Hội thảo “Báo cáo các kết quả nghiên cứu Giới và xã hội”

Vào ngày 20 tháng 8 năm 2015 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội (GAS) - Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức một ngày hội thảo “Báo cáo các kết quả nghiên cứu về Giới và Xã hội” của Trung tâm GAS và của các thân hữu.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu điểm lại những đề tài đã được thực hiện về lịch sử, văn học, các vấn đề xã hội với quan điểm nữ quyền và bình đẳng giới.

Hội thảo cũng hướng đến thắt chặt hơn nữa mối liên lạc và góp phần phát triển một không gian nghiên cứu và trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu, giảng dạy và những nhà hoạt động xã hội.

Do có nhiều bài tham luận được gửi về Hội thảo, nên ban tổ chức đã chia thành bốn nhóm chủ đề như sau:

Chủ đề 1: Giới: Góc nhìn lý thuyết, gồm có các bài:  “Giới, giới tính từ góc độ lý thuyết kiến tạo xã hội” của TS. Nguyễn Xuân Nghĩa; “Giới và quyền lãnh đạo trong tổ chức” của ThS. Đỗ Hồng Quân và ThS. Lâm Thị Ánh Quyên; “Ngoại hình, thẩm mỹ, và vấn đề nữ quyền” của TS. Phạm Quốc Lộc; và “Phạm Duy và Lê Vân, giải mã thông điệp về vai trò và định kiến giới ở Việt Nam” của TS. Bùi Trân Phượng.

Chủ đề 2:  Giới và các vấn đề xã hội, gồm có các bài: “Khó khăn tâm lý của phụ nữ nhiễm HIV có chồng âm tính, liên quan đến môi trường sống, văn hóa xã hội” của ThS. Nguyễn Thị Minh Phương; và “Vấn đề giới trong chính sách phòng chống mua bán người ở Việt Nam” của TS. Dương Kim Anh.

Chủ đề 3: Giới và việc làm, gồm có các bài: “Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động - việc làm  trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” của ThS. Nguyễn Thị Hà; “Năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa vùng ven tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ” của ThS. Hồ Kim Thi; và “Việc làm và thu nhập của lao động nữ khu vực phi chính thức - những yếu tố ảnh hưởng tới bình đẳng giới” của ThS. Lê Thị Ngọc Dung.

Cuối cùng là Chủ đề 4:  Giới và gia đình,gồm có các bài: “Quan niệm của nam giới Thành phố Hồ Chí Minh về phân công công việc gia đình và sử dụng biện pháp tránh thai, sinh con” của ThS. Mai Thị Quế và bài “Vai trò của phụ nữ trong gia đình nông thôn hiện nay (Nghiên cứu tại Xã Cư Suê, Huyện Cư M’Gar, Tỉnh ĐakLak)” của ThS. Phạm Thị Hà Thương.

Mở đầu cho buổi hôi thảo là những quan điểm độc đáo của TS. Nguyễn Xuân Nghĩa (Trường Đại học Mở - TPHCM) về lý thuyết kiến tạo xã hội. Theo TS. Nghĩa, không những giới mà giới tính của con người cũng bị ảnh hưởng bởi xã hội, văn hóa, lịch sử của từng nhóm cá nhân nhất định. Một điểm đáng lưu ý trong bài nghiên cứu của TS. Nghĩa là đề cập đến những góc khuất trong bộ phận thiểu số những người thuộc giới LGBT/đồng tính, ông cho rằng việc xác định giới tính của cá nhân xuất phát từ cảm giác thật của họ chứ không hề theo “phong trào” và chính quan điểm về “bản chất” giới tính đã vô tình dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với những cá nhân này trong xã hội.

Từ xuất phát điểm khác biệt về giới đã dần tạo nên một thực trạng bất bình đẳng trong vai trò giữa nam và nữ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo. Đây cũng là quan điểm chính được trình bày một cách chi tiết trong bài tham luận của ThS. Đỗ Hồng Quân và ThS. Lâm Thị Ánh Quyên (Trường Đại hoc Mở - TP.HCM). Ngoài những phân tích về thực trạng, rào cản trong lãnh đạo, quản lý giữa nam và nữ, bài nghiên cứu cũng trả lời cho câu hỏi tại sao cần phải trao quyền cho cả nam và nữ khi phụ nữ là tác nhân chính của sự thay đổi. TS. Khuất Thu Hồng cũng đã nhận định dường như chúng ta đang tồn tại thói quen chỉ tập trung đến nữ giới mà quên mất đi vị trí cũng như sự ảnh hưởng của nam giới.

