắn nhất là tôi được sinh ra gia đình cha mẹ là người quá tuyệt vời, chịu khó chịu thương, cho dù không phải là người học cao hiểu rộng, mà cha mẹ tôi có tấm lòng thương yêu con không bờ bến luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất và ủng hộ cho con học hành , và luôn dõi mắt trông theo từng bước chân con, cho những lời khuyên tốt nhất khi tôi gặp khó khăn, trong khung trường đại học hay cho dù cách xa nửa vòng trái đất, và vẫn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho tôi. Anh em tôi cũng là những người có những ước mơ lớn và là những người thông minh chịu khó, là tấm gương giúp tôi luôn nhìn về phía trước. Cám ơn mọi người luôn bên tôi hành trình dài của cuộc đời và luôn cho tôi tự hào về họ về một gia đình, về một dòng họ hiếu học đã được mọi người biết đến ở quê hương Thạnh Trị, Bình Đại, Bến Tre.
Cám ơn một người bạn của tôi đã là người có công nhiều nhất: “một chữ cũng viết, một câu cũng viết thì nó mới thành quyển sách chứ”... Đó là câu nói của cô ấy mà làm cho tôi viết và cứ viết. Nhớ lại những đêm làm việc trong bệnh viện, thức trắng với những ca bệnh thật khó khăn, dù mệt mỏi mà tôi cứ viết, có những lúc nước mắt tràn ra rớt lên trên bàn phím của máy vi tính... tôi cứ viết. Cám ơn nhà văn Trầm Hương và chính cô ấy đó. Hai cô học trò của trường Trung học Bình Đại Bến Tre, làm đơn thi đại học chung ngành chung trường, chung cả cách nộp hồ sơ...Gởi cho xe đò Bình Đại Bến Tre, chuyển hồ sơ cho kịp ngày hết hạn. Nhưng rồi hai ngả rẽ cuộc đời của hai người, khi được nhận vào đại học...Cô ấy như có duyên với ruộng đồng, nên được nhận vào ngành Nông nghiệp, còn tôi theo mơ ước của mẹ mình “ Muốn con mình làm Bác sĩ”...Rồi cô ấy lại thành nhà văn và tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng, mà ở Việt Nam ai cũng biết như là “ Người Đẹp Tây Đô”, và là người đã chỉnh sửa văn và từ cho tôi, bởi vì tôi là người của “Con số” mà làm sao viết văn... Cám ơn các chị trong Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh cho tôi tham gia như là hội viên danh dự và tạo cơ hội xuất bản quyển sách này.
Cám ơn Thầy giáo của tôi, Giáo sư Vũ Văn Đính, nguyên Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Việt Nam, các bác sĩ và sinh viên của các trường đại học Y Dược Hà Nội và Cần Thơ cùng các bác sĩ của các bệnh viện, cho dù rời xa đất nước rất lâu nhưng mọi người vẫn còn nhớ đến tôi và nguồn động viên rất lớn trong lúc tôi viết quyển sách này.
Cám ơn nước Mỹ, đã chào đón tôi như là người khách “quí”, cho ăn cho ở tạo cho tôi tạo dựng lại cuộc đời mình trên miền đất này. Không nồng nàn nhưng không hắt hủi, luôn đỡ tôi khi tôi ngã xuống nhưng không bao giờ nắm tay để dẫn dắt tôi đi, mà tôi phải tự đứng lên bước đi trên bàn chân của chính mình, cho dù đôi chân đang rỉ máu, cho tôi nhìn thấy, sờ được, sở hữu được cái giá trị đích thực của con người mình .
Cuối cùng cám ơn người chồng, người đã mang tôi đến nước Mỹ và chính vì thế tôi mới có cơ hội để sống làm việc học tập và viết nên trang sách này...Quan trọng hơn tất cả là cám ơn hai con, đã cùng tôi suốt hành trình dài, chia sẻ , động viên, an ủi cho đến ngày hôm nay.