Một khía cạnh cũng khá thú vị về giới cũng được đề cập thông qua bài tham luận “Ngoại hình, thẩm mỹ và vấn đề nữ quyền” dưới phần trình bày ngắn gọn của TS. Phạm Quốc Lộc, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen. Trong bài TS. Lộc có nêu lên quan điểm ý nghĩa của ngoại hình trong cuộc sống cũng như những áp lực, định kiến lên người phụ nữ thông qua vẻ bề ngoài của họ. Ngoại hình còn là một vấn đề liên quan đến đạo đức mà đạo đức luôn là một vấn đề đấu tranh trong suy nghĩ chứ không đơn giản là hệ chuẩn mực để làm theo. Hướng quan tâm của TS. Lộc còn mở rộng ra là sự công bằng trong việc thừa nhận và biểu trưng thông qua thân thể và văn hóa của tất cả phụ nữ sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt phải kể đến bộ phận phụ nữ là dân tộc thiểu số.

Phần chia sẻ cuối cùng đầy thân tình trong chủ đề “Giới: Góc nhìn lý thuyết” là của TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen về “Phạm Duy và Lê Vân, giải mã thông điệp về vai trò và định kiến giới ở Việt Nam”. TS. Phượng nhấn mạnh những bất an, trăn trở của bà cũng như những nhà nghiên cứu khác trong “hệ thống văn bản Việt về vấn đề giới tính”, “cứ như là nó nhất thành bất biến, và trói chặt người Việt, nữ cũng như nam, vào một ‘định mệnh’ không sao thoát được”. TS. Phượng đã thể hiện tâm trạng biết ơn cũng như đồng cảm về những chia sẻ của tác giả John C. Schafer về ý thức giới thông qua hồi kí của hai người nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Cũng như mong muốn của tác giả John C. Schafer, TS. Phượng cũng đã có đôi lời khuyến khích mọi người nên “đọc lại” để “giải mã những thông điệp nằm dưới tầng sâu tác phẩm văn học, kể cả “nằm ngoài ý thức người kể” để rồi tạo điều kiện cho “một cuộc đối thoại mới về văn hóa truyền thống”.

Đề tài “Khó khăn tâm lý của phụ nữ nhiễm HIV có chồng âm tính, liên quan đến môi trường sống, văn hóa xã hội” của ThS. Nguyễn Thị Minh Phương (Trường Đại học Mở - TPHCM) trong chủ đề “Giới và các vấn đề xã hội” đã thể hiện một nét mới lạ hơn các nghiên cứu trước khi bám sát diễn biến tâm lí của người phụ nữ nhiễm HIV cùng vai trò ảnh hưởng của người chồng trong trường hợp này.

Một bài tham luận khác cũng liên quan đến một vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện đại đó là “Vấn đề giới trong chính sách phòng chống mua bán người ở Việt Nam” của TS. Dương Kim Anh. Và còn nhiều bài tham luận hấp dẫn khác khắc họa rõ nét hơn về vấn đề về việc làm, thu nhập cũng như việc phân công vai trò trong gia đình của phụ nữ thành thị và nông thôn.

Tuy chỉ gói gọn trong một ngày nhưng buổi hội thảo cũng đã tổng kết hết lại các vấn đề mà chúng ta quan tâm bấy lâu nay về giới cũng như ảnh hưởng của nó đến với sự thể hiện, vai trò của cả nam giới và phụ nữ. TS. Thái Thị Ngọc Dư, Giám đốc Trung tâm GAS, trường Đại học Hoa Sen, đã có những chia sẻ bế mạc buổi hội thảo. Đầu tiên là lời cảm ơn chân thành đến với các diễn giả đã dốc tâm sức của mình vào bài nghiên cứu nhằm nâng lên được mức độ khoa học, đặc biệt với sự tham gia của các diễn giả trẻ đã tạo nên được sự hứng khởi, nhiều sự quan tâm hơn nữa vào vấn đề nghiên cứu về “giới” mênh mông này. TS. Dư khẳng định nghiên cứu về lý thuyết, những cách tiếp cận, ứng dụng lý thuyết xã hội học hay tâm lí học giúp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn những điều mới mẻ trong vấn đề giới. Hội thảo cũng đã đề cập khá nhiều về phương pháp định tính trong nghiên cứu giới đã đem lại hiệu quả hơn trong việc khai thác sâu hơn những vấn đề. Hiện có hai điều mà TS. Dư băn khoăn lúc này, thứ nhất văn hóa chính là rào cản tồn tại nhận thức dai dẳng về giới. Thứ hai là vấn đề giới đặc biệt liên quan đến bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam, làm sao để giải quyết vấn đề lao động việc làm khi mà nền kinh tế Việt Nam đang rất thiếu mạch lạc, khiến cho phụ nữ lẫn nam giới nghèo, thậm chí cả những lao động có trình độ cứ lòng vòng trong hoạt động mưu sinh và kiếm sống. TS. Dư hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều buổi hội thảo đặc biệt chú ý đến lý thuyết về vấn đề giới hoặc là vấn đề giới liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó cô cũng kêu gọi mọi người dành thời gian để trong tương lai ta có thể cùng tham gia chia sẻ, trao đổi học thuật nhiều hơn, để Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội có thể tổ chức thêm nhiều buổi thảo luận chất lượng hơn.  

Nguyễn Hoàng Ánh Linh thuật lại

Nguồn: TT Nghiên cứu Giới và Xã hội, ĐH Hoa Sen


Phần mềm giao nhận logistic