Quyển sách này được cắt ra một phần cuộc đời của cô gái mang tên là Lúa, vì cô ấy giống như hạt lúa của đồng bằng Việt Nam, được trồng trên những mảnh đất khác nhau có lúc thật màu mỡ nhưng có lúc cũng quá khô cằn và đầy sỏi đá...Nhưng qua cuộc đời cô ấy, tôi đây muốn gởi gắm đến bạn đọc những câu chuyện được lấy từ đời sống thật ghép lại thành nhân vật có thể các bạn không nghĩ tới nó có thể xảy ra ở đây, ở bất cứ ai đến định cư trên nước Mỹ...Một khía cạnh nhỏ thôi có thể giúp các bạn hiểu được một một phần “Thế nào là cuộc sống ở Mỹ”, về xã hội, văn hóa, chính trị, và nơi “ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, nơi cái “phân biệt chủng tộc” có hay không? Và giúp cho các bạn làm việc trong ngành Y khoa hiểu thêm về nghề Y của nước Mỹ. Nó không mô tả hết vấn đề, nhưng đâu đó có cái mà có thể giúp cho bạn đọc những trải nghiệm đời thường để đương đầu những khó khăn mà mình gặp phải khi bước đầu đặt chân vào nước Mỹ.
Các bạn cũng có thể xem như là lời hướng dẫn của một người đi trước, gởi gắm chút kinh nghiệm, một chút tình qua từng trang giấy nhỏ kết nối lại... Và đặc biệt sự thành công của nhân vật này, không có gì khác với cái bình thường so với mọi người, nhưng với cô ấy là điều quá lớn vì cô đã đứng vững, trên đôi chân của mình ở cái nơi không điểm tựa và không có chỗ dựa, với cái “cô đơn” cả vật chất và tinh thần.
Mong mỏi chia sẻ cùng các bạn...Chúc các bạn luôn có cuộc sống an lành và hạnh phúc.
Tác giả: Võ Thị Kim Loan
Tác giả Võ Thị Kim Loan
Sinh ra lớn lên ớ Bình Đại, Bến Tre.
1987, tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa Trường Đại học Cần Thơ và trở thành cán bộ giảng dạy.
1992, Tốt nghiệp bác sĩ Chuyên khoa I chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu Trường Đại học Y Hà Nội
1989-1993, hoàn tất chuyên Khoa phụ về Siêu âm tổng quát và Nội soi tiêu hóa của Trung tâm Hòa Hảo.
Đề tài Nghiên cứu : Ngộ độc thuốc trừ sâu
Ngộ độc rượu
Đã được báo cáo ở Hội nghị Quốc gia Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội năm 1998.
Rời Việt Nam năm 2000, định cự tại Miền Bắc California.
2007, tốt nghiệp Chuyên viên Hô hấp tại Trường Đại học Cộng đồng Foothill (kết nối Trường Đại học Cộng đồng De Anza và Đại học Stanford)
2008, nhận Bằng quốc gia chuyên ngành Hồi sức tích cực trẻ sơ sinh
2014, nhận Bằng quốc gia về chuyên ngành Hồi sức tích cực người lớn.
Hiện nay làm việc tại Bệnh viện O’ Connor Bắc California, và như một Trợ Lý giảng dạy thực tập ở Trường Đại học Cộng đồng Foothill, cũng là thành viên của Hiệp hội Hô hấp Hoa Kỳ ( AARC) và của Tiểu Bang California (CSRC).
Thành viên Hội Hồi sức Cấp cứu Việt Nam.
Hội viên danh dự Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở thích: đọc sách, chụp hình, xem “TV show”, chạy, và Facebook.
Mục tiêu tương lai là thành lập nhóm “Chăm sóc sức khoẻ tại nhà” cho người bệnh (Home Health Care Agency) ở vùng Bắc California (cùng nhóm bác sĩ đến từ Việt Nam).
Phương pháp ngăn ngừa “Nhiễm trùng bệnh viện” ở các khoa Cấp cứu sơ sinh ở Việt Nam và chuyên ngành “ Cấp cứu Hô hấp” ở Việt Nam.
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024